Buổi hoà nhạc ENEOS đặc biệt không chỉ vì chương trình có 2 tác phẩm lớn mà còn được chơi bởi các nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam hiện nay: nghệ sĩ cello trẻ Phan Đỗ Phúc nổi bật với nhiều hoạt động âm nhạc trong các năm gần đây, nghệ sĩ violin Bùi Công Duy từ lâu được công nhận như violinist số một tại Việt Nam cùng vợ là nghệ sĩ dương cầm Trinh Hương. 

Nghệ sĩ Bùi Công Duy.

Bản thân concerto cho 3 đàn của Beethoven cũng là một tác phẩm đặc biệt trong lịch sử âm nhạc cổ điển. Beethoven đã tạo ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết: cân bằng 3 âm thanh khác nhau rõ ràng của các nhạc cụ độc tấu với dàn nhạc; phân bổ chủ đề một cách đồng đều cho 4 thành phần; 3 nhạc cụ độc tấu có hoạt động riêng biệt hay như một trio; tạo ra các chất liệu âm nhạc đủ xúc tích để dễ quản lý nhưng đồng thời cũng phải đủ linh hoạt để kết nối tất cả. 

Nghệ sĩ Bùi Công Duy, Phan Đỗ Phúc và Trinh Hương biểu diễn với dàn nhạc.

Một bản concerto thông thường vốn để cho nghệ sĩ độc tấu có thể phô diễn tài năng âm nhạc khi đối thoại với dàn nhạc. Nhưng với 3 nghệ sĩ lớn cùng lúc chơi với nhau, việc tiết chế để tạo ra sự cân bằng, không ai thể hiện cái tôi vượt trội hay dẫn dắt quá mức cũng là một thách thức trong việc biểu diễn.

Nghệ sĩ Trinh Hương.

Ngày 12/5, Bùi Công Duy đã có màn biểu diễn ấn tượng tác phẩm 'Đường đến Việt Nam' kết hợp với nghệ sĩ đàn bầu Lệ Giang trong chương trình khai mạc SEA Games 31. Thực tế anh đã từng có lúc chơi 2 đêm liên tiếp 4 tác phẩm Concerto lớn nhưng lần này khán giả có thể nhận thấy một chút căng thẳng của Bùi Công Duy khi bắt đầu chương I, nhưng với bản lĩnh của một nghệ sĩ chuyên nghiệp anh nhanh chóng bắt nhịp cùng với các cello và piano. Chương I không có phần cadenza thường thấy nhưng các nhạc cụ đều có nhiều cơ hội để đối thoại với nhau trong khi phần dàn nhạc chủ yếu làm nền. 

Chương II là một chương ngắn, không có phần phát triển theo hình thức sonata thông thường mà chỉ như màn giới thiệu cho chương III ngay sau đó. Nhưng nó lại có nhiều giai điệu đẹp, nhất là màn song ca giữa violin và cello trên nền của piano. Hai nghệ sĩ đàn dây phối hợp với nhau khá ăn ý cuốn hút người nghe ở các biến tấu ngắn trước khi chuyển đến phần Polonaise rộn ràng ở chương III.

Buổi hoà nhạc tiếp tục với những giai điệu tuyệt đẹp của giao hưởng số 3 của Brahms. Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Tetsuji Honna, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam mang đến cho khán giả những xúc cảm nồng nhiệt, bùng nổ, xen lẫn tính chất thi vị, riêng tư và thầm kín. Chương III được mở ra ở giọng Đô thứ là một trong nhưng giai điệu đẹp nhất của âm nhạc giao hưởng. Không mãnh liệt, không đau đớn và không quá sầu thảm, nhưng nó có thể chạm tới những nỗi nhớ nhung, những kỷ niệm đẹp đẽ và thiêng liêng nhất của con người. Một nỗi buồn lặng lẽ với những tiếng thở dài thầm kín và mỉm cười qua làn nước mắt. Chương nhạc giống như một khúc hát biệt ly, một bài ca với những tình cảm nghẹn ngào không cất nên lời. 

Bùi Công Duy, Phan Đỗ Phúc, Trinh Hương và nhạc trưởng Honna Tetsuji.

Có lẽ hiếm khi người dân thủ đô có dịp nghe 3 ngôi sao âm nhạc cổ điển của Việt Nam cùng biểu diễn trong một chương trình như vậy. Nhiều người yêu nhạc đã rất khó khăn để kiếm được chỗ trong nhà hát khi vé được bán hết từ rất sớm. Vừa da diết lại vừa nồng nhiệt, sâu lắng. Ba nghệ sĩ đã truyền tải được nhiều cung bậc cảm xúc và tinh thần âm nhạc của Beethoven đến cho khán giả. Một buổi hoà nhạc xứng đáng được coi là thành công nhất kể từ khi mùa dịch kết thúc và các chương trình biểu diễn nghệ thuật được tổ chức lại.

NSND Ngô Văn Thành, NSND Nguyễn Châu Sơn chụp ảnh sau đêm diễn với các nghệ sĩ.
Bùi Công Duy và Trinh Hương
Vợ chồng Bùi Công Duy chụp ảnh với nhạc trưởng Honna Tetsuji và NSND Thu Hà.
Clip 3 nghệ sĩ Bùi Công Duy, Phan Đỗ Phúc và Trinh Hương chơi tác phẩm L.Beethoven - Triple Concerto for Violin, Cello, Piano:

Nguyễn Hoàng Việt
Ảnh: Hoàng Pane Vino, Đỗ Tiến