Ngôi sao của Bayern Munich và đội tuyển Senegal, Sadio Mane, truyền cảm hứng cho hàng nghìn trẻ em châu Phi cũng như tạo ra sự bùng nổ học viện bóng đá.

Mới 15 tuổi, Jean Chrisologue Bonang (ảnh; áo đỏ) đã đặt cho mình một mục tiêu trong cuộc sống. "Tôi muốn được như Sadio Mane, anh ấy bằng tuổi tôi khi rời thị trấn và từ lâu đã cứu gia đình mình khỏi mọi khó khăn", cậu thanh niên mỉm cười. Sinh ra ở Bignona, phía nam Senegal, cậu sống chung căn hộ với 13 cầu thủ trẻ khác ở Guediawaye, ngoại ô Dakar, tất cả đều hy vọng một ngày nào đó có thể thành công trên đất châu Âu.

Họ tập luyện, xem các trận đấu, vui chơi một lúc rồi lại tập luyện. Cuộc sống của Bonang và các bạn xoay quanh bóng đá. Đó là giấc mơ được chia sẻ bởi hàng nghìn trẻ em châu Phi, đồng thời là một ngành kinh doanh phát đạt. Đó là câu chuyện của một vài thành công và hàng nghìn thất bại.

GIẤC MƠ TRỞ THÀNH MANE

Mặt trời bắt đầu buông xuống. Thủy triều xuống để lộ hàng km cát ướt trên bãi biển rộng lớn nối Guediawaye với thủ đô. Trong nháy mắt, một nhóm thanh niên chiếm hết chỗ trống trong các bữa tiệc bóng đá ngẫu hứng. Bóng đá, ở châu Phi, có mặt khắp nơi. Và những cầu thủ thành công ở các CLB châu Âu, những người hùng thực sự bằng xương bằng thịt, sống trong sự thèm khát của lũ trẻ.

Để hiểu được niềm đam mê này, bạn phải đến Bambali, một thị trấn có khoảng 15.000 cư dân ở vùng Sedhiou, phía nam đất nước. Trong khu tập thể nhỏ gồm những ngôi nhà nằm cạnh sông Casamance (khoảng 320 km, phần lớn đổ vào Đại Tây Dương), một cậu bé có tên Sadio Mane được sinh ra cách đây 31 năm, luôn lợi dụng bất kỳ sự phân tâm nào của cha mẹ mình để đá bóng.

Sự vươn lên vinh quang của anh thật nhanh chóng. Sau chiến thắng cùng Liverpool và dẫn dắt đội tuyển Senegal trở thành nhà vô địch châu Phi, ngày nay anh là một trong những ngôi sao của Bayern Munich. Anh là cầu thủ châu Phi xuất sắc nhất trong những năm gần đây.

Tại Bambali, dấu ấn của Mane ở khắp mọi nơi. Anh tài trợ cho các phòng học mới của trường cấp hai, nơi trao học bổng cho những học sinh giỏi nhất; anh xây dựng một trung tâm y tế để tránh những chuyến đi xa và tốn kém cho hàng xóm của mình; anh cũng cải tổ nhà thờ Hồi giáo chính của thị trấn, nơi người chú làm Imam (cách gọi những người lãnh đạo trong nhà thờ và cộng đồng Hồi giáo); trả tiền cho việc lắp đặt ăng-ten điện thoại và một trạm xăng.

Hàng năm, trong tháng Ramadan, anh tặng mỗi gia đình một bao gạo và khoảng 82 USD (khoảng 1,925 triệu đồng).

Omar Diatta, một quan chức thành phố, là bạn thân của anh Mane. "Cậu ấy khiến chúng tôi hiểu rằng bóng đá không chỉ là niềm vui", vị quan chức giải thích.

"Chúng tôi rất tự hào về Sadio. Những gì cậu ấy làm cho Bambali là rất to lớn", Mamadou Mane, chủ tịch Hiệp hội Thanh niên cho biết thêm. "Cậu ấy không chỉ được nhắc đến vì tài năng mà còn vì sự hào phóng của mình". 

Mỗi khi Sadio Mane thi đấu, những người hàng xóm tập trung xung quanh một màn hình khổng lồ. "Mọi người đến từ khắp nơi, vào những dịp quan trọng, chúng tôi tổ chức đọc kinh Koran để ủng hộ cậu ấy", Mamadou Mane nói thêm. 

Trong sự mát mẻ của hiên nhà có cột của ngôi nhà mới xây nhờ cháu trai, Imam Talibo Mane, chú của Sadio, nhớ lại những năm thơ ấu của người cháu. "Sadio là một đứa trẻ tốt bụng, tôn trọng người lớn tuổi. Thằng bé không hề thay đổi kể từ đó. Đối với chúng tôi, nó còn hơn cả bóng đá, với quyết tâm làm gương đạo đức cho mọi người"

Nhưng cậu bé chơi bóng giỏi đó có thể là bất kỳ ai trong số hàng trăm nghìn đứa trẻ lang thang khắp châu Phi ngày nay. Cậu bé có tài năng, không ai nghi ngờ điều đó, nhưng cần một cơ hội.

Trên đỉnh một ngọn đồi hoang vắng gần hồ Rosa, cách Dakar một giờ lái xe, một khu phức hợp rộng 18 ha có hai sân cỏ tự nhiên, khu dân cư, phòng ăn, phòng thay đồ, trường cấp hai, văn phòng và một phòng thể dục.

Đó là Generation Foot, học viện bóng đá nổi tiếng nhất ở Senegal, nơi đào tạo ra những cầu thủ giỏi nhất của đất nước trong thập kỷ qua, bao gồm cả một Sadio Mane có tấm ảnh cầm cúp trở thành biểu tượng mà ai cũng nhìn vào. Chính tại đây, Sadio đã có cơ hội của mình.

SỰ BÙNG NỔ CỦA CÁC HỌC VIỆN

Tháng 2/2022, trong bầu không khí háo hức không thể kiềm chế, hàng trăm nghìn người tập trung trên vỉa hè của các con phố ở Dakar để xem một chiếc xe buýt chạy qua. Bên trên là các thành viên của đội tuyển quốc gia vừa vô địch Cúp bóng đá châu Phi lần đầu tiên trong lịch sử. Đây mới chỉ là khởi đầu của một năm mang tính bước ngoặt.

Trong 14 tháng tiếp theo, Senegal được tuyên bố là nhà vô địch châu lục U23, và U17, thành công mà chưa từng có quốc gia nào đạt được. Điều này phần lớn được giải thích bởi sự bùng nổ của các học viện tư nhân như Aspire, Diambars, Dakar Sacre-Coeur, Oslo FA, Darou Salam và tất nhiên là cả Generation Foot, nơi nuôi dưỡng các thành viên ĐTQG ở mọi cấp độ.

Chỉ trong chưa đầy một thập kỷ, hệ thống đi từ những sân đất bấp bênh, những HLV ít được đào tạo và những cầu thủ trẻ suy dinh dưỡng đến những trường học với các chuyên gia hàng đầu có các chuyên gia dinh dưỡng, HLV và cơ sở vật chất chất lượng.

Alpha Amadou Toure là một thiếu niên 16 tuổi cao lêu nghêu nhưng cường tráng. Năm 2019, một tuyển trạch viên của Generation Foot đã thấy cậu tập ở Kaolack và đề nghị đến sống tại học viện. "Tôi không nghĩ về điều đó quá nhiều, rất ít người trong chúng tôi có cơ hội này", cậu mơ ước được đến Premier League, mục tiêu của hầu hết mọi người.

Trung tâm đào tạo ra đời từ năm 2000, hiện có 120 thanh thiếu niên, đa số từ 12 đến 18 tuổi, được đài thọ toàn bộ chi phí. Chịu trách nhiệm mọi việc là Mady Toure, một cựu cầu thủ bắt đầu dự án với một bàn và hai quả bóng.

Ngày nay, ông có thỏa thuận với FC Metz, CLB nổi tiếng của Pháp tài trợ cho học viện để đổi lấy quyền ưu tiên ký hợp đồng với 2 cầu thủ trẻ mỗi năm.

"Chúng tôi đào tạo cầu thủ, nhưng cũng đào tạo con người. Đó không chỉ là bóng đá, mà còn là kỷ luật và giáo dục. 9/10 người không đến được châu Âu và họ phải chuẩn bị cho thời điểm đó", Toure giải thích. Tại trường trung học bên trong học viện, 80 trẻ em cất giày trong vài giờ để học tiếng Tây Ban Nha, toán, khoa học máy tính hoặc văn học.

Nhiều cậu bé đến với Generation Foot sau khi bỏ học, các lớp học xóa mù chữ đã được giới thiệu cho chúng. Trong những tháng tới, dự kiến ​​cũng sẽ mở các lớp dạy nghề.

Song song với sự bùng nổ của các học viện và thành công của các đội tuyển quốc gia, Senegal cũng chứng kiến ​​sự xuất hiện của hàng trăm tuyển trạch viên và đại diện quốc tế. Đó không phải hiện tượng mới trên lục địa. 

Hàng chục cầu thủ châu Phi từng giành vinh quang ở châu Âu trong suốt lịch sử, chẳng hạn như George Weah, người duy nhất giành được Quả bóng Vàng danh giá trước khi trở thành Tổng thống Liberia; Samuel Eto'o từ Cameroon, Yaya Toure và Didier Drogba từ Bờ Biển Ngà. Nhưng Senegal nổi bật như thời thượng.

"Từ Pháp và Bỉ luôn có, nhưng bây giờ mỗi ngày họ đến từ Tây Ban Nha, Italy, Na Uy, Thụy Điển hoặc Đức. Sự quan tâm đang tăng lên. Trước đây các chàng trai chỉ có thể hình, nhưng bây giờ trình độ kỹ thuật của họ đã tăng lên nhờ cơ sở vật chất và hệ thống đào tạo tốt nhất đã phát triển", Raul Martinez, tuyển trạch viên người Tây Ban Nha rất thành công ở châu Phi, nói.

Từ 7 giờ sáng, các cầu thủ của đội trẻ Espoirs de Guediawaye bắt đầu buổi tập. Mọi người phải tận dụng thực tế là mặt trời vẫn chưa chiếu sáng và sân vận động thành phố, với cỏ nhân tạo, đang trống vào thời điểm này. Raul Martinez quan sát mọi thứ và chú ý đến Yoro Diop (ảnh; áo xám), 18 tuổi, cao lớn, người đã ký hợp đồng 3 năm với Rayo Majadahonda.

"Tôi đã theo dõi cậu ấy trong nhiều tháng, cậu ấy đã tiến bộ rất nhiều trong năm nay. Thử thách lớn sẽ là sự thích nghi của cậu ấy, mọi thứ rất mới mẻ đối với Yoro, như thành phố, bữa ăn, lịch trình, kỷ luật. Các cậu bé có những kỳ vọng rất lớn, nhưng chúng phải học cách kiên nhẫn", Martinez giải thích.

Raul Martinez giao lưu với đội trẻ Espoirs de Guediawaye

GIA ĐÌNH KHIÊM TỐN

Phần lớn các cầu thủ xuất thân từ những gia đình khiêm tốn và việc ký hợp đồng với một CLB châu Âu không chỉ có thể thay đổi cuộc đời họ mà còn cả những người xung quanh. Số tiền mà cậu bé nhận được dao động từ mức lương tối thiểu quy định ở mỗi quốc gia cho đến hàng chục nghìn euro mỗi năm, cộng với tiền chuyển nhượng.

Martinez cho biết: "Điều đó phụ thuộc vào nhiều khía cạnh, đó là đội bóng nào, thời hạn của hợp đồng, tài năng mà cầu thủ thể hiện". Theo quy định mới của FIFA, tối đa 10% từ việc bán cầu thủ trẻ sẽ được chuyển cho người đại diện hoặc trung gian, người này sẽ trả tiền cho tuyển trạch viên.

Sau đó, có các quyền hoặc tiền bồi thường cho việc đào tạo được trả cho các CLB hoặc học viện nơi cầu thủ đã đăng ký từ khi anh ta 12 tuổi. Trong trường hợp của châu Âu, chúng nằm trong khoảng từ 10.000 đến 100.000 USD.

Fran Castano, một người yêu bóng đá, từng là nhà phân tích chiến thuật cho CD Leganes, đã chọn Ghana thay vì Senegal. Ông đã mở học viện của riêng mình ở đó từ năm 2017.

"Một điểm khác biệt lớn giữa châu Phi và những nơi khác như châu Âu hay châu Mỹ Latinh là, trừ một số trường hợp ngoại lệ, các CLB lớn thường không có hạng thấp hơn. Vì vậy, các cậu bé chơi trong các đội lân cận với rất ít phương tiện và không có cấu trúc chuyên nghiệp để giúp họ tiến bộ. Đó là nơi các học viện tư nhân này phát sinh", Castano nói.

Ông tiếp tục: "Trong trung tâm của ông có khoảng 30 trẻ em nội, tuổi từ 12-18, cùng một đội gồm 15 chuyên gia. "Họ sống, ngủ, ăn và tập luyện ở đây. Chúng tôi buộc họ phải tiếp tục học".

Jean Claude Mbvoumin đã biết rõ những đường nét đen tối của loại hình kinh doanh cầu thủ này. "Có hàng ngàn trẻ em châu Phi đến châu Âu bị lừa dối bởi những người vô đạo đức hoặc bởi chính các CLB, những người mà khi các bài kiểm tra không suôn sẻ, họ ném chúng đi và phó mặc cho số phận của chúng", cựu cầu thủ người Cameroon, người tạo ra Tổ chức phi chính phủ Foot Solidaire, lên án.

Hai cầu thủ trẻ theo học tại trường trung học Bambili, do Mane bảo trợ

Có những kẻ lừa đảo tự giới thiệu mình là trung gian và thu phí của gia đình để làm thủ tục đưa họ sang châu Âu. Kể từ năm 2001, FIFA đã cấm việc ký hợp đồng với trẻ vị thành niên.

Một số thậm chí sẵn sàng mạo hiểm mạng sống của họ. Vào ngày 4/12/2019, một chiếc cayuco (một loại ca nô nhỏ) đi đến Quần đảo Canary đã bị đắm ngoài khơi Mauritania. Khoảng 100 người thiệt mạng, hầu hết mang quốc tịch Gambia, đến từ một thị trấn nhỏ có tên Barra.

Trong số đó có Yunusa Cisse, Dauda Fall và Pa Ousmane Diop, 3 cầu thủ chưa đủ tuổi đến từ Học viện Bóng đá Ngôi sao đang lên, những người luôn để mắt đến châu Âu.

Tháng 10/2020, Doudou Faye, 14 tuổi, chết trên một chiếc thuyền khi cố gắng đạt được ước mơ bóng đá của mình. Cha của cậu, người đã cho cậu một khoản tiền để thực hiện chuyến đi, sau đó tuyên bố: "Nó là con đầu lòng của tôi. Tôi muốn mở ra cánh cửa thành công cho nó chứ không muốn làm hại nó".

"Chúng ta đang nói về trẻ em, không phải hàng hóa. Chúng cần được bảo vệ", Mbvoumin nói thêm. Cuộc điều tra dân số gần đây nhất do Foot Solidaire thực hiện bắt đầu từ 2014 và nói về khoảng 15.000 cầu thủ trẻ đã rời châu Phi vào năm đó.

"Đó là một hiện tượng không thể kiểm soát được. Các quốc gia phải thận trọng hơn. Ở Maroc và Algeria, có hàng nghìn cầu thủ trẻ bị mắc kẹt", nhà hoạt động này cho biết thêm. Trong những năm gần đây, danh sách các đích đến được mở rộng bao gồm Đông Âu, châu Á và Brazil, nơi các cơ chế giám sát lỏng lẻo hơn.

Ousmane Mane, giám đốc viện Bambali, đưa ra một khiếu nại khác. "Tất cả những khoản đầu tư mà thị trấn này nhận được đều rất tốt, chúng tôi rất biết ơn. Nhưng bạn phải thay đổi tâm lý. Khóa này chúng tôi khai giảng có 846 học sinh mà chỉ còn 796. Tỉ lệ bỏ học rất cao, con trai chỉ muốn xách xuồng ra về vì biết học lên cấp 3 không ai xin được việc làm".

Jean Bonang, chàng trai đến từ Bignona, người đã ký hợp đồng với Espoirs de Guediawaye, kết hợp bóng đá với các lớp học. "Bạn phải có kế hoạch A và kế hoạch B", cậu nói. Nhưng không nhiều đứa trẻ có suy nghĩ như vậy.