Thu về nghìn tỷ, không ai muốn bán cổ phiếu
Công ty Cổ phần Phụ tùng máy số 1 ở Thái Nguyên (FUTU1) được thành lập vào năm 1968. FUTU1 chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2008. Sau hàng loạt thăng trầm, gần 20 năm nay, nhà máy vẫn vững vàng là đơn vị cung cấp hàng chục triệu linh kiện xe máy, phụ tùng, động cơ cho các khách hàng lớn.
Trong khuôn viên nhà máy với cây xanh rợp bóng các lối đi, ông Trần Đức Hưng, Giám đốc công ty, hào hứng chia sẻ với PV. VietNamNet: FUTU1 là nhà cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp FDI, khách hàng chính là Honda, Yamaha, Piaggio.
"Chúng tôi làm nhiều chi tiết cho động cơ xe máy như tay biên, trục khuỷu, bánh răng, xi lanh,... Đó là các chi tiết tinh, không phải chỉ là những linh kiện thô", ông nói.
Năm 2022, doanh thu của FUTU1 là hơn 1.062 tỷ đồng, tăng đáng kể so với năm 2021.
Theo báo cáo của FUTU1, doanh thu từ bán sản phẩm phụ tùng linh kiện xe máy chiếm trên 80% doanh thu bán hàng.
Dù cổ phiếu của doanh nghiệp (FT1) được giao dịch trên thị trường UPCOM từ tháng 9/2017, với thị giá đang quanh mức 43.000 đồng/cổ phiếu, nhưng hầu như rất ít giao dịch. " Vì không ai muốn bán cả. Bởi nhiều qua năm, công ty luôn trả cổ tức cao bằng tiền mặt, như năm 2021 mức chi trả lên tới 4.500 đồng/cổ phiếu", lãnh đạo công ty tiết lộ.
Đáng chú ý, công ty gần như không phải vay vốn ngân hàng. Nếu như chi phí lãi vay năm 2022 chỉ vỏn vẹn gần 206 triệu đồng thì năm trước đó (2021) con số là... 0 đồng.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty khá tốt, thể hiện ở biểu đồ dưới đây:
Một “người hàng xóm” khác của FUTU1 là Công ty Cổ phần Cơ khí Phổ Yên (FBC) cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng không kém, khi tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các đối tác như Honda, Yamaha, Suzuki...
Cũng như FUTU1, chi phí lãi vay của công ty là 0 đồng, tức hoạt động bằng nội lực.
Vòng quay vốn lưu động năm 2021 của FBC ở mức “đáng mơ ước” là 4,2 vòng/năm. Năm 2020 vòng quay vốn lưu động cũng ở mức 4 vòng/năm.
FBC được giao dịch trên thị trường UPCOM từ tháng 10/2017. Dù giá cổ phiếu chỉ là 3.700 đồng, nhưng cổ tức hàng năm được trả rất cao, điển hình năm 2021, mỗi cổ phiếu nhận về 6.500 đồng và không có hoạt động mua đi bán lại cổ phiếu vì “không ai bán”.
Lợi nhuận sau thuế TNDN của FOMECO rất ấn tượng (thể hiện qua biểu đồ dưới đây). Lãi sau thuế năm 2022 tăng tới gần 195% so với năm 2021.
Nhờ đó, khoảng 1.000 lao động của doanh nghiệp có mức thu nhập trung bình năm 2022 là 16 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% so với năm 2020 (14,9 triệu đồng).
Có điều, ít người biết rằng, hai doanh nghiệp trên trước đây là những nhà máy cũ kỹ, trang thiết bị lạc hậu được đầu tư từ những năm 70 và gần như không đầu tư gì thêm sau đó. Đầu những nưm 2000, doanh thu mỗi công ty chỉ trên dưới 10 tỷ đồng. Nhưng việc cổ phần hóa và khả năng nắm bắt thời cơ đã thổi luồng sinh khí vào các doanh nghiệp.
Hướng đến linh kiện cho ô tô, thách thức về công nghệ
Một chuyên gia phân tích tài chính khi nhìn các chỉ số của hai doanh nghiệp sản xuất linh kiện trên đã đánh giá: Mặc dù doanh thu lớn hơn nhiều lần so với vốn chủ sở hữu, nhưng cả hai không hề phải vay ngân hàng, không có chi phí lãi vay. Làm được điều đó, các doanh nghiệp phải kiểm soát tốt tồn kho và phải thu, vòng quay vốn lưu động đạt 3 đến 4 vòng/năm. Quản trị doanh nghiệp, trong đó có quản trị sản xuất, chất lượng, tài chính luôn được cập nhật theo tiêu chuẩn của các công ty Nhật Bản.
“Nhờ vậy, đây là hai nhà cung cấp uy tín cho những doanh nghiệp FDI hàng đầu cũng như xuất khẩu liên tục tăng trưởng”, chuyên gia này phân tích. Ông cho rằng, việc các cổ đông nắm giữ cổ phiếu gần như không ai muốn bán, rất ít giao dịch nên giá cổ phiếu không nói lên nhiều điều.
Dù vậy, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức mới về thị trường. Đơn cử, doanh thu bán sản phẩm phụ tùng linh kiện xe máy chiếm tới trên 80% doanh thu bán hàng của FUTU1, nhưng tỷ trọng này có xu hướng giảm. Ví dụ năm 2020, con số này chiếm 89% doanh thu thì năm 2021 chỉ còn 85%.
Vì thế, công ty muốn phát triển các phụ tùng cơ khí để giảm phụ thuộc vào thị trường này bằng con đường trở thành nhà cung cấp cho các ‘ông lớn’ ô tô Nhật Bản.
Điều này đòi hỏi sự đầu tư lớn về công nghệ, bởi máy móc của những nhà máy cơ khí không đáp ứng được yêu cầu chất lượng. Các thiết bị của FUTU1 chưa thể đảm bảo cho việc làm linh kiện ô tô.
Chẳng hạn, với cấp độ chính xác của bánh răng, tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) quy định độ chính xác của bánh răng có 12 cấp, được đánh số từ 1 đến 12; mức độ chính xác giảm dần từ 1-12, trong đó cấp 1 là cấp chính xác nhất, cấp 12 là kém chính xác nhất và thường sử dụng các cấp chính xác 6,7,8,9
"Tại nhà máy, chúng tôi đã làm được bánh răng có độ chính xác ở cấp 9. Nếu muốn làm bánh răng có độ chính xác cao hơn, như cấp 6 chẳng hạn, thì chúng tôi vẫn chưa làm được. Để sản xuất ra sản phẩm đạt chuẩn, như bánh răng đạt cấp 6, đòi hỏi đầu tư nhiều triệu USD”, vị đại diện công ty chia sẻ nhưng không quên nhấn mạnh: "Song đây là con đường tất yếu phải đi với chúng tôi, vì thị trường xe máy đã bão hòa, trong khi cơ hội từ việc "ô tô hóa" vẫn còn đó".