Nhiều câu hỏi đặt ra xoay quanh việc “cứu” bất động sản có tạo nên sự phân biệt đối xử hay không? Bởi ngành nào cũng đang muốn được cứu sau đại dịch, nhất là sau khi diễn ra câu chuyện lãi suất và tỷ giá có nhiều biến động.

Để trả lời cho câu hỏi đó, tôi chú ý đến góc nhìn của chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên. Ông nói: “Đừng bao giờ đặt vấn đề chỉ là cứu thị trường bất động sản. Khi ấy, sự ủng hộ của Nhà nước mới phát huy được hết thế mạnh. Nếu chỉ tập trung vào cứu bất động sản mà quên đi việc cứu những lĩnh vực khác sẽ gây nên tâm lý phân cực trong xã hội là chỉ cứu người giàu. Điều này sẽ gây sự phản cảm trong xã hội”.

Ông giải thích rõ: lĩnh vực bất động sản lan tỏa và tác động rất mạnh mẽ đến các ngành liên quan, đặc biệt nó có ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tài chính và khu vực ngân hàng.

Từ quan điểm này của ông Thiên, chúng ta cùng nhìn lại khoảng thời gian khi Việt Nam mở cửa sau đại dịch và nền kinh tế có phần khởi sắc. Khi đó đã xuất hiện những dấu hiệu báo động.

Sáng ngày 24/5, Tập đoàn Hoà Phát tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 và ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát khi bị cổ đông đòi chia cổ tức là tiền mặt đã thốt lên: "Hoà Phát chỉ là tế bào trong nền kinh tế, mọi người hãy đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III và quý IV, tôi nghĩ kế hoạch kinh doanh năm nay sẽ khó. Mọi người sẽ thấy kết quả kinh doanh thê thảm như thế nào vì ngành thép không thuận lợi…”.

Sau bài phát biểu đó, Tập đoàn Hòa Phát đã công bố kế hoạch đóng cửa hai trong số ba lò cao tại Hải Dương và hai trong số bốn lò cao tại Dung Quất trong tháng 11 và thêm một lò nữa vào tháng 12/2022 nếu nhu cầu thị trường vẫn chưa cải thiện. Đó là cái giá rất đắt vì chi phí cho việc ngừng hoạt động và vận hành lại lò sẽ vào khoảng 40-50 tỷ đồng/lần và 7 ngày làm việc để hoạt động trở lại.

Đến thời điểm này, doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục giảm mạnh, và một loạt các doanh nghiệp sản xuất thép khác cũng đang đi theo sau như Tập đoàn thép Pomina thông báo ngừng hoạt động BOF; Thép miền Nam thông báo cắt giảm sản lượng…

Không thể giải cứu thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản bằng tiền tươi, thóc thật. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà

Lĩnh vực bất động sản không chỉ có ngành thép có liên quan mật thiết, mà còn nhiều ngành nghề khác như sản xuất kính, gạch lát, đá, xi măng và lao động.

Bất động sản là nền kinh tế thực chứ không phải ảo. Nó là tiền tươi, thóc thật, là công ăn việc làm thật. Trong công trình nghiên cứu, TS Đoàn Văn Bình, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết, lĩnh vực bất động sản đóng góp tới 13,67% GDP.

Khu vực này có lan tỏa trực tiếp đến 40 ngành nghề kinh tế quan trọng như tài chính, ngân hàng, xây dựng, công nghiệp, du lịch, lưu trú… Khi khu vực bất động sản tăng thêm 1.000 tỷ đồng sẽ kích thích giá trị sản xuất của các nhóm ngành này là 1.192 tỷ đồng.

Báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm nay số lượng dự án nhà ở thương mại được chấp thuận mới và hoàn thành vẫn hạn chế, cho thấy chưa có sự cải thiện về nguồn cung nhà ở thương mại. Tổng lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong 9 tháng đầu năm tổng hợp sơ bộ khoảng 12.000 căn, tương đương cùng kỳ năm 2021, chủ yếu là các dự án tồn đọng từ trước. Gần như không có dự án cấp mới.

Bên cạnh đó, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 13 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn.

Những con số trên là quá nhỏ bé so với nhu cầu của người Việt Nam trong quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng.

Trước tình thế đó, Thủ tướng đã ban hành nhiều chỉ thị, công điện nhằm vực dậy thị trường bất động sản như Chỉ thị 13 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Quyết định số 1435 về thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp; Công điện 1164/CĐ-TTg về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.

Tất nhiên, thị trường bất động sản gồm rất nhiều các khu vực khác nhau như bất động sản nghỉ dưỡng, bất công nghiệp, nhà ở, cho thuê… và không phải tất cả đều là đối tượng “giải cứu”.

Nhiều người hy vọng, khi nới room tín dụng, nền kinh tế sẽ có thêm hơn 200 nghìn tỷ đồng để tiếp sức cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, đó mới là một phần của giải pháp thôi.

Giải pháp tổng thể vẫn cần theo một tư duy xuyên suốt là, không thể giải cứu thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản bằng tiền tươi, thóc thật mà chỉ nên hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật để thị trường tự điều chỉnh, tự điều tiết.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản cần tái cấu trúc, tái cơ cấu, giảm giá nhà thực chất. Với gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa tiêu được bao nhiêu, Nhà nước cần hỗ trợ lãi suất hợp lý cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu để tăng tổng cầu và sức mua trên thị trường giúp doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn và hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi và phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững.   

Đó mới là cách “cứu” bền vững. Đặc biệt, cần phải tiến hành nhanh chóng vì để quá muộn thì việc hà hơi, tiếp sức sẽ rất khó khăn. Những bài học, kinh nghiệm và cái giá phải trả của Trung Quốc ở thị trường bất động sản của họ mới đây là không thể xem thường.

Lan Anh