Tai nạn xảy ra với bé trai hồi đầu tháng 11. Gia đình cho biết đã đưa trẻ đi thăm khám và kiểm tra tại bệnh viện gần nhà, tiêm phòng dại, uốn ván và chẩn đoán vết thương mi dưới, đứt lệ quản. Gia đình đã đưa bệnh nhi vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) điều trị.

Khi vào viện, các bác sĩ đã kiểm tra các cận lâm sàng cần thiết và hội chẩn thống nhất chẩn đoán vết thương mi dưới, đứt lệ quản dưới mắt phải do chó cắn. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành phẫu thuật khâu vết thương mi và tái tạo lệ quản đứt mắt phải.

W-thach-thao-9-1.jpg
Nhiều cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhi vào cấp cứu vì tai nạn chó cắn, phần lớn do sự bất cẩn của người lớn. 

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết mỗi năm tiếp nhận hàng chục trẻ bị tai nạn do chó cắn, nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn của người lớn. Trước đó, Trung tâm Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi 3 tuổi có địa chỉ tại huyện Bắc Quang, Hà Giang trong tình trạng vùng mặt, đầu của bệnh nhân có nhiều vết rách sâu. Bệnh nhân có biểu hiện sốc, hoảng loạn, mất máu và khóc liên tục. Gia đình cho biết khi đang chơi bên nhà hàng xóm, bé không may bị chú chó của gia đình này tấn công.

Theo các bác sĩ, các gia đình cần nuôi nhốt và rọ mõm chó, mèo; không thả rông; không nên cho trẻ em tiếp xúc gần với các loại động vật nguy hiểm để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, phụ huynh cần cho trẻ tiêm phòng trong khoảng 24 giờ sau khi bị chó cắn.

Đặc biệt đối với những trường hợp sau khi bị chó cắn, cần rửa kỹ vết thương trong vòng 15 phút với nước và xà phòng hoặc nước sạch. Sau đó sát khuẩn bằng cồn 45-70 độ hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn.

Phương Thúy và nhóm PV, BTV