Chiều 10/4, lễ trao giải thưởng Đóa hoa đồng thoại lần thứ 4 đã được tổ chức tại Hà Nội. Lễ trao giải đã được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 20/10/2021, tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn quốc nên đến bây giờ mới được tổ chức. 

Đồng thoại là thể loại truyện viết cho trẻ em trong đó loài vật và các vật vô tri được nhân cách hoá để tạo nên một thế giới thần kỳ, thích hợp với trí tưởng tượng của các em. 

Năm thứ 4 tổ chức, cuộc thi đã tạo được phong trào sáng tác sôi nổi trong các trường học khắp cả nước, với sự tham gia của không chỉ các học sinh mà còn giáo viên và viên chức trong trường. Đã có tổng cộng 2915 truyện ngắn của 2336 thí sinh ở mọi lứa tuổi từ 53 tỉnh thành trên cả nước được gửi tới cuộc thi, tăng gần gấp đôi so với năm trước. Ban giám khảo đã chọn ra 18 tác phẩm đạt giải cho ba hạng mục là Tiểu học, THCS và Tự do. Các tác phẩm xuất sắc nhất được tập hợp và phát hành thành một tuyển tập truyện mang tên Đóa hoa đồng thoại tập 4.

Nguyễn Thanh Ngân (8 tuổi). Ảnh chụp màn hình.

Tác giả nhận giải Xuất sắc nhất của cuộc thi năm nay là Nguyễn Thanh Ngân (8 tuổi) với tác phẩm Đoàn tàu gió. Thanh Ngân sẽ tham dự lễ trao giải của giải thưởng Đóa hoa đồng thoại diễn ra tại Nhật Bản trong thời gian tới, khi tình hình kiểm soát dịch Covid-19 ổn định. Đặc biệt, tên của tác giả đạt giải Xuất sắc nhất qua các năm sẽ được khắc lên chiếc cúp kỷ niệm Đóa hoa đồng thoại và được Ban tổ chức lưu giữ.

Ngoài 1 giải Xuất sắc, 3 giải Nhất, BTC còn trao 6 giải Nhì, 9 giải Ba và nhiều giải Khuyến khích, giải tập thể cho các trường có đông thí sinh tham gia.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Yamada Takio - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho hay: "Tại Nhật Bản, cuộc thi này được tổ chức thường niên từ năm 1970 đến nay. Còn ở Việt Nam, đây mới là lần thứ 4. Qua cuộc thi, chúng tôi mong muốn kết nối trái tim của người dân Nhật Bản và Việt Nam, đồng thời góp phần vào việc nuôi dưỡng tâm hồn trẻ em hai nước phát triển một cách lành mạnh. 

Với sự góp sức của NXB Kim Đồng, cuốn sách Đoá hoa đồng thoại đã được ra đời. Hoàng hậu Nhật Bản cũng rất thích giải thưởng này và luôn động viên các tác giả tham gia cuộc thi. Cuộc thi hướng tới quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sẽ khăng khít hơn". 

Nhà văn Lê Phương Liên - Trưởng ban Giám khảo của cuộc thi cho biết, thời đại 4.0 cũng khiến thói quen đọc sách thay đổi, việc trẻ em được tự lựa chọn những cuốn sách phù hợp với chính mình là điều quan trọng. Là người từng sáng tác nhiều truyện đồng thoại, truyện cho trẻ em nhưng bà Phương Liên thừa nhận, những người viết lâu năm cũng phải học tập các em rất nhiều về cách nhìn để có thể sáng tác hay. 

“Cuộc thi này làm tốt hơn điều đó, cuộc thi là cơ hội để trẻ em có thể viết lên những suy nghĩ của chính mình. Hiện nay, các em thiếu nhi đọc sách trên giấy ngày càng ít, một cuốn sách ra đời ở những năm trước thì có thể đạt đến 1-2 vạn cuốn nhưng hiện tại chỉ khoảng 1.000 bản, mà phát hành rất vất vả. Rõ ràng văn hoá đọc giờ đang bị ảnh hưởng nhưng nguyên nhân thì có nhiều. Có thể các em học hành căng thẳng ở trường và bị chi phối với những hình thức giải trí khác nữa nên những cuộc thi viết như này rất cần thiết cho thiếu nhi", nhà văn Phương Liên nói. 

Ngoài cuộc thi viết truyện, Ban tổ chức luôn nỗ lực lan tỏa văn hóa đọc thông qua dự án Mọt sách Mogu và Quỹ Bắc cầu. Sau 5 năm chính thức hoạt động, dự án Mọt sách Mogu đã dịch và phát hành trên 100 đầu tranh truyện Ehon với hơn 640,000 cuốn, có mặt tại các hệ thống nhà sách lớn, tổ chức và kết hợp tổ chức hàng nghìn buổi đọc truyện miễn phí lớn nhỏ trên toàn quốc. Cùng với đó, Quỹ Bắc cầu luôn có mặt trong các chương trình thiện nguyện lớn nhỏ, tặng sách cho trẻ em và đặc biệt là xây dựng các tủ sách miễn phí tại khoa Nhi của các bệnh viện khắp mọi miền tổ quốc.

Dịp này ban tổ chức còn ra mắt cuốn truyện tranh Mật ong và cà phê của em Nguyễn Bảo Châu là thí sinh tham gia cuộc thi Đoá hoa đồng thoại lần thứ 3. Trong cuộc thi năm trước, Bảo Châu gửi truyện tranh trong khi cuộc thi chỉ tranh tài truyện chữ. Nhận thấy tác giả nhí này có ý tưởng hấp dẫn nên ban tổ chức đã hỗ trợ Bảo Châu phát triển thêm tác phẩm của mình cùng các chuyên gia truyện tranh Việt Nam và Nhật Bản để cho ra mắt một cuốn sách dày dặn. Lợi nhuận từ xuất bản cuốn sách này được Bảo Châu tặng cho các quỹ khuyến đọc, còn ban tổ chức cũng đóng góp tài chính cho Quỹ trò nghèo vùng cao.

Cũng tại buổi lễ BTC đã trao tặng quỹ từ việc bán sách Đóa hoa đồng thoại cho Vụ Thư viện - Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch và Quỹ học trò nghèo vùng cao.

Tình Lê