Trước diễn biến phức tạp của tình hình an ninh, chính trị thế giới, khu vực và trong nước, nhất là dịch Covid-19, Bộ đội Biên phòng đã và đang tích cực, chủ động tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Quốc hội thông qua Luật Biên phòng Việt Nam với tỉ lệ tán thành cao. Ảnh: VPQH

Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia xác định: “Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước,… lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia”. Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ được giao, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng thực hiện toàn diện, đồng bộ các nội dung, biện pháp công tác biên phòng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Kết quả đạt được một số nội dung nổi bật:

Một là, chủ động nắm, nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo chính xác tình hình; phối hợp với các lực lượng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW; triển khai nghiên cứu xây dựng Dự án Luật Biên phòng Việt Nam theo đúng kế hoạch, trình Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 11/11/2020 với số phiếu tán thành cao (94,61%), tạo cơ sở pháp lý quan trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, mọi tổ chức, cá nhân trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Hai là, tổ chức quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; thực hiện nhiều chủ trương, đối sách xử lý hiệu quả các tình huống trên biên giới, không để bị động, bất ngờ, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Thường xuyên phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng tuần tra, duy trì Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới; tham mưu và trực tiếp tham gia phân giới, cắm mốc, xây dựng các văn bản pháp lý hóa 84% kết quả phân giới, cắm mốc tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu; tích cực, chủ động tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở khu vực biên giới, biển, đảo. Xác định phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách, nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; điều động, tăng cường lực lượng, phương tiện kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở; thường xuyên duy trì trên 1.600 tổ, chốt với gần 7.500 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm khắc phục khó khăn, gian khổ bám trụ trên biên giới, được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, góp phần tô thắm, lan tỏa hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

Ba là, triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Chủ động xây dựng và thực hiện các phương án, kế hoạch đấu tranh phòng, chống hoạt động thu thập tin tức tình báo, xâm nhập, móc nối, tập hợp lực lượng, hoạt động phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, đối tượng cơ hội chính trị ở khu vực biên giới. Xây dựng kế hoạch nghiệp vụ, xác lập nhiều chuyên án đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, mua bán người, buôn lậu và gian lận thương mại1.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng điều chỉnh và thực hiện nghiêm quy trình kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh trong điều kiện phải phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển và cửa khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Tích cực cải cách thủ tục hành chính kết hợp với ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh, bảo đảm chặt chẽ, thông thoáng. Đổi mới các hình thức hợp tác, giao lưu hữu nghị biên giới; kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại biên phòng với đối ngoại nhân dân, như: Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới; Giao lưu Biên cương thắm tình hữu nghị. Để phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng báo cáo Bộ Quốc phòng phê duyệt Kế hoạch và tổ chức gặp hẹp trên biên giới với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của Lào và Campuchia. Đến nay, đã tổ chức kết nghĩa được 180 cặp đồn, trạm biên phòng và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức kết nghĩa được 207 cặp cụm dân cư hai bên biên giới,... qua đó, góp phần củng cố lòng tin, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Năm là, chỉ đạo các đơn vị chủ động, tích cực tham gia xây dựng, củng cố nền biên phòng toàn dân vững mạnh, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/2015/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới2; thực hiện nhiều chương trình, phong trào, mô hình, cuộc vận động giúp nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân.

Kiên cường bám chốt, duy trì nghiêm công tác tuần tra, kiểm soát, nắm chắc tình hình trên các tuyến biên giới. Ảnh: baochinhphu.vn

Thời gian tới, tình hình an ninh, chính trị thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với nước ta. Tình hình vi phạm chủ quyền Quốc gia, nhất là trên Biển Đông, vùng biển Tây Nam và một số địa bàn chiến lược tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định. Các loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, xuyên biên giới có chiều hướng gia tăng với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó nhận diện; những thách thức an ninh phi truyền thống: Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh,… đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ công tác biên phòng ngày càng toàn diện, nặng nề. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị Bộ đội Biên phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, biên phòng, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; Nghị quyết Đại hội đại biểu Bộ đội Biên phòng lần thứ XV. Chủ động nghiên cứu, phối hợp với các lực lượng nắm, đánh giá, dự báo chính xác tình hình, kịp thời báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiệm vụ biên phòng và xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc; xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt, tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam.

2. Triển khai toàn diện, đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép vừa quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vừa phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19. Tham mưu bổ sung, điều chỉnh 03 văn kiện pháp lý tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Phối hợp triển khai thực hiện 02 văn kiện pháp lý và tham gia đàm phán giải quyết 16% khối lượng công việc còn lại tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ huấn luyện; duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19.

3. Chủ động nắm tình hình từ sớm, từ xa; kịp thời phát hiện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của địch và các loại đối tượng; tham mưu chủ trương, đối sách, xây dựng phương án, kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Chủ động phát hiện, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật trên các tuyến biên giới, vùng biển, nhất là tội phạm về ma túy, mua bán người, buôn lậu và gian lận thương mại, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, vũ khí, trang bị. Tham mưu, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực xuất, nhập cảnh; xuất, nhập khẩu; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất, nhập cảnh theo hướng hiện đại tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

4. Đổi mới nội dung, hình thức hợp tác và các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa lực lượng chức năng và nhân dân hai bên biên giới; xây dựng lòng tin chiến lược, hướng tới hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, lực lượng chức năng các nước nghiên cứu, phát hiện và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới.

5. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho nhân dân khu vục biên giới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế có liên quan; nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá, hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc của các thế lực thù địch. Tiếp tục tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy vai trò của cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, xã biên giới; cán bộ biên phòng tăng cường xã, đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản và phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới, nhằm tăng cường năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của địa phương.

Thực hiện tốt các nội dung, giải pháp trên sẽ thiết thực góp phần đưa nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào thực tiễn nhiệm vụ biên phòng, tạo khí thế thúc đẩy, động viên cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Thiếu tướng LÊ ĐỨC THÁI, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

________________

1 - Từ năm 2015 đến năm 2020, Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, bắt giữ 54.314 vụ/90.062 đối tượng; đấu tranh thành công 6.636 chuyên án; khởi tố 4.986 vụ/6.120 đối tượng, thu giữ 16,85 tấn ma túy; giải cứu hàng trăm phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của các vụ án mua, bán người; tịch thu hàng hóa, tang vật vi phạm, phát mại sung công quỹ nhà nước gần 1.000 tỷ đồng.

2 - Tính đến tháng 01/2021, Bộ đội Biên phòng đã phân công 2.096 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 1.877 chi bộ thôn, bản biên giới; 9.661 đảng viên đồn biên phòng phụ trách 42.247 hộ gia đình; 61 cán bộ tham gia cấp ủy địa phương cấp huyện, 267 cán bộ tham gia cấp ủy cấp xã; đỡ đầu gần 3.000 học sinh (trong đó, có 82 cháu của Lào và 102 cháu của Campuchia).

Theo tapchiqptd.vn