Trẻ nhỏ với bản tính tinh nghịch, thích khám phá, tò mò, đôi khi có thể cắn hay nhai dây điện, nhét những đồ vật bằng kim loại vào ổ điện, nghịch phích cắm điện hoặc di chuyển tới gần dây điện bị hở hoặc dùng điện thoại khi đang sạc pin... Không ít trẻ bị điện giật tới mức chấn thương, thậm chí tử vong.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, để phòng tránh tai nạn điện giật cho trẻ, gia đình cần thực hiện an toàn điện, giữ các dây điện và dây kéo dài ra khỏi tầm với của trẻ. Sử dụng ống che dây điện hoặc băng dính cách điện để giữ dây điện gọn gàng và an toàn.

Cần đảm bảo rằng trẻ không tiếp xúc với các thiết bị điện khi ướt, như trong lúc tắm hoặc khi đang chạy ngoài trời khi trời mưa. Nên dùng các thiết bị điện an toàn như có nắp đậy, ổ cắm, thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện đang sử dụng xem có bị hư hao hoặc chuột cắn hay không. Nếu phát hiện bất kỳ sự cố nào như dây điện hỏng, hãy yêu cầu một thợ điện sửa chữa.

W-phong-dien-giat-1.jpg
Dùng các thiết bị điện an toàn như có nắp đậy phòng tránh tai nạn điện giật. 

Ngoài việc chủ động phòng tránh tai nạn điện bằng cách thiết kế hệ thống điện an toàn trong gia đình, các bậc cha mẹ nên hướng dẫn trẻ những nguyên tắc an toàn điện. Giáo dục trẻ không được cho tay vào ổ điện, không chạm vào thiết bị điện khi tay ướt. Không cắm bất cứ vật gì vào ổ cắm điện vì có thể bị điện giật hoặc gây hỏa hoạn.

Không để trẻ sử dụng các thiết bị điện tử khi đang sạc. Không để trẻ sử dụng các thiết bị điện tùy ý, cẩn thận khi trẻ nấu cơm, dùng quạt máy, bàn ủi, máy sấy tóc, máy giặt ...

Khi trời mưa giông, có sấm chớp, không đứng gần cửa sổ, không đứng chỗ cao hoặc đường vắng, đồng ruộng, không đứng dưới gốc cây để trú mưa… Không trèo lên cột điện, không thả diều trong thành phố. Không được leo lên hàng rào quanh một trạm biến áp điện. Nếu một quả bóng rơi vào trong, hoặc vật nuôi lạc vào trong hàng rào thì hãy nhờ người lớn giúp đỡ.

Cha mẹ cũng cần để mắt đến trẻ liên tục, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi từ 0-6 tuổi.  

Mạo danh nhân viên khoa phụ sản gọi điện lừa đảoKhi nhận điện thoại của kẻ gian tự xưng là nhân viên khoa Phụ sản, nhiều người tin tưởng và chuyển tiền. Đến khi nghi ngờ và gọi lại cho số điện thoại thì không liên lạc được, họ mới biết bị lừa.
Văn Giáp và nhóm PV, BTV