Những thành tựu đó là động lực để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục viết tiếp trang sử vẻ vang, xây dựng tỉnh giàu mạnh, nâng tầm hội nhập.

Kinh tế tăng trưởng cao

Ngày 12/8/1991, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập theo Nghị quyết của Quốc hội Khóa VIII, trên cơ sở Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và ba huyện Châu Thành, Xuyên Mộc và Long Đất của tỉnh Đồng Nai.

30 năm qua, trong bộn bề khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nỗ lực phấn đấu, đoàn kết một lòng, biến vùng quê nghèo, giàu truyền thống cách mạng năm xưa trở thành địa phương có bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế hợp lý và chuyển dịch đúng hướng..  

Năm 2020, GRDP bình quân đầu người của Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 11.375 USD/ người (tính cả dầu khí) gấp 12 lần so với năm 1992 (968 USD/người); đạt 6.766 USD/người (không tính dầu khí), gấp 28,6 lần so với năm 1992 (236 USD/người). Từ khoảng năm 2000 đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn giữ vị trí là địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước (tính cả dầu khí và không tính dầu khí).

{keywords}
Cảng quốc tế Cái Mép.

Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng hơn 58% trong cơ cấu kinh tế của Bà Rịa – Vũng Tàu, 30 năm qua, ngành công nghiệp tỉnh này cũng có bước phát triển nhanh, tạo được nhiều sản phẩm mới giá trị cao. 

Theo đó, Bà Rịa – Vũng Tàu luôn thực hiện nhất quán quan điểm phát triển công nghiệp theo chiều sâu, có chọn lọc. Nhờ đó, công nghiệp tiếp tục duy trì vai trò là ngành động lực, đóng góp lớn nhất trong cơ cấu kinh tế, từng bước đưa nơi này trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.

Cụ thể, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, chú trọng các dự án có quy mô lớn, đồng thời ưu tiên thu hút phát triển các lĩnh vực công nghệ cao. Đến nay nhiều tập đoàn kinh tế, công nghiệp lớn trên thế giới như Kyoei, Nippon, Sumitomo, Itochu, Mitsubishi, Posco, ACDL, CJ, Lotte, BP, SCG, Hyosung... đều đã có mặt tại Bà Rịa – Vũng Tàu  

Cùng với đó, định hướng làm giàu từ cảng biển và dịch vụ hậu cảng trong tương lai có thể thay thế lợi ích từ khai thác dầu khí cũng đang trở thành sự thật. Toàn tỉnh hiện có 47 cảng đang hoạt động với tổng công suất khoảng 137,4 triệu tấn/năm. Đáng chú ý, từ năm 2017, Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) đã đón được tàu container có trọng tải đến 194.000 tấn cập cảng, đi thẳng sang các nước châu Âu, châu Mỹ, không qua trung chuyển.

Cung đường vận chuyển hàng hóa Việt Nam đi thẳng châu Âu và Bắc Mỹ không qua cảng trung chuyển đầu tiên của Việt Nam xuất phát từ Bà Rịa-Vũng Tàu đã rút ngắn lịch trình xuống 3-4 ngày/chuyến. Có tuyến, có luồng, có chân hàng từ Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây Nam Bộ và khu vực Đông Nam Bộ, đó là lợi thế cạnh tranh của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải so với các cụm cảng khác trên cả nước trong việc đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Giao thông tạo nền tảng cho hiện tại và cũng tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội Bà Rịa - Vũng Tàu. Giao thông giúp tỉnh xóa cách biệt về địa lý lẫn chất lượng cuộc sống giữa nông thôn và thành thị, hải đảo và đất liền.

Từ xuất phát điểm rất thấp, tỉnh đã vươn lên nhóm địa phương có hạ tầng giao thông khang trang, đồng bộ nhất nước, có trình độ phát triển cao. Tổng sản phẩm trên địa bàn đứng thứ tư, đóng góp hơn 5% tổng thu ngân sách quốc gia.

Về du lịch, hiện tỉnh có trên 1.100 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 457 cơ sở được phân loại xếp hạng từ đạt chuẩn đến 5 sao với 12.897 phòng. Một số dự án mới đã đưa vào khai thác kinh doanh, góp phần phát triển thêm sản phẩm du lịch chất lượng cao như: Hồ Tràm Trip, Imperial, Pullman, Malibu, Melia Hồ Tràm...

Giai đoạn 2016 - 2020, lượng du khách đến tỉnh hàng năm trung bình khoảng 15 - 16 triệu lượt, trong đó khách lưu trú trên 3 triệu lượt; doanh thu hoạt động du lịch (từ các cơ sở lưu trú) đạt bình quân trên 5.000 tỷ đồng/năm.

Tăng trưởng du lịch tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, tới nhiều ngành khác. Diện mạo, đời sống vật chất, văn hóa của người dân ở các địa phương du lịch phát triển được cải thiện rõ rệt. 

Từ năm 2021, việc thực hiện Đề án Phát triển đô thị thông minh tỉnh sẽ tiến thêm một bước mới. Gần đây nhất, TP. Vũng Tàu đã vận hành Trung tâm đô thị thông minh. Trong tương lai, nhiều hoạt động kinh tế, xã hội sẽ được số hóa và mang lại rất nhiều tiện ích cho người dân.

Y tế, giáo dục, an sinh xã hôi được đảm bảo

30 năm qua, mạng lưới cơ sở y tế tiếp tục được đầu tư hoàn thiện. Tỉnh đã đầu tư và đưa vào sử dụng Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Y học cổ truyền, Trung tâm Y tế huyện Long Điền,… Chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng lên.

Trước đại dịch Covid-19, công tác y tế dự phòng được tỉnh đẩy mạnh. Tỉnh đã mở rộng quản lý các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã; thực hiện tiêm chủng cho trẻ em đủ 8 loại vắc xin đạt 98%. Số giường bệnh/vạn dân đạt 20,6 giường bệnh; Số bác sĩ/vạn dân đạt 8,7 bác sĩ. Tỷ lệ xã có bác sĩ (theo biên chế) đạt 40%. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí về y tế xã đạt 100%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%.

{keywords}
Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu thành nơi đáng sống, tạo ra giá trị, mọi người dân đều có cuộc sống yên lành.

Vượt qua gian khó từ những ngày đầu thành lập tỉnh, suốt 3 thập kỷ qua, ngành giáo dục đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu cũng từng bước khẳng định vai trò, vị thế của mình. Từ năm 2010 - 2020, toàn tỉnh có 350 học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia các bộ môn văn hóa; với 3 giải nhất, 56 giải nhì, 113 giải ba và 178 giải khuyến khích.

Về công tác giảm nghèo, chủ trương giảm nghèo bền vững luôn được tỉnh quan tâm thực hiện và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu. Bà Rịa - Vũng Tàu  đã hoàn thành các chỉ tiêu giảm nghèo bền vững. 

Có được những thành tựu như hôm nay, thấm đẫm công sức của nhiều thế hệ Bà Rịa - Vũng Tàu vượt qua chông gai, thử thách mà yếu tố quyết định thành công là do quyết sách đưa ra thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, lấy dân làm gốc, lấy chất lượng cuộc sống người dân làm mục tiêu cho sự phát triển bền vững.

Tại buổi họp báo cung cấp các hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập tỉnh mới đây, ông Trần Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định, mục tiêu của tỉnh trong những năm tiếp theo là xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu thành nơi đáng sống, tạo ra giá trị, mọi người dân đều có cuộc sống yên lành.

"Nâng cao sự phồn vinh, hạnh phúc của mọi người dân trong tỉnh, ai cũng có cuộc sống khỏe mạnh, tăng cường phúc lợi cho mọi lứa tuổi, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người. Đó là một trong những mục tiêu của tỉnh đến năm 2030", ông Trần Văn Tuấn chia sẻ.

Lê Thi