Trong báo cáo hàng tuần về đại dịch Covid-19 được công bố hôm 19/5, WHO cho biết số ca nhiễm mới dường như đã ổn định sau nhiều tuần giảm kể từ cuối tháng 3, với khoảng 3,5 triệu ca Covid-19 mới được ghi nhận vào tuần trước, tương đương mức tăng khoảng 1%. 

Theo đó, số ca Covid-19 mới có chiều hướng gia tăng ở châu Mỹ, khu vực Trung Đông, châu Phi và khu vực Tây Thái Bình Dương, trong khi giảm ở châu Âu và khu vực Đông Nam Á. Mức tăng số ca nhiễm mới ở khu vực Trung Đông là 60% và ở châu Mỹ 26%, trong khi số ca tử vong giảm ở nhiều nơi, trừ châu Phi với tỷ lệ tử vong tăng tới gần 50%.

Nhân viên y tế xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: AP

Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, WHO cho biết số ca nhiễm Covid-19 mới được ghi nhận nhiều nhất là ở Trung Quốc, với mức tăng tới gần 94%, tương đương hơn 389.000 ca nhiễm mới. Dù vậy, sau nhiều tuần thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt, Trung Quốc đã dần cho phép một số siêu thị, trung tâm thương mại và nhà hàng ở Thượng Hải được mở cửa trở lại với những điều kiện hạn chế vào tuần tới.

Các số liệu về Covid-19 được báo cáo lên WHO không bao gồm số liệu về đợt bùng dịch gần đây ở Triều Tiên, do nước này vẫn chưa chính thức chia sẻ dữ liệu được yêu cầu với WHO.

Thêm vắc xin Covid-19 của Trung Quốc được WHO cấp phép

WHO trong ngày 19/5 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Covid-19 có tên gọi Convidecia của hãng dược CanSinBIO từ Trung Quốc cho các đối tượng trên 18 tuổi. WHO khẳng định, vắc xin Convidecia đáp ứng các tiêu chuẩn của cơ quan về khả năng bảo vệ trước virus corona, và lợi ích từ việc tiêm loại vắc xin này lớn hơn so với rủi ro.

Với thông tin trên, Convidecia trở thành loại vắc xin Covid-19 thứ 11 được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp trên thế giới. Cơ quan y tế này cho biết, các kết quả thử nghiệm Convidecia cho thấy khả năng ngăn ngừa các triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng của vắc xin này lên tới 92%.

Convidecia là vắc xin Covid-19 một liều duy nhất, tương tự loại của Johnson & Johnson (Mỹ). Trước khi được WHO phê duyệt, vắc xin này đã được sử dụng ở một số quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia cùng một số nước Mỹ - Latin như Brazil, Argentina, Mexico, Chile và Ecuador.

Triều Tiên khuyến khích dùng thuốc cổ truyền điều trị Covid-19

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 19/5 đưa tin, nước này đang khuyến khích dùng những bài thuốc cổ truyền có thể hạ sốt và giảm đau, nhằm chống lại đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất.

Theo KCNA, những phương thuốc cổ truyền này “có hiệu quả trong việc phòng ngừa và điều trị các loại bệnh quái ác”.

Thiếu vắng chương trình tiêm chủng quốc gia và thuốc điều trị Covid-19, truyền thông Triều Tiên đã khuyến khích bệnh nhân bị “sốt” dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, cũng như những phương thuốc tại gia như nước súc họng, trà kim ngân hoa hay trà lá liễu.

KCNA còn cho biết, các nhà máy đang sản xuất thêm xilanh, dược phẩm, nhiệt kế và các vật tư y tế khác “với tốc độ chớp choáng” tại thủ đô Bình Nhưỡng và những vùng xung quanh, trong khi nhà chức trách đang dựng thêm nhiều khu cách ly và tăng cường khử khuẩn.

Triều Tiên đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 lớn chưa từng có. Hôm 19/5, nước này ghi nhận thêm hơn 260.000 ca nghi nhiễm Covid-19 mới, qua đó nâng tổng số ca sốt trong nước lên gần 2 triệu.

>>> Cập nhật tình hình dịch Covid-19 mới nhất

Việt Anh