Có thể nói, công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh Bình Dương luôn được quan tâm và chỉ đạo sâu sát. Các cấp quản lý luôn xem đó là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong quản lý, điều hành. Công tác triển khai, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC theo Chương trình, Kế hoạch của Trung ương và địa phương luôn được đặt lên hàng đầu. Hiệu quả công tác CCHC là thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác CCHC từ cấp tỉnh tới cấp xã.
Nhờ đó, năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù trải qua nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng Bình Dương vẫn là điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư.
Không bằng lòng với kết quả này, Bình Dương tiếp tục xác định CCHC là nhiệm vụ cần làm tốt hơn nữa. Tinh thần cải cách hành chính công vụ tiếp tục được các vị lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhấn mạnh tại cuộc họp góp ý dự thảo Chương trình tổng thể CCHC nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, vừa diễn ra chiều 27/9.
Đến 2025 tối thiểu 80% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4
Theo Dự thảo Chương trình được xây dựng căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ, với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh CCHC nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân là mục tiêu phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và là nền tảng, động lực cho sự thay đổi và phát triển.
Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng cao, có trình độ, năng lực ngang tầm nhiệm vụ; gắn với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.
Ảnh minh họa |
CCHC nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030 sẽ tập trung vào các nội dung chính như: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 tối thiểu 80% TTHC của tỉnh có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4; ít nhất 80% TTHC được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90%.
Đến năm 2030, 100% TTHC của tỉnh có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 80%. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 95%.
Để xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, dự thảo Chương trình cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu của tỉnh tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử được hoàn thành và kết nối, chia sẻ. 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được xác thực điện tử. 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thông tin từ cấp tỉnh đến cơ sở.
CCHC là nhiệm vụ rất quan trọng, cần làm tốt
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý một số nội dung như: Cần phân kỳ giai đoạn thực hiện trong 5 năm để cụ thể hoá các mục tiêu CCHC; xây dựng các đề án kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu, nhất là đất đai, xây dựng để tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC; tăng cường phân cấp trong giải quyết TTHC.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh nhấn mạnh, CCHC là nhiệm vụ rất quan trọng, cần làm tốt để xây dựng chính quyền tỉnh Bình Dương phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thu hút đầu tư.
Chủ tịch tỉnh đề nghị các sở, ban ngành tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp thông tin để góp ý cho dự thảo Chương trình. Sở Nội vụ hoàn chỉnh dự thảo Chương trình trên cơ sở các ý kiến đóng góp. Trong đó bổ sung nhóm nhiệm vụ công tác chỉ đạo điều hành CCHC; xây dựng giải pháp cụ thể cho từng nhóm nội dung, chọn nội dung cốt lõi phù hợp với đặc thù và tạo điểm nhấn cho Bình Dương. Phục vụ thật tốt tại cấp xã, phường nơi tiếp xúc gần nhất với người dân; tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cấp huyện, cấp tỉnh. Giữa các cơ quan phải có sự phối hợp chặt chẽ, xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối, liên thông phù hợp với Đề án Thành phố thông minh Bình Dương góp phần rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Song song đó, giám sát, đánh giá chất lượng CCHC của từng cơ quan sát với nhiệm vụ chuyên môn.
Cửu Long