Triển lãm diễn ra từ ngày 15/11 đến hết ngày 21/11/2023. Trưng bày 684 bản đồ, bản trích, hình ảnh về kiến trúc có giá trị tiêu biểu tại thành phố Hải Phòng; sự mở rộng, phát triển của thành phố và quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hình ảnh về thành tựu nổi bật của thành phố Hải Phòng trong những năm gần đây...

Từ một vùng đất ven biển, Hải Phòng là một trong ba đô thị loại 1 đầu tiên của Việt Nam vào năm 1888 dưới bàn tay quy hoạch và xây dựng của người Pháp. Cuốn Lược khảo đường phố Hải Phòng có ghi, sau Hiệp ước Giáp Tuất năm 1874, người Pháp bắt đầu quá trình đô thị hóa TP Hải Phòng bằng cách xây dựng nhiều công trình ở khu đất 7 ha, kéo dài từ cầu Lạc Long đến đường Trần Hưng Đạo ngày nay.

Theo các nhà nghiên cứu, các công trình được Pháp xây dựng thống nhất về thiết kế, thẩm mỹ đậm phong cách châu Âu, công năng cao, an toàn, chắc chắn, không bị ẩm thấp, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Ngoài ra, một số công trình có thêm họa tiết hơi hướng phương Đông, mang lại nét riêng, độc đáo.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, các công trình kiến trúc tại khu đô thị trung tâm thành phố vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn, được bảo tồn và phát huy giá trị sử dụng, chứng tỏ được sức sống lâu bền trước thời gian. Tất cả di sản văn hóa, kiến trúc đó chính là nguồn tài sản quý giá, cấu thành môi trường sống của người dân đất Cảng, góp phần tạo nên diện mạo độc đáo không thể trộn lẫn của thành phố Hải Phòng. Đó cũng chính là một trong những tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để Hải Phòng phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa.

nhahat.png
Trong số các công trình Pháp ở Hải Phòng, Nhà hát lớn nổi tiếng nhất. Theo tài liệu lịch sử, Nhà hát lớn thành phố được xây dựng năm 1904 và hoàn thành năm 1912.

Nhấn mạnh việc giữ gìn và bảo tồn Khu đô thị trung tâm thành phố không chỉ là bảo vệ những giá trị trong quá khứ, mà còn là vun đắp đầy thêm những giá trị ấy, làm cho Khu đô thị trung tâm trở nên văn minh hơn, giá trị hơn cả về vật chất lẫn tinh thần, Hải Phòng đã và đang triển khai nhiều dự án, chương trình, kế hoạch nhằm tìm ra hướng đi trong việc gìn giữ, bảo tồn phát huy giá trị về quy hoạch, kiến trúc Pháp trong lòng thành phố.

Hơn 100 năm tồn tại, những công trình kiến trúc Pháp ở Hải Phòng trở thành di sản, với vẻ đẹp cổ điển.

Dù đã được xây dựng từ trên dưới 100 năm song hầu hết các công trình kiến trúc Pháp ở Hải Phòng trở thành di sản, với vẻ đẹp cổ điển nhờ được thành phố bảo tồn, hiện hữu và được sử dụng trong một xã hội đương đại tạo ra sự cân bằng và hài hòa.

Với thiết kế thẩm mỹ mang đậm phong cách Châu Âu, công năng an toàn, phù hợp với điều kiện địa lý và thời tiết, một số công trình có thêm họa tiết mang hơi hướng phong cách phương Đông với nét riêng độc đáo các công trình này đến nay vẫn phát huy giá trị tiêu biểu như: Nhà hát thành phố, ga Hải Phòng, Bưu điện thành phố, trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố...

Thành phố Hải Phòng với hơn 300 biệt thự kiểu Pháp, trong đó, hơn 100 công trình có kiến trúc độc đáo và có giá trị văn hóa - lịch sử, các công trình kiến trúc Pháp ít bị xáo trộn, mất mát qua thời gian và ảnh hưởng bởi sự tàn phá của chiến tranh đã và đang được bảo tồn một cách đúng đắn tạo nên một nét đặc trưng của thành phố. Đặc biệt hầu hết các công trình nằm trong khu vực trung tâm thành phố và được sử dụng làm trụ sở công quyền của thành phố từ năm 1955 đến nay góp phần tạo nên tính toàn vẹn của một di sản đô thị.