Người may mắn này là bệnh nhân nữ, 54 tuổi, trú tại Sơn La, mắc ung thư đại tràng giai đoạn 1. PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết sáng nay (5/1), Giáo sư Rasa Zarnegar (Giám đốc Trung tâm phẫu thuật robot Đại học Y khoa Weill Cornell NewYork) đã trực tiếp phẫu thuật cho nữ bệnh nhân này.
Theo bác sĩ Bình, bệnh nhân là người dân tộc miền núi có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Các bác sĩ bệnh viện lựa chọn bệnh nhân này với mong muốn người nghèo, khó khăn cũng có cơ hội được thụ hưởng kỹ thuật mổ đỉnh cao nhất thế giới hiện nay.
Trước đây, Bệnh viện K đã có nhiều chương trình mổ nội soi bằng robot. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên bệnh viện có sự kết hợp với chuyên gia Mỹ. Phẫu thuật robot điều trị ung thư đường tiêu hóa có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật mổ mở hay nội soi thông thường.
Các kỹ thuật viên có thể quan sát rõ nét, cánh tay robot có độ linh hoạt cao giúp thực hiện thao tác chính xác. Phương pháp này cũng giúp lấy được tổ chức ung thư triệt để nhất, hạn chế tối đa biến chứng, tai biến trong mổ như cắt phải dây thần kinh, tổn thương mạch máu. Như vậy, người bệnh chỉ cần chăm sóc hậu phẫu 2-3 ngày có thể xuất viện.
Việc thực hiện ứng dụng các kỹ thuật mới hiện đại, đặc biệt là trong phẫu thuật, đã mang lại bước tiến đáng kể cho người bệnh trong quá trình phục hồi, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây là kỹ thuật cao có thể giữ chân được bệnh nhân ung thư ở lại trong nước thay vì phải ra nước ngoài điều trị.
Trước khi vào ca mổ, GS Rasa Zarnega chia sẻ đây phương pháp phẫu thuật nội soi robot đang được ứng dụng ở nhiều chuyên khoa như phẫu thuật lồng ngực, tuyến giáp, tiết niệu. Phương pháp phẫu thuật này đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế, thời gian nằm viện giảm đi rất nhiều. Tại Mỹ, có bệnh nhân mổ và ra viện trong ngày.