Một khách hàng quét mã QR để đặt món và thanh toán. (Ảnh: Bloomberg) |
Mỗi buổi sáng, ông Seah Hui Li thức dậy trước bình minh, làm 400 chiếc bánh bao nhân đậu đỏ để bán tại một khu chợ nổi tiếng của Singapore. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, thực khách hạn chế qua lại, người đàn ông 63 tuổi gặp nhiều khó khăn.
Dù vậy, việc kinh doanh của ông khởi sắc trở lại nhờ một chiến dịch hỗ trợ những người bán hàng cao tuổi như ông trên Instagram. Nó cũng đảm bảo truyền thống ẩm thực đường phố phong phú của quốc đảo không mai một.
Chiến dịch quảng bá quầy hàng của những người bán hàng vỉa hè bị thiệt hại nặng nhất do dịch bệnh vì không rành công nghệ để tự quảng cáo trên các nền tảng giao hàng. Tài khoản Instagram @wheretodapao có hơn 37.000 người theo dõi, thường xuyên đăng ảnh, đánh giá món ăn và tiểu sử ngắn gọn của khoảng 75 người bán.
Ông Hui Li khẳng định mạng xã hội đã giúp ông rất nhiều. Ông nhìn thấy nhiều gương mặt khách hàng mới. Họ tiết lộ đến đây vì nhìn thấy các bài viết trên mạng.
@wheretodapao là tác phẩm của Jocelyn Ng, chuyên gia mạng xã hội 24 tuổi. Sau khi đọc một bài báo về cảnh vật lộn của những người bán hàng đường phố trong đại dịch, cô đã được truyền cảm hứng.
“Tôi không phải một người nổi tiếng hay gì cả. Tôi chỉ muốn chia sẻ những câu chuyện cá nhân của tất cả những người bán hàng cao tuổi này”, cô nói.
Các quầy hàng vỉa hè Singapore là một phần không thể tách rời của cuộc sống bản địa, thường hấp dẫn khách hàng bởi các món ăn như cơm gà, súp hải sản hay mì tôm. Những trung tâm bán hàng rong như vậy đã được UNESCO công nhận năm 2020 là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Vài người bắt đầu bán hàng từ những năm 1960, họ truyền lại công thức cho thợ học việc trẻ hơn. Thách thức bảo tồn hàng rong được bàn bạc rộng rãi trong những năm gần đây. Chính phủ Singapore hối thúc họ chuyển sang chấp nhận thanh toán điện tử và giao đồ ăn trực tuyến.
Hiện nay, khoảng 3.000 chủ quầy hàng đã sử dụng dịch vụ đặt đồ ăn qua mạng với sự hỗ trợ của chính phủ, cơ quan ban ngành và tình nguyện viên. Thông tin được bà Amy Khor, Bộ trưởng Môi trường và Bền vững, chia sẻ đầu tháng này trên Straits Times.
Chẳng hạn, ông Huang Jian Hui, 37 tuổi, đã dùng nền tảng WhyQ từ năm 2019. Ông ghi nhận kinh doanh cải thiện nhờ những dịch vụ giao hàng. Tuy nhiên, với các người bán khác chưa lên mạng, sáng kiến Instagram nói trên là một cơ hội để họ tiếp cận khách hàng.
Ông Anthony Low, Chủ tịch Bộ phận hàng rong tại Liên đoàn các Hiệp hội thương gia Singapore, đánh giá cao sáng kiến. “Từ khi Singapore giành độc lập, chúng ta đã có các trung tâm bán hàng rong, họ ghi dấu trong trái tim của mọi người dân. Người Singapore quen với việc đến đây, họ xem nơi đây như nhà của mình”. Ông tự tin truyền thống ấy sẽ sống sót, vượt qua đại dịch.
Du Lam (Theo Bloomberg)
Nở rộ mua đồ ăn trên mạng xã hội mùa dịch
Các hội nhóm trên mạng xã hội, đặc biệt là các nhóm nhà chung cư, phát triển rất mạnh ở mảng bán hàng, bán đồ ăn, nhất là trong mùa dịch này.