Biển, đảo luôn có vị trí chiến lược, trọng yếu về địa chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đặc biệt trong trong tình hình mới, khi mà “sức mạnh tiềm năng” về địa lý đang tăng lên khá nhanh.

Khai thác hiệu quả “đại lộ giao thông biển”

Biển Đông, tuyến đường ngắn nhất nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, cửa ngõ giao thương quốc tế. Tại đây có eo biển Malacca với chiều dài 600 hải lý và chiều rộng ở chỗ hẹp nhất chỉ 1,2 hải lý, nối liền các cảng biển của Đông Bắc Á, bờ Tây châu Mỹ với Nam Á, châu Phi, Trung Đông, Nam Âu, được dự báo sẽ trở nên quá tải hơn nữa do sự gia tăng thương mại toàn cầu và nhu cầu năng lượng của các quốc gia. Tuyến đường vận tải quốc tế qua Biển Đông được coi là nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Địa Trung Hải), chiếm hơn một nửa trọng tải vận chuyển thương mại hàng hải toàn cầu, sự sống còn không chỉ với các quốc gia và vùng lãnh thổ bao quanh, mà còn đối với khu vực Đông Á và thế giới.

Việt Nam với bờ biển dài trên 3.260km trải dài từ Bắc xuống Nam. Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì nước ta có diện tích biển hơn 1 triệu km2, gấp ba lần diện tích đất liền. Vùng biển, đảo nước ta có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ được phân bố theo chiều dài bờ biển và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có vị trí đặc biệt quan trọng, như một tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo vệ sườn phía đông đất nước; một số đảo ven bờ có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam, từ đó xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa…, làm cơ sở pháp lý để xác định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.

Biển, đảo Việt Nam nằm án ngữ tuyến đường hảng hải và hàng không huyết mạch của thế giới và các nước trong khu vực. Biển Đông là một trong những tuyến đường hàng hải lớn của thế giới. Sự hình thành mạng lưới cảng biển cùng các tuyến đường bộ, đường sắt dọc ven biển và nối với các vùng sâu trong nội địa cho phép vùng biển và ven biển nước ta có khả năng chuyên chở hàng hóa xuất, nhập khẩu một cách nhanh chóng, thuận lợi. Bên cạnh đó, biển, đảo Việt Nam có tiềm năng tài nguyên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt và các nguồn tài nguyên khác. Dọc ven theo bờ biển nước ta có nhiều bãi triều, eo vịnh, đầm phá rất thuận lợi cho du lịch biển, đảo và nuôi, trồng hải sản có giá trị; thuận lợi cho xây dựng cảng biển, trong đó một số nơi có khả năng xây dựng cảng nước sâu quy mô lớn.

Bên cạnh vị trí quan trọng về địa kinh tế, biển, đảo Việt Nam có vị trí, vai trò trọng yếu về quốc phòng - an ninh. Biển, đảo nước ta được ví như mặt tiền, sân trước, cửa ngõ quốc gia; các vùng biển và hải đảo cùng với đất liền hình thành phên giậu, pháo đài, chiến lũy nhiều tầng, lớp, bố trí thành tuyến phòng thủ liên hoàn vững chắc bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biển, đảo Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng, làm tăng chiều sâu phòng thủ của đất nước ở hướng đông. Do đó, xây dựng tiềm lực, thế trận phòng thủ biển, đảo, tạo thành thế trận liên hoàn bờ - biển - đảo có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc. 

Bàn về Không gian chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh mới PGS, TSKH. Trần Khánh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, sự đổi mới về nhận thức, hành động địa - chiến lược của Việt Nam trong hợp tác, hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, phát huy sức mạnh tiềm năng của địa lý,... đã và đang làm gia tăng nhanh sức mạnh tổng hợp quốc gia, tạo ra một môi trường chiến lược khá thuận lợi đối với an ninh và phát triển của Việt Nam

Tuy nhiên, PGS Trần Khánh cũng chỉ ra rằng, mặc dù Việt Nam đang nỗ lực làm tăng lợi thế của một quốc gia có bờ biển dài, không gian biển rộng lớn, giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên, nằm ở vị trí chiến lược hàng hải và quân sự ở khu vực Tây Thái Bình Dương song không gian chiến lược của Việt Nam vẫn còn có những hạn chế, nhất là trong việc tạo dựng một hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ, để phát huy lợi thế và giảm thiểu bất lợi của biển và đất liền. Việt Nam vẫn chưa khai thác một cách hiệu quả “đại lộ giao thông biển”. Cùng với đó, hệ thống giao thông trên bộ, bao gồm cả đường bộ và đường sắt kết nối các cảng biển với các trung tâm kinh tế, cửa khẩu biên giới trên bộ, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Với quyết tâm “phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển”, Việt Nam đang nỗ lực để gia tăng sức mạnh biển.

Ngành Dầu khí và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong Chiến lược kinh tế biển của đất nước

Phát triển kinh tế biển là cơ sở quan trọng để củng cố quốc phòng - an ninh trên biển, đồng thời củng cố quốc phòng - an ninh trên biển là điều kiện, tiền đề để phát triển kinh tế biển một cách bền vững. Bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế biển phải tạo cơ sở cho việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo và ngược lại. Sự gắn kết và mối quan hệ biện chứng này phải được xác định rõ từ quan điểm, chủ trương, chính sách, kế hoạch về phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng, an ninh trên biển; gắn chặt và thống nhất chung trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đảng ta khẳng định: “Đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng”.

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia biển mạnh, cần khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành khai thác, chế biến dầu khí; cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển, vận tải biển; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người dân định cư lâu dài trên các đảo. Tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, đảo. Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh. Đổi mới tư duy trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống đô thị ven biển có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại, theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh. Đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển theo hướng tiếp cận mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái, công nghệ cao, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; giải quyết tốt vấn đề môi trường, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Lê  Sang, Duy Tuấn, Văn Công