Tại phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT chiều nay (9/6), ĐB Phạm Thanh Mai (Hà Nội) nêu quan điểm một số công trình xây dựng còn mang tính tư duy nhiệm kỳ, nhất là trong khâu lập, thẩm định và sắp xếp thứ tự ưu tiên của dự án.

"Tình trạng tư duy nhiệm kỳ có tồn tại trong lĩnh vực giao thông?", bà Mai đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định là riêng ngành giao thông vận tải hoàn toàn không có tư duy nhiệm kỳ.

Ông giải thích, tất cả các quốc lộ, tất cả các cao tốc đều nằm trong các quy hoạch mà quy hoạch này định hướng là nhiều chục năm, không phải bộc phát đưa vào. Do đó, đa số các dự án đã được Bộ đăng ký với Quốc hội, với Chính phủ. Những dự án lớn thường nằm trong các Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng, đảm bảo tính khách quan, minh bạch.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Có thông tin nêu là có thể có tư duy nhiệm kỳ, nhưng Bộ trưởng Thể nhấn mạnh "riêng ngành giao thông là ngành phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch thì lâu dài, còn công trình thì mang tính chất liên vùng, đột phá".

Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cho biết, tất cả các dự án đều cấp bách, tạo động lực mới, tạo cơ hội đổi mới và phát huy tác dụng tốt. "Chúng tôi xin ý kiến các bộ, ngành rồi báo cáo Chính phủ, Chính phủ báo cáo Quốc hội, Quốc hội bấm nút thông qua. Do đó, Quốc hội cũng là người giám sát cuối cùng về những dự án này"- ông Thể nói.

Về chất lượng các tuyến đường cao tốc, Bộ trưởng GTVT cho biết, những tuyến đường chất lượng kém thường rơi vào loại đường cấp thấp, còn loại đường chất lượng cao cũng có nhưng không đến mức dự án cao tốc nào cũng không đảm bảo chất lượng.

Theo ông Thể, ngành GTVT luôn cố gắng làm tốt các dự án đường cao tốc. Với một số dự án có vấn đề, các cơ quan pháp luật đã xử lý. Bộ GTVT cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ tham gia vào các vấn đề nhạy cảm.

"Hiện nay đối với ngành giao thông, chúng tôi nghĩ rằng không ai dám làm sai, tôi xin khẳng định trước Quốc hội như vậy. Thậm chí ký tá phải rất cân đong, đo đếm để làm sao đúng quy định của pháp luật.", ông Thể khẳng định.

Cả nước đang triển khai gần 2.000 km cao tốc

Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành biết, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km cao tốc, tới năm 2030 hoàn thành 5.000 km.

Bộ Chính trị đã xác định tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 phải được hoàn thành, ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai dự án này. Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, bổ sung nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội bố trí cho cao tốc.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành báo cáo trước Quốc hội.

Trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung vào các dự án lớn sau: Tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 dài 654 km; tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 dài 729 km. Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp này 5 tuyến cao tốc dài 549 km. Như vậy, tổng chiều dài toàn bộ tuyến cao tốc đang triển khai là 1.932 km; tới nay đã hoàn thành 1.290 km.

Về tiến độ triển khai cụ thể các dự án, tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội phê chuẩn chủ trương đầu tư năm 2017 với chiều dài 654 km, đã khởi công rải rác trong 3 năm 2019, 2020 và 2021, sẽ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2023.

Tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 với chiều dài 729 km được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường tháng 1 vừa qua, hiện nay đã triển khai lập dự án đầu tư, kiểm đếm, cắm mốc chỉ giới, lập phương án đền bù, toàn bộ 729 km sẽ khởi công vào năm 2022, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025, thông toàn bộ tuyến cao tốc Bắc Nam vào năm 2025 với tổng chiều dài 2063 km từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Các tuyến còn lại, tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dự kiến khởi công tháng 6 năm 2023 nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác, sử dụng năm 2026.

Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 vùng Thủ đô sẽ khởi công vào tháng 6 năm 2023, cơ bản hoàn thành vào năm 2026.

Trần Thường

Chủ tịch Quốc hội 'chấm điểm' 4 bộ trưởng, trưởng ngành sau chất vấn

Chủ tịch Quốc hội 'chấm điểm' 4 bộ trưởng, trưởng ngành sau chất vấn

Chủ tịch Quốc hội nhận xét, Bộ trưởng NN&PTNT có kinh nghiệm thực tiễn phong phú, Bộ trưởng Tài chính bình tĩnh và tự tin, Thống đốc NHNN nắm chắc vấn đề, Bộ trưởng  GTVT trả lời thẳng thắn.
Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương xử lý với 4 ngân hàng yếu kém

Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương xử lý với 4 ngân hàng yếu kém

Về việc xử lý các ngân hàng yếu kém, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, đến nay, Chính phủ đã báo cáo và được Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương xử lý đối với 4 ngân hàng thương mại yếu kém.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Ngành GTVT không có tư duy nhiệm kỳ

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Ngành GTVT không có tư duy nhiệm kỳ

Bộ trưởng GTVT khẳng định ngành giao thông là phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch lâu dài, công trình mang tính chất liên vùng, đột phá nên không có tư duy nhiệm kỳ.