Báo động tình hình sử dụng thuốc lá điện tử ở Việt Nam
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước tính chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015-2020 là 1.277 tỷ đồng/ năm.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Theo Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo.
Bên cạnh đó, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… Cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong các nhóm tuổi là:
- Nhóm 13-15 tuổi: Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi học sinh này là 3,5%.
- Người trên 15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24 tuổi là 7,3% so với các nhóm tuổi 25-44 tuổi (3,2%), 45-64 tuổi (1,4%), theo Nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh năm 2020.
Có thể thấy, chỉ sau 3 năm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể. Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ.
Mối nguy hiểm của thuốc lá điện tử
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, thành phần hóa chất, ma túy của thuốc lá điện tử phức tạp hơn rất nhiều so với thuốc lá truyền thống. Dưới đây là một số chất được phát hiện trong thuốc lá điện tử và tác hại của chúng đối với sức khỏe:
STT | Hoá chất | Ảnh hưởng sức khỏe |
1 | Nicotine | Nghiện, thúc đẩy gây u phổi, tăng HA, nhịp tim, co thắt mạch, ảnh hưởng phát triển não người trẻ |
2 | Acetaldehyde | Gây ung thư, tổn thương gan |
3 | Acrolein | Kích ứng đường thở, đường tiêu hóa, mắt |
4 | Formaldehyde | Gây ung thư, viêm phế quản, viêm phổi, hen |
5 | Vitamin E acetate | Tổn thương phổi cấp |
6 | Các hydrocarbon thơm đa vòng | Ung thư |
7 | Propylene glycol | Kích ứng đường thở, mắt, gây ung thư, hen |
8 | Glycerin | Viêm phổi mỡ, kích ứng da, mắt, phổi |
9 | Các nitrosamine | Ung thư |
10 | Nhiều hợp chất hữu cơ bay hơi | (acrolein, acrylamide, acrylonitrile, benzene, ethanol, methanol, pyrazine, pyridine, styrene, toluene, xylene) |
11 | Crôm | Gây viêm, kích ứng đường thở, loét/teo niêm mạc mũi, các vấn đề sinh sản/sinh đẻ |
12 | Cadmium | Tăng nguy cơ ung thư phổi, kích ứng đường hô hấp |
13 | Chì | Tổn thương não, thận, máu, tăng huyết áp |
14 | Niken | Gây ung thư, tổn thương phổi và não, gan, thận |
Theo Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, hiện nay các sản phẩm thuốc lá nung nóng rất đa dạng, trong đó có nhiều sản phẩm lai giữa thuốc lá nung nóng với thuốc lá điện tử, pha trộn, tẩm ướp dung dịch điện tử khiến cho việc kiểm tra và nhận biết khó khăn, như sản phẩm thuốc lá mới sử dụng công nghệ hybrid, không đốt nóng trực tiếp sản phẩm thuốc lá mà kết hợp giữa dung dịch thuốc lá điện tử và nguyên liệu thuốc lá.
Nếu cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng sẽ dẫn đến tình trạng thuốc lá điện tử cũng sẽ thâm nhập vào thị trường Việt Nam dưới mác thuốc lá nung nóng, sử dụng trá hình sẽ rất khó kiểm soát được.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là sản phẩm gây nghiện, gây hại cho sức khỏe. Không nên thí điểm một sản phẩm gây hại cho sức khỏe. Cho phép thí điểm kinh doanh thuốc lá điện tử, nung nóng có thể tạo kẽ hở trong quản lý do việc phối trộn các chất gây nghiện khác vào trong sản phẩm thuốc lá rất khó kiểm soát. Do đó, cơ quan này cho rằng không nên cho phép thực hiện thí điểm sản xuất, kinh doanh, lưu hành các sản phẩm thuốc lá mới.
Lan Anh