Cá chết trắng lồng

Hai ngày qua cá tự nhiên và cá nuôi lồng trên sông Mã của các hộ dân sống trên địa bàn thị trấn Cành Nàng, xã Điền Hạ, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) bỗng dưng chết bất thường. Trong đó, có nhiều hộ cá chết trắng lồng, khiến cho cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

W-3b39f02e-f8b8-4250-a97b-dfa4ac166645-5.jpg
Ông Phạm Bá Chinh rơi vào cảnh trắng tay khi cá nuôi bị chết. Ảnh: Trần Nghị

Theo tìm hiểu của PV, các hộ dân nuôi cá lồng ở phố Vận Tải và phố 1-Lâm Xa (thị trấn Cành Nàng) chủ yếu là dân sông nước. Lâu nay, họ không có đất nông nghiệp, lâm nghiệp, chỉ sống bằng nghề thuyền chài sông nước và nuôi cá lồng nên khi cá chết, nước sông ô nhiễm… thì họ không còn cách nào xoay sở.

Bà Nguyễn Thị Hậu (SN 1965, trú phố Vận Tải) buồn bã cho hay: "Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Vào năm ngoái (tháng 10/2023), chúng tôi được chính quyền hỗ trợ 30kg cá giống (cá trắm cỏ-PV) để nuôi lồng. Bây giờ, cá đã lớn, mỗi con hơn 2kg thì bị chết. Tôi trắng tay”.

Tương tự như gia đình bà Hậu, gia đình bà Nguyễn Thị Nga (trú khu phố Hồng Sơn) có 3 lồng nuôi cá trắm cỏ. Sáng 28/4, cá bị ngạt khí chết hết. Gia đình mang cá đi bán với mong muốn vớt vát được ít vốn liếng.

“Cá chết nổi trắng lồng, không còn con nào, trong đó có 2 lồng cá to, trên 3kg/con. Năm ngoái, tôi không thu hoạch mà để dành năm nay bán để lấy tiền trả nợ. Giờ thì trắng tay hết rồi, nợ lại thêm nợ”, bà Nga xót xa.

Cũng theo bà Nga, bình thường bán một con trắm cỏ được hơn 200.000 đồng, giờ bà bán cả xe kéo tay cá chưa được một triệu đồng.

W-2-2sd.jpg
Bà Nga cũng bất lực vớt cá lên xe mang đi bán để thu hồi được đồng nào hay đồng đó. Ảnh: Trần Nghị

Ở khu phố Hồng Sơn, có 2 hộ dân cũng bị thiệt hại nặng, đó là hộ anh Nguyễn Văn Thành (gần 400kg cá chết, thiệt hại khoảng 40 triệu đồng) và hộ anh Lường Văn Tâm (gần 300kg cá bị chết, thiệt hại khoảng gần 30 triệu đồng).

Cùng chung cảnh ngộ, ông Phạm Bá Chinh (làng Chiềng Ai, xã Điền Hạ) cũng bị chết 1 lồng cá nuôi. "3h sáng 28/4, tôi ra cấp cứu mà không được, hơn 100kg cá bị chết", ông Chinh cho hay.

Rong ruổi 50km để bán cá

Thiệt hại nặng nề nhất là gia đình chị Ngô Thị Minh (SN 1986, trú phố Vận Tải). Ngày 27/4 vừa qua, gia đình chị chết khoảng hơn 1.200 con cá lăng, leo (khoảng 1 tấn) và 100kg cá trắm cỏ với tổng thiệt hại hơn 100 triệu đồng.

“Vay ngân hàng để đầu tư lồng, mua giống, thức ăn cho cá với mong muốn phát triển kinh tế nhưng nay cá chết như vậy thì gia đình tôi lại thêm nợ”, chị Minh cho hay.

Cũng theo chị Minh, nhiều ngày nay chị đã dùng máy sục để lấy oxy cho cá. Tối chị ngủ ở khu nuôi cá để trông. Đến sáng 27/4, thấy cá có biểu hiện ngạt, chị vội di chuyển cá đến vùng nước an toàn. Tuy nhiên quãng đường xa, cá chết gần hết.

W-img-20240428-121653-4.jpg
Bà Đinh Thị Trang rong ruổi 50km bán cá không được đành mang đi cho và mang về phơi khô. Ảnh: Trần Nghị

Bà Đinh Thị Trang (SN 1965, trú phố Vận Tải) cho biết, khi cá chết bà đã dùng chiếc chậu lớn chở cá đi rong ruổi giữa trưa nắng xuống vùng Lang Chánh, Ngọc Lặc (cách nhà khoảng 50km) và đi vào các làng để bán cá với mong muốn thu lại ít vốn nhưng cũng chỉ bán được ít con.

“Chúng tôi sống nhờ vào nghề thuyền chài trên sông, "đầu con cá, đuôi con tôm". Giờ không còn gì cả, biết làm gì đây?”, bà Trang xót xa.

Theo người dân thì từ đầu năm đến hiện tại họ phát hiện nước sông Mã 6 lần đổi màu bất thường. Trong đó, 5 lần trước họ phát hiện và kịp đưa cá vào khu vực an toàn. Đến lần này thì không kịp nên cá chết hết.

Ông Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước cho biết, cá nuôi bè lồng của bà con chết lác đác từ ngày 19/3. Tối ngày 26 và 27 đến 11h trưa ngày 28/4, cá chết nhiều. Trên địa bàn thị trấn đã có 2,8 tấn cá nuôi lồng chết.

“Trước đây, cơ quan chức năng của tỉnh đã đến lấy mẫu nước về xét nghiệm và cho kết quả hàm lượng oxy trong nước thấp dẫn đến việc cá chết”, ông Hùng thông tin thêm.

Trong chiều 28/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa đã đến địa phương lấy mẫu nước, mẫu cá để xét nghiệm tìm nguyên nhân dẫn đến việc cá chết bất thường.