Sáng 27/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với Chủ tịch UBND tỉnh thành ở miền Trung, Tây Nguyên và các bộ ngành chỉ đạo công tác ứng phó khẩn cấp với bão Noru.

Cuộc họp trực tuyến về ứng phó khẩn cấp với bão số 4 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Cùng dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Tham dự cuộc họp còn có Chủ tịch UBND các tỉnh thành: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum và thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai cấp tỉnh.

Thủ tướng lưu ý phải bảo vệ tính mạng, tài sản người dân ngay từ khi bão chưa đổ bộ. Ảnh: Chinhphu.vn

Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới 8 địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng chịu ảnh hưởng của bão: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum; 88 quận, huyện, thị xã; 1.155 xã, phường, thị trấn.

Phát biểu ngay đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận các tỉnh, thành phố đã triển khai các giải pháp, nhiệm vụ được giao trong ứng phó với bão số 4. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh việc tiếp tục triệu tập cuộc họp này để rà soát lại công tác chuẩn bị ứng phó bão và ứng phó với các diễn biến sau bão…

"Nhân dân ở xã phường, nên cuộc họp được tổ chức trực tuyến tới cấp xã phường. Phải có phương án giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản, di sản, điều kiện, sinh kế của người dân; phải bảo vệ tính mạng, tài sản người dân ngay từ khi bão chưa đổ bộ bởi phòng hơn chống", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý một số nhiệm vụ như: Khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú, kêu gọi ngư dân không đánh bắt trong những ngày này; rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản; bảo vệ học sinh, khách du lịch; bảo vệ di sản, nhất là phố cổ Hội An; ứng phó với áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu bão, nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt sau bão.

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV (Bộ TN&MT) Trần Hồng Thái báo cáo tại cuộc họp

Theo báo cáo của lực lượng bộ đội biên phòng các tỉnh, thành ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, đến nay lực lượng đã tổ chức bắn pháo hiệu bão tại 33 điểm. Đồng thời lực lượng biên phòng phối hợp với các địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 57.840 phương tiện với 299.678 người biết diễn biến, hướng đi của bão số 4 đến chủ động di chuyển vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Bộ đội biên phòng các tỉnh Quảng Nam, Bình Định đã tổ chức lực lượng phối hợp với địa phương chằng chống 650 nhà dân. Đồng thời tổ chức sắp xếp tàu thuyền neo đậu tại các bến, âu cảng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn và tránh va đập gây chìm đắm.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, đến 4h00 ngày 27/9, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên - Huế - Bình Định khoảng 470km về phía Đông với sức gió cấp 14, giật cấp 16, tốc độ 20-25km/h.

Người dân TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) kéo ghe vào bờ an toàn trước thời điểm bão số 4 đổ bộ. Ảnh V.H

Dự báo bão di chuyển nhanh 20-25km/h, mạnh nhất đạt cấp 14-15, giật cấp 17. Bão đổ bộ các tỉnh Thừa Thiên Huế - Bình Định với gió cấp 12-13, giật cấp 14-15 vào rạng sáng 28/9 (rủi ro thiên tai cấp 4); thời gian lưu bão ảnh hưởng đến đất liền khoảng 12 tiếng.

Sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m từ Thừa Thiên - Huế - Bình Định từ chiều 27/9. Triều cường cao nhất thời điểm bão ảnh hưởng đến ven biển các tỉnh lúc 23h00 ngày 27/9 là 1,3m (lớn nhất trong tháng).

Đến nay, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đã rà soát, sẵn sàng sơ tán 398.556 người ra khỏi vùng nguy hiểm của bão số 4. Các tỉnh thành từ Quảng Trị - Quảng Ngãi cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, bão số 4 tương tự về đường đi và cường độ bão Xangsane đầu tháng 10/2006 đổ bộ vào Đà Nẵng (gió mạnh cấp 12, giật cấp 14) làm 76 người chết, mất tích; 350.000 nhà bị sập đổ, hư hại; thiệt hại vật chất trên 10.000 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh báo cáo tại cuộc họp từ đầu cầu ở tỉnh Quảng Nam

Quảng Nam đã di dời hơn 44.000 hộ dân

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, đến nay gần như toàn bộ diện tích lúa và 85% diện tích thủy sản đã được thu hoạch. Chỉ còn 3 tàu thuyền đang trong vùng nguy hiểm nhưng dự kiến 10h sẽ thoát khỏi vùng nguy hiểm. 

Tỉnh Quảng Nam đã di dời hơn 44.000 hộ dân đến vùng an toàn. Các hồ thủy điện đang ở mực nước thấp, nên có thể yên tâm về khả năng đón lũ với 900 triệu mét khối nước. Lực lượng thanh niên xung kích với 12.000 người đã sẵn sàng ứng phó với bão số 4. 

Tại cuộc họp, ông Trần Lộc, lãnh đạo phường Tân An (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cho biết, đây là phường ven biển, địa phương sẽ cố gắng cao nhất, tập trung chằng chống nhà cửa, di dời dân, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng và hạn chế thấp nhất tài sản, ảnh hưởng tới di sản Hội An, các ngôi nhà cổ. 

Còn lãnh đạo huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, đến nay còn 17 hộ dân chưa di dời, huyện không di dời tập trung mà xen ghép với các hộ dân khác. Thủ tướng yêu cầu nếu tình hình căng thẳng, có thể tính tới phương án di dời dân vào đất liền. Lãnh đạo huyện đảo cho biết nếu cần, có thể huy động hầm quân sự để người dân tránh trú.

Lãnh đạo xã Phú Diên, huyện Phú Vang (Thừa Thiên-Huế) cho biết, đã phân công các đảng ủy viên về các thôn để kiểm tra; đặc biệt quan tâm người già, trẻ em, người ốm, phụ nữ mang thai..; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cho người dân và hệ thống nghe nhìn trong những ngày bão… 

Lãnh đạo phường Lê Lợi, thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cho biết, đã phân công trực 24/24 trong những ngày qua để kịp thời ứng phó với mọi tình huống. 9 tàu của phường đã vào nơi tránh trú an toàn. Trên địa bàn chưa có người dân nào phải di dời.

Lãnh đạo xã Pờ Ê, huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum) cho biết, đội ngũ cán bộ đã chia làm các tổ đi vận động người dân không đi rừng, qua sông qua suối trong những ngày này, chuẩn bị đề phòng các điểm sạt lở; học sinh đã nghỉ học ở nhà… để ứng phó bão. 

Lãnh đạo huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) cho biết, huyện có hơn 660 tàu thuyền các loại đã vào khu neo đậu an toàn, không còn ngư dân trên biển. Hơn 1.700 hộ hơn 6.000 nhân khẩu đã có phương án di dời. Học sinh nghỉ học từ chiều ngày 27/9. Cuộc họp cũng nghe lãnh đạo phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, xã La Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai, thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum… báo cáo về công tác chuẩn bị.

Không loại trừ khả năng bà con sẽ đánh bắt khi thấy cá nhiều do bão

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết sau khi kiểm tra, ông nhận định các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng đã nghiêm túc triển khai công tác phòng chống bão; chúng ta có thể tương đối yên tâm với công tác bảo đảm an toàn hồ đập. 

Bộ trưởng đề nghị nhấn mạnh quan điểm “không hối tiếc” khi ứng phó cơn bão này bởi mọi sự thiệt hại về tính mạng và tài sản có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trên biển còn 9 tàu đang di chuyển về phía Nam vào nơi an toàn, nhưng 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định phải quyết liệt, tích cực hơn bởi không loại trừ khả năng bà con sẽ đánh bắt khi thấy cá nhiều do bão. 

Cùng với đó, hết sức quan tâm, phát hiện, kịp thời xử lý các nguy cơ sạt lở đất, các vấn đề vận hành liên hồ chứa, hồ thủy lợi, đập thủy điện…, giữ vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống, không để địa điểm nào bị cô lập do mất thông tin liên lạc.

Thủ tướng chỉ đạo ứng phó bão số 4, phải đặt mục tiêu tính mạng người dân lên trên hết. Ảnh: Chinhphu.vn

Thời gian không còn nhiều, rà soát lại việc phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, theo dự báo của các cơ quan chức năng, cơn bão số 4 diễn biến phức tạp, tăng 2 cấp so với ngày hôm qua, cường độ mạnh, di chuyển nhanh trong khi khả năng ứng phó còn có những hạn chế. 

Thủ tướng nhất trí với quan điểm công tác phòng chống bão phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “cao hơn 1 cấp” để có sự chủ động chuẩn bị. Bởi theo Thủ tướng, nếu chuẩn bị tốt thì khi cơn bão đổ bộ với cường độ mạnh hơn dự kiến, vẫn bảo đảm an toàn. Ngược lại nếu bão đổ bộ mạnh hơn dự kiến mà không chuẩn bị tốt, thiệt hại sẽ lớn. 

Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo, các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thời tiết thế nào, như khi trước bão có thể trời quang, mây tạnh. Đồng thời cũng không để bị động, bất ngờ, gây thiệt hại tính mạng và tài sản người dân, không hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh. 

Nhấn mạnh việc cần tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt nhất, Thủ tướng nhấn mạnh, phải đặt mục tiêu bảo đảm an toàn, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Chuẩn bị tốt nhất để kịp thời ứng phó diễn biến xấu có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, đặc biệt là bảo vệ tính mạng người dân, cương quyết di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm. Trong đó hết sức chú ý bảo vệ các đối tượng yếu thế, học sinh, người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, người tàn tật, khách du lịch phải ở lại do bão… 

Thủ tướng yêu cầu, thời gian không còn nhiều, các bộ ngành, địa phương liên quan từ tỉnh tới cấp huyện, cấp xã phải rà soát lại và tiếp tục triển khai ngay các công việc. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, dự báo chính xác nhất có thể, cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan, người dân.

Địa phương huy động cả hệ thống chính trị, đình hoãn các cuộc họp không cấp bách để tập trung chỉ đạo ứng phó bão; phân công các đồng chí trong đảng ủy, thường vụ đảng ủy xuống kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương trọng điểm, ứng trực, chỉ đạo ứng phó tại cơ sở. 

Các địa phương, các lực lượng chức năng như công an, quân đội bố trí lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn để người dân yên tâm sơ tán, bố trí lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm, chuẩn bị y tế cho người dân. 

Thủ tướng cũng yêu cầu đơn vị liên quan chủ động kiểm soát hoạt động đi lại, phân luồng, hướng dẫn giao thông bảo đảm an toàn và hạn chế người dân ra đường khi bão đổ bộ. Kiểm tra lại các cây lớn dễ đổ, gãy để có biện pháp xử lý an toàn phù hợp. 

Các địa phương chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men cho các khu vực nguy cơ sạt lở, chia cắt, cô lập. Bố trí lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống, nhất là trên biển, trên sông và các khu vực bị cô lập, chia cắt. 

Các bộ ngành triển khai các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; nhất là bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân, an toàn hồ đập, các công trình sản xuất, dịch vụ, dầu khí trên biển… 

Lực lượng vũ trang chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị hỗ trợ các địa phương ứng phó bão.