Xây dựng chương trình hành động triển khai hiệu quả nghị quyết các cấp
Nhìn lại hơn nửa nhiệm kỳ vưa qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã ghi nhận những kết quả tích cực.
Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai và xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết.
Trên cơ sở đánh giá tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, cập nhật các chủ trương, định hướng mới của Trung ương, ngày 30-9-2021, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 17 về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh để thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm, 4 nhiệm vụ ưu tiên, 3 chương trình đột phá và 15 chỉ tiêu cơ bản; thành lập 13 Ban chủ nhiệm các chương trình để triển khai thực hiện và thành lập Ban chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh. Kết quả đã ban hành 59 chủ trương, chính sách trên tất cả các lĩnh vực để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.
Tỉnh hiện có 747 tổ chức cơ sở đảng và trên 39.000 đảng viên. Tháng 12/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước ban hành kế hoạch “Xây dựng và thực hiện sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Bình Phước”, hiện đang triển khai thí điểm tại 3/21 đảng bộ trực thuộc. Việc sử dụng App Sổ tay đảng viên điện tử đã góp phần phục vụ tốt công tác nắm bắt dư luận xã hội và cung cấp thông tin về tình hình quốc tế, trong nước, trong tỉnh; cung cấp tài liệu sinh hoạt định kỳ…
Công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại được đẩy mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; tình hình an ninh trên tuyến biên giới được giữ vững ổn định. Đặc biệt, mô hình xây dựng điểm dân cư liền kề, chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng được Bộ Quốc phòng đánh giá cao.
Công tác giảm nghèo là một trong những điểm sáng
Về tình hình kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025 của Bình Phước đạt 7,92%. Bình Phước đã hoàn thành công tác lập quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bình Phước thu hút được 110 dự án vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn 1 tỷ 272 triệu USD, lũy kế toàn tỉnh có 378 dự án FDI, với tổng số vốn hơn 4 tỷ USD. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng đã có sự cải thiện mạnh mẽ qua từng năm. Lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế có nhiều nét nổi bật, an sinh xã hội được bảo đảm, nhiều chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, nhất là chính sách đối với người có công, bảo trợ xã hội.
Công tác giảm nghèo là một trong những điểm sáng của tỉnh, đặc biệt từ năm 2019 đến nay, tỉnh thực hiện Chương trình mỗi năm xây dựng 1.000km đường giao thông nông thôn (theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm) và giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số. Đây là chương trình đặc thù riêng của tỉnh giúp giảm nghèo nhanh, bền vững...
Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được chú trọng, các chế độ, chính sách phúc lợi, an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện. Công tác khám, chữa bệnh được quan tâm thực hiện, các loại dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, hiện Bình Phước còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2023 tuy đạt khá (7,92%), nhưng thấp hơn mục tiêu Nghị quyết đề ra. Tiến độ triển khai các dự án trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công hàng năm chậm. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng. Đời sống văn hóa tinh thần của một bộ phận người dân vẫn còn gặp khó khăn. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, song chưa có giải pháp hiệu quả để tháo gỡ...
Hiện Bình Phước là một trong 3 tỉnh trên cả nước chưa có trường đại học; đồng thời kiến nghị Trung ương quan tâm, ủng hộ tỉnh và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mở phân hiệu tại Bình Phước, góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, còn nhiều thách thức, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý, Bình Phước cần thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chú trọng thực hiện lĩnh vực văn hóa; quan tâm phát triển kinh tế - xã hội gắn với an sinh xã hội, giảm nghèo vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh.
Phước Long