Hôm qua (2/6), một trong những trang tin tức Thể Thao Điện Tử có tiếng - Gosugamers - đã đăng tải thông tin về việc đội Dota 2 chuyên nghiệp Aces Gaming của Việt Nam chắc chắn đã bán độ trong trận đấu trước đối thủ đến từ Malaysia trong khuôn khổ giải Starladder StarSeries Season 12. Số tiền mà toàn đội sẽ nhận được sau trận bán độ đó là 60 triệu đồng. Giả sử, chia số tiền này ra toàn đội thì mỗi tuyển thủ sẽ nhận được 12 triệu mỗi người.

Theo đó, thành viên "Sph" Nguyễn Trung Hiếu đã nhận được lời đề nghị từ một người bạn ở Hà Nội. Sau đó, Sph đã nói với "Fox" Võ Quốc Vương, "Misa" Nguyễn Đinh Việt Thành"Kua" Nguyễn Đức Trung về lời đề nghị này. Còn "Tài" Vương Thiện Tài chỉ biết sau khi được Fox thông báo tại Biên Hòa ngay sau trận thua trước G Guard 1 ngày. Ngay sau khi biết được, Tài đã nói với Fox không tham gia. Sau vài ngày thì không khí trong đội không còn như trước nữa nên toàn đội đã có một cuộc họp nội bộ. Mọi thành viên đã xin lỗi không lấy tiền và mong muốn được thi đấu tiếp. Tuy nhiên, Tài và Fox không đồng ý và mong muốn được rời khỏi đội. Để giữ không khí trong đội, quản lý của Aces Gaming"Yuki.72" Đỗ Nguyễn Đăng Khoa đã thay thế Sph, Kua Misa bằng "Secret" Nguyễn Minh Nhân, "Hanbin" Nguyễn Hoàng Thông "Red" Nguyễn Tiến Phát.

Hiện vẫn chưa rõ Valve sẽ xử lý ra sao với trường hợp này nhưng chắc chắn án phạt sẽ không nhẹ. Tạm gác qua vấn đề án phạt từ Valve, nhân "sự cố" này, tác giả muốn nói về vấn đề bán độ trong Thể Thao Điện Tử và những tác hại của nó dưới góc nhìn một người hâm mộ theo dõi Thể Thao Điện Tử lâu năm.

Các vụ bán độ nổi bật trong Thể Thao Điện Tử

Trước vụ bán độ của Aces Gaming này, nền Thể Thao Điện Tử Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã không ít lần "rúng động" vì bán độ.

Vào 2 năm trước, vụ bán độ của Alexei "Solo" Berezin với số tiền 322 USD (tương đương 7 triệu đồng) là vụ bán độ tai tiếng nhất trong cộng đồng Dota 2 Thế Giới. Từ lúc đó trở đi, cộng đồng đã coi "322" như một meme chỉ dùng để chỉ bán độ. Vào năm ngoái, đội Arrow Gaming đến từ Malaysia cũng "nhúng chàm" và hệ lụy là bị Valve cấm thi đấu... cả đời.

Không chỉ riêng Dota 2, các bộ môn Thể Thao Điện Tử khác cũng có những "câu chuyện" đáng nói. Ở Liên Minh Huyền Thoại, vụ bán độ nổi bật nhất chính là đội AHQ Korea. Thật ra, đội AHQ này không hề được tổ chức AHQ chính thức tại Đài Loan tài trợ mà chỉ là một chiêu trò của quản lý đội - Noh Dae Chu. Liên tục bị quản lý lừa gạt và buộc phải thua cộng với những căng thẳng từ cuộc sống bên ngoài, tuyển thủ Cheon "Promise" Min-Ki đã nhảy từ tầng 13 xuống. May mắn thay, anh được đưa đến bệnh viện kịp thời và không chết.

Promise - thứ 2 từ trái qua.

Tiếp nối truyền thống không mấy tốt đẹp từ các "đàn anh" kể trên, trong vòng một năm trở lại đây ở tựa game Counter-Strike: Global Offensive, những vụ việc liên tục bị phanh phui. Tổng cộng 19 tuyển thủ từ 3 đội Epsilon eSports, ESC Gaming và WinneR đã bị cấm thi đấu. Không những vậy, vào đầu năm nay, một trong những đội nổi tiếng ở Bắc Mỹ là iBuyPower cũng có những thành viên dính líu đến bán độ.

Song, những vụ bán độ trên lại không phải lớn nhất. Cách đây đúng 5 năm, một trong những bộ môn Thể Thao Điện Tử lâu đời và thành công nhất - Starcraft: Broodwar - cũng bị "chao đảo" bởi một vụ bán độ cực lớn ngay tại Kinh đô Thể Thao Điện Tử Hàn Quốc. 11 tuyển thủ, đứng đầu là tuyển thủ nổi tiếng Ma "sAviOr" Jae Yoon , đã đồng ý bán độ. Vụ việc được phanh phui vào ngày 6/5/2010. 11 tuyển thủ đã bị cấm thi đấu vĩnh viển ở những giải đấu của KeSPA và đối mặt với những án phạt từ chính phủ Hàn Quốc. Hệ lụy từ vụ việc này là vô cùng lớn. Trong vòng 1 năm, càng ngày càng ít khán giả quan tâm đếm Thể Thao Điện Tử tại Hàn Quốc và các kênh truyền thông lớn thì liên tục đưa tin chỉ trích khiến cho các đội nổi tiếng ở Starcraft: Broodwar dần dần phải giải thể và các tuyển thủ khác thì bị coi thường.

Đó là ở Thế Giới, còn ở Việt Nam thì sao? Ngay từ những bước đi đầu tiên của nền Thể Thao Điện Tử chuyên nghiệp Việt Nam thì những vụ bán độ đã bắt đầu. Điển hình nhất là vụ việc trong cộng đồng CS:GO Việt Nam với đội Legends. Sau trận thua trước đại diện TyLoo đến từ Trung Quốc, một tuyển thủ đã rời đội và tố cáo 4 thành viên còn lại đã bán độ để nhận những món đồ trong game với tổng giá trị lên đến 1.400 USD (tương đương 30 triệu đồng). Và giờ đây là vụ việc của Aces Gaming Dota 2.

Vậy còn Thể Thao Truyền Thống thì sao?

Ở bộ môn thể thao vua là bóng đá cũng không ít lần dính "phốt". Nổi bật nhất chính là vụ của "Bố già" Luciano Moggivà scandal Calciopoli năm 2006. Calciopoli là vụ bê bối lớn nhất của bóng đá Ý khiến câu lạc bộ Juventus bị tước chức vô địch mùa giải 2005-2006. Không những vậy, "Bà đầm già" còn bị giáng xuống thi đấu tại Serie B và những câu lạc bộ nổi tiếng khác cũng bị trừ điểm. Sau sự việc ấy, hàng loạt ngôi sao lớn đồng loạt "tháo chạy" khỏi Serie A. Từ đó, giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh bắt đầu sa sút và hầu như không còn khả năng thu hút những ngôi sao lớn nữa. 

"Những người yêu bóng đá Ý nói rằng, mùa hè 2006 chính là thời điểm giết chết nền bóng đá của họ và thủ phạm lớn nhất chính là gã khổng lồ vĩ đại nhất, Juventus F.C" - trích tác giả Lực Trần, trang bóng đá 4231. 

"Bố già" Luciano Moggi

7 năm sau đó, cảnh sát Châu Âu (Europol) cho hay khoảng 425 trọng tài, quan chức câu lạc bộ, cầu thủ và tội phạm có liên quan đến việc dàn xếp tỷ số ngay tại một trong những giải đấu danh giá nhất Thế giới - Champions League. 

Không chỉ ở bóng đá, các môn thể thao truyền thống mang tính biểu tượng khác cũng có những vụ tai tiếng.

Năm 2007, trọng tài Tim Donaghy đã liên kết với các trọng tài, tuyển thủ và quản lý để đặt cược trên các trận bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA). Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) ngay sau đó công bố một bản báo cáo chỉ ra trọng tài Tim Donaghy đã đặt cược trong các trận mà ông điều hành. Vị trọng tài này đã bị kết án 15 tháng tù giam. Một mức án hợp lý. Và danh tiếng của giải NBA đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ở Việt Nam, vụ bán độ làm đau lòng người hâm mộ nhất chính là vụ tiêu cực của bóng đá Việt Nam tại SEA Games 23 ở Philippines. Tuy thắng 1-0 trước Myanmar và lọt vào Chung Kết sau đó, nhưng 7 tuyển thủ bao gồm Lê Quốc Vượng, Phạm Văn Quyến, Lê Văn Trương, Trần Hải Lâm, Châu Lê Phước Vĩnh, Lê Bật Hiếu và Huỳnh Quốc Anh đã nhận những án phạt không hề nhẹ và ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này. 

Qua đây, chúng ta cũng có thể thấy bán độ không chỉ có mặt ở Thể Thao Điện Tử mà còn ở Thể Thao Truyền Thống. Ở các bộ môn Thể Thao Truyền Thống điển hình nhất là bóng đá, các cầu thủ đều có những mức lương cao, cao hơn rất nhiều so với mức thu nhập trung bình hàng tháng của người dân. Làm một phép tính đơn giản, GDP trung bình của Việt Nam ở mức trên 2.000 USD (năm 2014), trong khi đó, mức lương 1 năm của các cầu thủ đá chính ở VLeague nằm vào khoảng từ 400-500 triệu đồng 1 năm (tương đương 22.000 USD). Dễ nhận ra rằng mức lương của các cầu thủ bóng đá cao hơn gấp 11 lần so với mức lương bình thường. Đó là chưa kể đến những khoản tiền thưởng khác nhau. Vậy mà với một mức lương cao ngất ngưởng như thế, những tình trạng tiêu cực ở Thể Thao Truyền Thống vẫn không hề có dấu hiệu suy giảm.

Bán độ - Bán cả danh dự

Những ví dụ trên chỉ là một số ít trong số những vụ việc tai tiếng trong cả Thể Thao Truyền Thống và Thể Thao Điện Tử. Các nhân vật dính líu đến bán độ trên đã nhận được những gì? Câu trả lời là: "Họ chẳng nhận được bất cứ thứ gì ngoại trừ những ánh nhìn khinh bỉ từ những người xung quanh".

Chỉ vì tiền, họ đã đánh mất sự sáng suốt và từ đó mất đi sự nghiệp tương lai của mình. Chỉ vì tiền, họ chấp nhận đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của một tập thể. Sau các sự việc trên, không những phải đối mặt với những án tù giam mà họ còn phải chịu những ánh mắt soi mói từ chính những người xung quanh mình. Không những thế, họ còn "vô tình" làm liên lụy luôn cả những người khác.

Danh dự là một thứ rất mơ hồ, rất tượng hình mà không phải ai cũng có thể hiểu rõ được nhưng theo tác giả, danh dự chính là sự coi trọng và thừa nhận từ xã hội đối với một cá thể. Nếu bạn đồng ý vứt bỏ danh dự thì bạn có xứng đáng nhận được sự coi trọng và thừa nhận nữa không? Chưa hết, lòng tin của người khác đối với bạn sẽ không còn.

State Of Play - một trong những bộ phim tài liệu nói rõ nhất về Starcraft chuyên nghiệp tại Hàn Quốc

Những ví dụ bán độ ở trên cũng minh chứng rất rõ. Ở sự kiện bán độ tai tiếng của Starcraft: Broodwar 5 năm trước, cộng đồng Starcraft Hàn đi xuống đáng kể. Trong bộ phim tài liệu "State Of Play" (một trong những thước phim về Thể Thao Điện Tử), đạo diễn Steven Dhoedt đã diễn tả vô cùng chân thật về giai đoạn đen tối nhất của nền Starcraft chuyên nghiệp Hàn Quốc.

Qua góc nhìn của Lee "Jaedong" Jaedong, chúng ta có thể thấy rõ vào thời điểm đó, tất cả mọi thứ dường như đều chống lại các tuyển thủ Starcraft, dù rất nhiều người trong số họ không hề liên quan. Mất đi đội tuyển mà mình đã gắn bó lâu năm vẫn chưa phải là điều kinh khủng nhất, chịu áp lực và những ánh nhìn dè bỉu từ xã hội mới chính là thứ đáng sợ.

Trailer của State Of Play

Trở lại với câu chuyện bán độ của Aces Gaming. Có nhiều người cho rằng: "Các tuyển thủ Aces Gaming không đủ tiền để trang trải cuộc sống" và đây là điều mà tôi (tác giả bài viết) hoàn toàn không đồng ý với quan điểm này.

Đầu tiên, thi đấu Thể Thao Điện Tử đã dần dần trở thành một ngành nghề được mọi người công nhận. Trong khi đó, bán độ là đi ngược lại luật pháp và không được xã hội đồng tình. Nếu các tuyển thủ đồng ý bán độ tức có nghĩa họ đã không còn tôn trọng nghề nghiệp mà họ đang theo nữa. Thứ hai, với sự phát triển của Thể Thao Điện Tử, hoàn toàn có những công việc mà họ có thể kiếm ra tiền như streaming hay bán đồ lưu niệm ở các giải đấu mà các tuyển thủ tham gia. Và cuối cùng, nếu coi nghề này không đủ kiếm sống thì tốt nhất các tuyển thủ trên nên nghỉ và theo đuổi những ngành nghề khác hợp lý hơn. Một khi bạn đã chấp nhận theo đuổi thì bạn nên chấp nhận những rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra thay vì than vãn như những đứa trẻ.

Đừng bao giờ chắc chắn 100% một đội tuyển sẽ không còn tiêu cực nữa. Nhìn lại những ví dụ ở Thể Thao Truyền Thống, chúng ta có thể thấy dù có mức lương rất cao nhưng các tuyển thủ đó vẫn dính vào tiêu cực. Rõ ràng chỉ bằng cách tăng tiền tài trợ và tiền thưởng là vẫn không đủ để giảm thiểu tiêu cực.

Hiện tại có rất ít hướng đi để thoát ra khỏi vấn nạn này. Theo tác giả, siết chặt luật lệ giải đấu và đảm bảo tương lai cho các tuyển thủ vẫn là một trong những cách hiệu quả nhất. Đơn cử như tựa game Liên Minh Huyền Thoại của Riot Games, trừ trường hợp của Promise ra thì trong vòng 3 năm trở lại đây, Liên Minh Huyền Thoại vẫn chưa phải đối mặt với bất kỳ vấn đề tiêu cực nào khác bởi lẽ luật lệ mà Riot Games đưa ra vô cùng khắt khe. Ngoài ra, các tuyển thủ đã từng tham gia những giải đấu của Riot Games đều được đảm bảo về mặt tương lai sự nghiệp. Điển hình như Lee "CloudTemplar" Hyunwoo và Mitch "Krepo" Voorspoels, 2 bình luận viên nổi tiếng bước lên từ điểm xuất phát là một tuyển thủ Liên Minh Huyền Thoại chuyên nghiệp. 

Lúc bạn đã đồng ý bán độ, đó cũng chính là lúc bạn đồng ý bán rẻ danh dự của chính bản thân mình, cũng như đặt lợi ích cá nhân bạn lên trên lợi ích của một tập thể!

Lời kết

Bán độ là một vấn nạn nhức nhối không chỉ trong Thể Thao Điện Tử mà còn trong Thể Thao Truyền Thống. Nhìn nhận một cách chân thật nhất, khi nào sự ganh đua còn tồn tại thì khi đó vẫn còn cá cược và bán độ. Và vì thế chúng ta có thể sẽ không diệt trừ hoàn toàn được "gốc rễ". Song, chúng ta vẫn có thể hạn chế tối đa vấn đề này bằng cách nâng tư duy của bản thân mình lên, gắn kết cộng đồng hơn, siết chặt hơn nữa luật lệ cũng như công tác tổ chức ở các giải đấu và đảm bảo tương lai sự nghiệp của các tuyển thủ.

Chỉ vì một hành động thiếu suy nghĩ của các bạn mà một tập thể hay hơn cả là một cộng đồng bị liên lụy thì thật sự điều đó có đáng hay không? Đừng vì lợi ích nhất thời của cá nhân mà chà đạp lên lợi ích của nguyên một tập thể.

Theo PTQT/TTDT