Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh

Các vấn đề an ninh phi truyền thống tiếp tục gia tăng. Mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng với quy mô, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, tác động đến lợi ích, an toàn, an ninh quốc gia, như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh…

Biến đổi khí hậu làm tăng thiên tai, thảm hoạ, bão, lũ lụt, hạn hán, động đất, sóng thần. Động đất, lũ lụt có chiều hướng gia tăng.

Những năm gần đây ở nước ta đã xảy ra bão, lũ lụt, ngập úng do mưa to và nhiều, gây thiệt hại rất lớn về người và hoa màu trong phạm vi cả nước, bão liên tục thay đổi về cường độ và hướng đi gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng chống. Bão, lũ lụt làm cho môi trường bị ô nhiễm, phân và rác gây ô nhiễm nguồn nước đồng thời là môi trường lý tưởng để ruồi, muỗi phát triển, tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm bùng lên thành dịch lớn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khoẻ con người.

Khí hậu biến đổi có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến đời sống và sức khoẻ cộng đồng ở mọi quốc gia. Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu đã và đang có những tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh. 

Thứ nhất, biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên sẵn có, đến khả năng tiếp cận tài nguyên và là nguyên nhân góp phần tạo ra sự tranh giành tài nguyên tại nhiều khu vực trên thế giới. Việc tranh giành tài nguyên gia tăng khi nguồn cung không đáp ứng cầu, dẫn đến bất ổn và thậm chí là xung đột tại những khu vực không có sự quản lý thích hợp hoặc không có cơ chế giải quyết xung đột.

Thứ hai, biến đổi khí hậu làm đảo lộn sinh kế; gia tăng dòng người tị nạn môi trường do bị mất nơi cư trú, mất phương thức sống truyền thống gắn với thiên nhiên, phải chuyển đổi nghề nghiệp; gia tăng sức ép và xung đột giữa các quốc gia, khu vực.

Ảnh minh họa: Khí hậu biến đổi có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến đời sống và sức khoẻ cộng đồng ở mọi quốc gia. 

Thứ ba, biến đổi khí hậu gây ra nhiều thảm họa thiên nhiên đe dọa nghiêm trọng đến các yếu tố an ninh phi truyền thống, như an ninh con người, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, năng lượng, y tế... Biến đổi khí hậu khiến những nhóm người dễ bị tổn thương dễ trở thành nạn nhân, làm thay đổi cấu trúc gien của các visus  bệnh truyền nhiễm và tác động đến vấn đề an ninh lương thực, nước sạch, không khí trong lành. Đại dịch COVID-19 và những biến thể của visus corona mới đây càng củng cố thêm những cảnh báo từ lâu về nguy cơ visus  bệnh truyền nhiễm do tác động của biến đổi khí hậu, đe dọa đến hòa bình và an ninh trên toàn thế giới. Các chuyên gia cảnh báo, nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm 30C, số người đói nghèo sẽ tăng từ 250  - 550 triệu người do mất an ninh lương thực. Điều này có thể làm gia tăng sự xáo trộn, kéo theo sự sụp đổ của các hệ thống xã hội và sự bùng nổ các xung đột tại những quốc gia yếu kém trong quản lý.

Thứ tư, hiện tượng nước biển dâng và sự xói mòn, xuống cấp của đất ở các vùng duyên hải gây ra nguy cơ mất nhà cửa; lãnh thổ quốc gia bị mất đi trong tương lai, từ đó tạo ra những thách thức trong xử lý tranh chấp lãnh thổ. Theo báo cáo của WMO năm 2019, gần 2/3 các thành phố trên thế giới với dân số hơn 5 triệu người đang phải đối mặt với nguy cơ nước biển dâng do hiện tượng băng ở hai cực Trái đất tan nhanh. 

Nước biển dâng khiến nhiều quốc đảo nhỏ có nguy cơ biến mất hay làm dịch chuyển đường cơ sở các nước ven biển, tạo ra những thách thức trong áp dụng các quy tắc của luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) đối với việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và biên giới quốc gia.

Với 4 vấn đề trên, có thể thấy, khó có thể phủ nhận biến đổi khí hậu đang len lỏi đến khắp mọi nơi, kéo theo nhiều mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh thế giới hơn bất kỳ mối đe dọa nào. Chính vì vậy, theo giới chuyên gia, những thách thức đến từ biến đổi khí hậu nên được đặt trong các mối quan tâm về an ninh trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Nỗ lực chung để bảo đảm duy trì môi trường hòa bình, ổn định

Về các nguy cơ của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh quốc tế, tháng 4-2008, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần đầu tiên thảo luận về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và an ninh.

Ba năm sau (tháng 7-2011), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiếp tục tổ chức thảo luận mở về tác động của biến đổi khí hậu trong đề mục “duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” và ban hành Tuyên bố Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Bảo an về vấn đề này, trong đó thể hiện sự quan ngại của Hội đồng Bảo an trước vấn đề nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến lãnh thổ của một số quốc gia bị biến mất; đồng thời, yêu cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc có báo cáo Hội đồng Bảo an về những tác động của biến đổi khí hậu đối với an ninh quốc tế và nguyên nhân xảy ra các cuộc xung đột.

Năm 2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc ban hành Nghị quyết số 63/2081, lần đầu tiên công nhận hệ lụy của biến đổi khí hậu đối với các vấn đề an ninh, trong đó ghi nhận trách nhiệm của các cơ quan Liên hợp quốc, bao gồm Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chịu trách nhiệm về vấn đề hòa bình và an ninh, Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) chịu trách nhiệm về các vấn đề phát triển, kể cả biến đổi khí hậu. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc đang tích cực nghiên cứu, triển khai các sáng kiến giải quyết những nguy cơ liên quan đến biến đổi khí hậu đối với hòa bình, an ninh quốc tế.

Tháng 3-2017, Hội đồng Bảo an chính thức thông qua Nghị quyết số 2349 về sự cần thiết đối với việc giải quyết các nguy cơ liên quan đến biến đổi khí hậu để giải quyết xung đột ở khu vực châu thổ hồ Sát tại châu Phi; nhấn mạnh các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sự ổn định khu vực; sự cần thiết nâng cao chất lượng các đánh giá về nguy cơ an ninh liên quan đến biến đổi khí hậu. Tháng 7-2018, Hội đồng Bảo an tổ chức thảo luận mở về chủ đề “Hiểu và giải quyết các nguy cơ liên quan đến khí hậu”, với sự tham gia của hơn 70 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Tháng 1-2019, Hội đồng Bảo an tiếp tục tổ chức thảo luận mở về các vấn đề khí hậu và thời tiết khắc nghiệt. Lần đầu tiên đại diện Tổ chức WMO đã báo cáo trước Hội đồng Bảo an về vấn đề này. Tại phiên thảo luận, tất cả các nước đều cho rằng, biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp và khó lường ở nhiều nơi trên thế giới; khẳng định mối liên hệ chặt chẽ của vấn đề này đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế. 

Mới đây nhất, ngày 22-4-2020, tại cuộc họp trực tuyến theo thể thức Arria của Hội đồng Bảo an về “khí hậu và các nguy cơ an ninh: số liệu mới nhất”, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách hòa bình và an ninh nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu làm suy yếu các mục tiêu cốt lõi của chúng ta về ngăn ngừa xung đột và duy trì hòa bình” và “không có gì là ngẫu nhiên khi mà một nửa trong số 20 quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu đang phải giải quyết xung đột bạo lực”.

Các nước thành viên Hội đồng Bảo an, đại diện EU, Liên minh châu Phi (AU), Tổ chức khủng hoảng toàn cầu và Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển) cùng nhiều quốc gia trên thế giới cũng chia sẻ quan điểm biến đổi khí hậu là thách thức sống còn đối với nhân loại, không thể đánh giá thấp tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh; biến đổi khí hậu đã và đang tham gia định hình xung đột trong tương lai, do đó kêu gọi các cơ quan liên quan cần tiếp tục tăng cường những nỗ lực chung để bảo đảm duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác quốc tế.

Bạch Hân, Thu Hà, Xuân Quý