Khu vườn đặc biệt này do các bạn trẻ của dự án “Cộng đồng không rác” tại Đà Nẵng lập ra. Sự xuất hiện của một khu vườn được chăm bón từ rác khiến nhiều người dân và du khách thích thú, thúc đẩy lối sống xanh cho mọi người.

Chị Vũ Hồng Thanh (người đồng sáng lập dự án) cho hay, mô hình vườn cộng đồng đã có ở các nước trên thế giới, còn Việt Nam thì rất ít. Đầu năm 2022, khi biết được khu đất trống trên đường Morrison, các thành viên trong dự án đã liên hệ với chủ đất để mượn làm vườn.

Vườn cộng đồng ở đường Morrison

“Khu đất rộng hơn 300m2 thời điểm đó ngập rác, xà bần và cỏ cao lút đầu người. Cả nhóm phải bỏ công dọn dẹp mấy ngày trời mới có mặt bằng sạch sẽ.

Vì là vườn cộng đồng nên yếu tố quan trọng là sự tham gia của người dân ở xung quanh khu đất. Sau đó mọi người chia nhau đi kêu gọi, vận động các hộ dân cùng nhau phân loại rác, chăm cây và thu hoạch. Đến nay đã có 30 hộ dân cùng chúng tôi tham gia xây dựng khu vườn cộng đồng”, chị Thanh chia sẻ.

Cây xanh được trồng xanh tốt từ việc ủ rác thải hữu cơ làm phân bón

Chị Thanh cho biết, mỗi buổi chiều, các thành viên của dự án đến từng hộ dân để thu gom rác, phân loại và ủ phân để trồng cây như cà chua, rau… tái tạo khu đất trở thành một vườn xanh và sạch.

Khi có thời gian rảnh, các hộ dân cùng tham gia làm vườn, chăm sóc cây. Rau củ quả khi phát triển mọi người có thể hái về sử dụng, trẻ em trong khu vực luôn chọn khu vườn là nơi vui chơi mỗi dịp cuối tuần.

Rác hữu cơ của các hộ gia đình được nhóm tình nguyện ủ làm phân để bón cho cây trồng trong khu vườn.

Sau gần 2 năm hoạt động, đến nay, rác thải luôn được người dân ở khu dân cư phân loại vào các thùng riêng biệt, tương ứng với rác hữu cơ, vô cơ và các loại rác tái chế, tái sử dụng nhằm chung tay giảm lượng rác thải phải đưa ra bãi rác hàng ngày.

Mỗi ngày, các thành viên gom được khoảng 40kg rác hữu cơ từ 30 hộ dân về ủ tại vườn. Tính từ tháng 5/2022 đến nay, dự án đã ủ được gần 10 tấn rác hữu cơ. Ngoài ra, 500kg rác nhựa giá trị thấp đã được chuyển tới điểm thu gom để tái chế.

Rau, quả xanh tươi sau thời gian trồng nhờ nguồn rác thải, người dân trong khu dân cư có thể hái về sử dụng.
Dự án mong muốn lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, phân loại rác từ nguồn của các hộ gia đình, tận dụng rác thải để trồng cây, hay làm những việc hữu ích khác.

“Thông qua khu vườn cộng đồng chúng tôi mong muốn lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, phân loại rác từ nguồn của các hộ gia đình, tận dụng rác thải để trồng cây, hay làm những việc hữu ích khác; đặc biệt giảm lượng lớn rác thải mà TP Đà Nẵng đang đổ ra bãi rác hằng ngày. Ở Đà Nẵng hiện còn nhiều khu đất trống chưa xây dựng, chúng tôi hi vọng thời gian tới sẽ có nhiều khu vườn cộng đồng xanh mướt được người dân tạo nên nhờ rác thải”, chị Thanh chia sẻ.

Theo chị Thanh, dự án đến nay đã thu hút hơn 1.500 thành viên, phần lớn là học sinh, sinh viên, hộ gia đình cùng tham gia vào các hoạt động xây dựng cộng đồng không rác.