Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy gây ra bởi cuộc xung đột tại châu Âu đã tạo ra sự thiếu hụt đối với khí đốt và các kim loại hiếm phục vụ trong công nghiệp, buộc các công ty đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu này phải có những điều chỉnh trong hoạt động kinh doanh.
Envision AESC Group, công ty Nhật Bản chuyên sản xuất pin lithium-ion cho các phương tiện xe điện, đã thông báo tới khách hàng về việc giá cả tăng cao. Trong khi đó, Kawasaki Heavy Industries đang xem xét chuyển nhập hàng titanium từ Nga, nước sản xuất hàng đầu kim loại này, sang các nhà phân phối khác.
Đầu năm nay, Envision AESC đã yêu cầu khách hàng gồm Nissan Motor và những đối tác đặt hàng pin điện phải chi thêm 10% nhằm bù đắp cho việc giá lithium hydroxide, nguyên liệu chính sử dụng trong chế tạo pin lithium-ion tăng cao.
Đặc biệt, loại lithium tinh khiết cao trong pin xe điện hiện đang rất khan hiếm. Theo những người trong ngành, giá lithium đã cao gấp gần 10 lần so với năm ngoái. Trong khi đó các kim loại khác, gồm niken và đồng cũng đang tăng giá. Điều này tạo ra áp lực lớn lên các nhà sản xuất pin buộc phải chuyển chi phí đè lên vai khách hàng.
Palladium, một kim loại quý hiếm quan trọng trong chế tạo bộ chuyển đổi xúc tác của hệ thống ống xả xe hơi, cũng đang rục rịch tăng giá do cuộc xung đột đang diễn ra tại châu Âu. Tháng 4, tổ chức lĩnh vực công nghiệp kim loại quý đã đình chỉ một số nhà máy tinh chế palladium của Nga. Đến tháng 5, Anh cũng thông báo tăng thuế nhập khẩu với mặt hàng này.
Việc giá nguyên liệu tăng và nguồn cung đứt gãy có thể tạo ra những tác động lớn với nhiều ngành công nghiệp.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực hàng không, ông lớn Kawasaki Heavy đang phải tìm kiếm các nguồn cung titanium khác ngoài Nga. Trước đó, Boeing, đối tác đặt hàng thân máy bay từ nhà sản xuất máy móc công nghiệp nặng từ Nhật cũng đã dừng việc nhập khẩu titanium từ Nga. Mặc dù đến nay Kawasaki Heavy chưa gặp vấn đề khó khăn với nguồn cung nhưng họ cho biết, cần đối phó với rủi ro chính trị trong những năm tới.
Vinh Ngô (Theo NikkeiAsia)