Nhiều năm qua, mỗi khi đi qua nghĩa trang xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), mọi người dễ dàng bắt gặp một bà lão đang khom lưng, cặm cụi nhổ cỏ ở từng ngôi mộ trong khuôn viên. Bà là Nguyễn Thị Diên (SN 1944, trú tại thôn Cam Vũ 1, xã Cam Thủy).
Chia sẻ với PV, bà cho biết, nghĩa trang có 232 ngôi mộ. Trong đó, có những đồng đội của bà mới tuổi đôi mươi đã phải nằm lại nơi đây, họ chưa có gia đình.
Bà Diên có dáng người nhỏ nhắn. Vì căn bệnh u máu từ nhỏ không có tiền chữa trị và bị nhiễm chất độc thời chiến nên một mắt của bà không thể nhìn được. Trên mặt bà, vết u máu ngày càng lan rộng, lấn át gần nửa khuôn mặt.
Năm 1968, bà là du kích xã, vừa phụ trách việc nấu cơm cho bộ đội vừa nắm tình hình địch để báo cho cán bộ địa phương. Nhiều lần bà bị địch bắt, tra tấn dã man, dùng roi dây quất lên người nhưng bà không khai.
Cuối năm 1969, bà cùng bạn bè ra Bắc học ngành y. Sau này, bà về công tác tại trạm y tế xã, đến năm 1983 thì nghỉ.
Những năm 1970, 1971, đồng đội của bà lần lượt hi sinh tại Quảng Trị. Một trong số đó đang yên nghỉ ở nghĩa trang xã Cam Thủy. Còn bà Diên, sống cảnh một thân một mình cho đến bây giờ.
Hòa bình lập lại, bà Diên sống chủ yếu nhờ tiền trợ cấp cho người có công hơn 2 triệu đồng mỗi tháng. Tuy chỉ đủ đắp đổi qua ngày nhưng bà luôn thấy bản thân mình may mắn. Bởi, nhiều người đã bỏ gia đình, vợ con mãi mãi nằm lại dưới nấm mồ hiu quạnh. Bi đát hơn, có gia đình bị hi sinh hết, từ ngôi nhà đông người trở thành nhà thờ lạnh lẽo.
Nghĩ vậy nên từ năm 1997, bà Diên đạp xe từ nhà mình ngược lên nghĩa trang khoảng 2km để lo hương khói, tưởng nhớ đồng đội. Mặc dù, bà biết nơi này đã có người quản trang lo liệu.
Những việc như nhổ cỏ, làm vệ sinh trong khuôn viên, thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, bà đều tham gia.
Bà Diên thủ thỉ, đến đây, bà như được gặp lại những đồng đội đáng kính, để cùng nhau ôn lại những kỉ niệm khi xưa cùng gắn bó và cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Bà cũng thấy được an ủi sau những chuyến ghé thăm đồng đội.
Càng chăm sóc cho nghĩa trang, bà Diên càng cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn đối với những liệt sĩ chưa biết tên.
Trước đây 6 năm, bà Diên đề đạt với địa phương, xin nhận một ngôi mộ chưa có thân nhân để chăm sóc thay cho người nhà liệt sĩ. Cứ đến ngày rằm, mồng 1, bà lại xách theo gói bánh, nắm hương đến thắp và sửa sang ngôi mộ này.
Bà Diên rất thích trồng cây xanh. Bà dành nhiều tâm huyết vào việc trồng cây làm đẹp cho nghĩa trang. Một mình bà Diên trên chiếc xe đạp đã úa màu ngày ngày đi xin các cây phượng, cây đa, hoa mẫu đơn về trồng.
Nếu xin được cây to quá, bà buộc lên yên xe rồi dắt bộ theo con đường cũ lên nghĩa trang và cặm cụi trồng từng cây một. Trồng xong, bà lại dành thời gian tưới cây, chăm sóc.
Hiện tại, nghĩa trang xã Cam Thủy đã trở nên quen thuộc với bà Diên. Hàng trăm ngôi mộ liệt sĩ đều được bà tỉ mẩn trồng từng khóm cây lên mộ.
Bà Diên tâm sự, mới đây bà nhờ người mua giúp một cặp đèn thờ bằng đồng để thắp ở khu nghĩa trang mỗi khi có dịp. Còn những ngày thường, bà nhờ phía UBND xã bảo quản giúp. Cặp đèn này trị giá 4 triệu đồng, được bà dành dụm từ những đồng tiền trợ cấp.
Tình cảm, sự quan tâm chăm sóc lặng lẽ, liên tục 26 năm qua của bà Diên được người dân ngưỡng mộ, được địa phương khen thưởng, tuyên dương.
Lãnh đạo UBND xã Cam Thủy cho biết, bà Diên rất tâm huyết, trách nhiệm với các hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại nghĩa trang xã nhà, đặc biệt, với những liệt sĩ chưa biết tên. Ghi nhận và biết ơn bà Diên, phía UBND xã Cam Thủy và huyện Cam Lộ nhiều lần tuyên dương, tặng giấy khen cho bà.
Mới đây, lãnh đạo xã đã về trao huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cho bà. Tấm gương của bà Diên là động lực để lớp trẻ học tập, noi theo.