Thành phần Tổ công tác bao gồm: Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Vận tải (Bộ GTVT); Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Phòng điều tra và xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Bộ Công thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).
Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, nội dung và làm việc với các hãng hàng không Việt Nam về việc chấp hành quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá, đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.
Kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm, đề xuất cấp có thẩm quyền về phương án xử lý những tồn tại, vướng mắc (nếu có), báo cáo kết quả làm việc về Bộ GTVT.
Tổ trưởng tổ công tác là ông Phạm Văn Hảo, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam. Ông Hảo có trách nhiệm mời các thành viên họp và làm việc với các hãng hàng không, đồng thời phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong Tổ; tổng hợp, báo cáo kết quả về Bộ GTVT trong quý 3.
Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ Công thương, Tài chính làm việc với các hãng hàng không trong nước về việc chấp hành các quy định của Luật Cạnh tranh, Luật Giá về giá bán vé máy bay.
Đây là một trong những căn cứ để Bộ GTVT ra quyết định thành lập Tổ công tác làm việc với các hãng hàng không về các nội dung trên.
Tại Dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng, lấy ý kiến sửa đổi điều 116 về giá dịch vụ vận chuyển hàng không, Cục Hàng không đã đề xuất bỏ trần giá vé với các đường bay nội địa có tính cạnh tranh cao.
Theo đó, với đường bay nội địa có từ 3 hãng tham gia khai thác, sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định.
Với đường bay nội địa có sự tham gia khai thác dưới 3 hãng bay, sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản không vượt mức tối đa (trần giá vé) và thực hiện kê khai giá theo quy định của Bộ GTVT.
Hiện nay, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản được ban hành từ năm 2015, quy định giá trần theo cự ly của từng đường bay. Giá vé áp dụng cho 5 nhóm đường bay với mức giá vé 1,6 - 3,75 triệu đồng/vé/chiều (tùy cự ly), chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác. Các hãng hàng không xây dựng dải giá với nhiều mức (thông thường có từ 10 - 15 mức), tương ứng với các điều kiện, giai đoạn khai thác khác nhau. Theo các chuyên gia hàng không, nếu bỏ quy định giá trần, giá vé máy bay có thể sẽ tăng cao vào các dịp cao điểm. Điển hình như giá vé cao điểm Tết 2020 (khi dịch Covid-19 chưa bùng phát) nếu không quy định giá trần vé khứ hồi từ Hà Nội - TP.HCM có thể tăng lên 10 triệu đồng là hoàn toàn có thể xảy ra. |
Đề xuất bỏ giá trần vé máy bay
Theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) với đường bay có từ 3 hãng khai thác trở lên, các hãng được tự quyết định giá vé, thay vì quy định mức trần như hiện hành.
Vũ Điệp