Tụ Quần Cư, dấu tích cuối cùng của nhóm phụ nữ thề không bao giờ lấy chồng tại Sài Gòn xưa.

Dấu tích cuối cùng

Trong căn nhà nhuốm màu thời gian, bà Phạm A Nạp (SN 1946, quận 11, TP.HCM) ngồi trầm tư. Không mấy ai biết, ngôi nhà này từng là nơi sinh sống của nhóm phụ nữ độc thân, thề không bao giờ lấy chồng giữa Sài Gòn xưa.

Những người phụ nữ này thường được gọi là “Tự sơ nữ”, “chị má” hoặc “bà cô”. Họ là nhóm phụ nữ quyết tâm sống độc thân, không bao giờ lấy chồng từ Trung Quốc đến vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn sinh sống, làm việc từ những năm 1900-1942.

Khi về già, bằng nhiều cách, các tự sơ nữ tự lập những ngôi nhà cho riêng mình. Kỷ lục gia Dương Rạch Sanh, người có nhiều tìm hiểu, nghiên cứu về tự sơ nữ cho biết, trước đây, vùng Sài Gòn-Chợ Lớn có nhiều ngôi nhà của “chị má”, “bà cô”.

Những ngôi nhà này có tên gọi rất đặc trưng như: Phổ Thắng Đường, Nhất Đắc Đường, Hợp Thành Đường, Tái Trân Đường, Thủ Trân Đường… Và, Tụ Quần Cư là một trong số đó.

Ngôi nhà cũ kỹ với các mảng tường, trần lót gỗ ám khói bếp đen kịt.

Theo thời gian, tự sơ nữ lụi tàn. Những ngôi nhà của “bà cô”, “chị má” cũng dần biến mất. Đến nay, dấu tích của nhóm phụ nữ này chỉ còn sót lại tại Tụ Quần Cư nằm ở số số 150 đường Trần Quý, phường 6, Quận 11, TP.HCM.

Tụ Quần Cư là căn nhà nhỏ, lọt thỏm giữa những căn hộ khang trang xung quanh. Ngôi nhà có sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc Pháp và Trung Hoa. Tường căn nhà được xây bằng gạch đặc và vữa thạch cao.

Đến nay, màu thạch cao trắng đã ố vàng, nhiều nơi bị bong tróc nham nhở. Bên trong, các bức tường và trần nhà lót gỗ ám khói bếp đen kịt. Không gian căn nhà vốn đã chật hẹp càng trở nên tối tăm, ẩm thấp.

Ngoài chiếc bàn gỗ dùng để bày biện hương án và tấm phản cũ, bên trong Tụ Quần Cư gần như không có vật dụng gì giá trị.

Anh Dương Rạch Sanh cho biết: “Nhóm “bà cô” đầu tiên thành lập Tụ Quần Cư vốn sinh sống gần khu vực “Giếng Nước” nay là khu vực giao lộ đường Tản Đà và đường Tân Hàng (quận 5, TP.HCM). Sau này, họ mua lại căn nhà dài 18m đối diện trường Sùng Chính, nay là trường Âu Cơ”.

“Một thời gian sau, có thêm một nhóm “bà cô” đến sinh sống nên họ dùng tiền để dành mua căn nhà số 150, đường Trần Quý. Họ nối thông hai căn làm một, tạo thành ngôi nhà có hai mặt tiền như hiện nay. Nhóm này đặt tên nhà là Tụ Quần Cư. Vào lúc có đông người ở nhất, Tụ Quần Cư có đến 16 “bà cô” sinh sống”, anh Sanh nói thêm.

Hiện nay, một phần Tụ Quần Cư đã bị giải tỏa. Sau lần giải tỏa đầu, nhiều vật dụng của các tự sơ nữ không còn. Ngoài chiếc bàn gỗ dùng để bày biện hương án ở căn phòng chính và 1 chiếc phản gỗ cũ kỹ bên trong, Tụ Quần Cư hầu như không còn vật dụng gì đáng giá.

Không gian và vật dụng tại đây đều nhuốm màu thời gian.

Nơi ở của những phụ nữ không lập gia đình

Dẫu vậy, nơi đây vẫn là nơi sinh sống của bà Nạp và những người phụ nữ cùng cảnh ngộ. Họ đều là những phụ nữ không lập gia đình, đến từ Trung Quốc khi mới được 15-16 tuổi.

Bà Nạp kể: “Xưa kia, nhà này đông người ở lắm. Lúc đông nhất có đến 30 người cùng ở. Các bà,  các cô đều không lấy chồng và đều là người Hoa. Bây giờ, nhiều cô, chị lớn tuổi qua đời, nhà chỉ còn 2-3 người ở thôi. Tôi là người cao tuổi nhất và biết chút ít tiếng Việt”.

Bà Nạp rời quê hương đến Sài Gòn lúc 15 tuổi. Tại đây, bà xin vào làm thuê cho các gia đình người Hoa. Công việc chính của bà Nạp là làm việc nhà như: giặt giũ, nấu nướng, chăm sóc trẻ… cho các gia đình giàu có.

Khi được 30 tuổi, vì không lập gia đình, không có người thân thích tại Việt Nam, bà xin được vào ở trong Tụ Quần Cư.

Bà A Nạp đã sống ở Tụ Quần Cư từ năm 30 tuổi. Bà cho biết, trước đây, ngôi nhà này là của các bà cô không lấy chồng góp tiền để mua.

Thời gian đầu sinh sống tại Tụ Quần Cư, hàng ngày, bà vẫn đến nhà chủ làm việc, tối trở về nấu cơm, ăn chung với các chị em tại đây. Khi có tuổi, không thể tiếp tục phục vụ chủ, bà Nạp về ở hẳn tại Tụ Quần Cư.

Để mưu sinh, bà chọn nghề đan lát. Bà nói: “Khi còn ở quê, tôi được ông bà dạy rất nhiều nghề thủ công. Khi không còn đi làm thuê cho chủ được, tôi chọn nghề thủ công nào phù hợp với hoàn cảnh để làm kế mưu sinh”.

“Thấy nghề đan lát sống được, tôi mua tre về đan các vật dụng gia đình đem bán kiếm sống. Bây giờ già rồi, tôi không làm được nữa và cũng không sống được với nghề nên chỉ ở vậy đợi ngày về với ông bà”, bà nói thêm.

Theo Kỷ lục gia Dương Rạch Sanh, các cụ bà đang sinh sống trong Tụ Quần Cư không phải là tự sơ nữ mặc dù họ cũng không lập gia đình. Họ đơn giản là những phụ nữ độc thân, không nơi nương tựa và xin vào ở trong Tụ Quần Cư khi đã có tuổi.

Tuy vậy, bà và những phụ nữ không lấy chồng đang sống tại Tụ Quần Cư không phải là các tự sơ nữ.

Điều này được bà A Nạp khẳng định. Khi được hỏi, bà Nạp không hề biết và có ấn tượng gì về tự sơ nữ. Bà chỉ biết, trước khi đến Tụ Quần Cư, nơi đây đã có rất nhiều phụ nữ không lấy chồng sinh sống.

Từ đó đến nay, như một quy luật bất thành văn, Tụ Quần Cư trở thành nơi sinh sống, trú thân của phụ nữ không lấy chồng. Những người đã thôi chồng, góa phụ cũng không được vào ở.

Bà A Nạp chia sẻ: “Mọi người ở đây không lấy chồng vì sợ cuộc sống hôn nhân, gia đình. Có người sợ lấy phải người chồng không tốt, có người sợ bị gia đình chồng xem thường, có người không muốn vướng bận con cái… nên cứ ở vậy, không lập gia đình”.

“Ngày xưa, tôi cũng có nhiều người theo đuổi lắm. Có người còn đuổi theo xin cưới nhưng lúc đó cuộc sống tôi nghèo khó lắm. Tôi sợ cưới nhau càng nghèo khó hơn nên quyết từ chối rồi sống một mình đến bây giờ. Tôi không nhớ và không biết gì về chuyện các tự sơ nữ ở nhà này”, bà nói thêm.

Bài, ảnh: Hà Nguyễn