Tuổi thơ cơ cực
Trở về từ chuyến đi khảo sát tại huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng), tâm trí Trương Thư Hoàng (SN 1985, Quận 6, TP.HCM) đọng lại hình ảnh những đứa trẻ nghèo. Trong những ánh mắt ấy, anh bỗng thấy lại tuổi thơ cơ cực của mình nhiều năm trước.
Hoàng bị bố chối bỏ khi còn trong bụng mẹ. Mẹ anh cùng đứa con đang thành hình trong bụng về nương nhờ nhà ngoại. Thiếu vắng tình thương của cha, Thư Hoàng lớn lên trong sự đùm bọc của mẹ, bà ngoại và các cậu.
Gia đình không có trụ cột, mẹ Hoàng sớm phải tảo tần. Bà hết bán rau ngoài chợ lại đi làm thuê đủ thứ việc để có tiền nuôi con ăn học.
Sinh ra trong nghèo khó, Hoàng sớm hiểu chuyện, biết đỡ đần mẹ. 10 tuổi, anh đã có thể thức dậy từ 4h sáng để ra chợ giúp mẹ dọn hàng, bán rau.
Anh giúp mẹ đến 7h rồi nghỉ để đi học. Nhà nghèo, mỗi khi đi học, Hoàng chỉ có thể bỏ tập sách vào túi nilon rồi xách đến trường.
Những năm đó, ngoài bà ngoại và các cậu, gia đình anh được rất nhiều mạnh thường quân giúp đỡ. Sau này khi lớn lên, Thư Hoàng lại mắc bạo bệnh. Có lúc, anh lâm vào cảnh thập tử nhất sinh.
Anh kể: “Từ nhỏ cho đến lúc lâm bạo bệnh, tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của cộng đồng, mạnh thường quân. Thế nên, tôi luôn tâm niệm phải đền đáp, cố gắng làm những điều như mình đã từng được nhận”.
Khoảng 8-9 năm trước, Thư Hoàng trở thành thành viên thường trực của một nhóm thiện nguyện nhỏ. Những năm ấy, Hoàng cùng nhóm đi phát quà, nhu yếu phẩm, tập vở học sinh… cho bà con những miền xa xôi, hẻo lánh.
Anh cũng tham gia những chuyến cứu trợ bà con vùng lũ, cũng từng ngồi trên chuyến xe chở đoàn từ thiện suýt gặp nạn vì sạt lở đất… Những chuyến đi như thế cho anh thấy còn rất nhiều mảnh đời, hoàn cảnh cần được giúp đỡ.
Đó cũng là lúc Hoàng nhận thấy cần phải thay đổi cách làm thiện nguyện của mình. Thay vì phát quà, nhu yếu phẩm, Hoàng hình thành các dự án cộng đồng như: xây nhà, xây cầu, thư viện, trường học, hỗ trợ con giống… cho những gia đình, địa phương khó khăn.
Anh nói: “Tôi quan niệm nên hỗ trợ bà con chiếc cần câu thay vì cho con cá. Bởi, nếu chúng ta tặng bà con nghèo phần quà là nhu yếu phẩm, bà con chỉ sử dụng được trong 1 tuần hoặc nửa tháng.
Nhưng nếu chúng ta tặng nhà, xây cầu hay cho con giống… bà con có thể tự xây dựng cuộc sống, tạo ra sinh kế. Từ đó, tôi và những người đồng hành quyết định thực hiện các dự án cộng đồng nhiều hơn thay vì tổ chức các chuyến tặng quà”.
Trao sinh kế
Để hoạt động thiện nguyện của mình có cơ sở, dài lâu, Thư Hoàng quyết định thành lập nhóm với tên gọi Hữu duyên Sài Gòn. Nhóm là tập hợp những cá nhân đã đồng hành cùng anh trong nhiều hoạt động thiện nguyện suốt 8-9 năm qua.
Hữu duyên Sài Gòn hoạt động dựa trên tinh thần công khai, minh bạch về tài chính. Trước khi thực hiện bất kỳ dự án cộng đồng nào, Hoàng và nhóm đều liên hệ, thông qua chính quyền địa phương.
Dựa trên sự hướng dẫn, cho phép của chính quyền địa phương, thành viên nhóm sẽ trực tiếp đến khảo sát. Qua đó, Hoàng và nhóm có thể hiểu người dân ở đây cần hỗ trợ những gì để lên phương án thực hiện.
Dù mới thành lập, nhóm thiện nguyện của Hoàng đã xây được 3 cây cầu, 3 thư viện, 3 căn nhà. Bên cạnh đó, nhóm cũng tổ chức hàng trăm chương trình từ thiện hướng đến người già neo đơn, lao động nghèo, học sinh nghèo hiếu học…
Hiện nay, Hoàng và Hữu duyên Sài Gòn thường chọn khu vực miền Tây, nhiều nhất là 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau để hỗ trợ xây cầu, tặng nhà, con giống… cho bà con.
Anh kể: “Về miền Tây, vào những vùng khó khăn, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các em nhỏ phải lội nước hoặc nhờ người lớn bơi xuồng vượt sông mới có thể đến trường.
Có khi các em phải bỏ đồng phục vào túi nilon đội lên đầu rồi bơi qua sông. Đến bờ bên kia, các em mới mặc lại quần áo để vào lớp. Khi mùa mưa lũ, việc này rất nguy hiểm.
Thấy vậy, chúng tôi quyết định xây cầu để các em đi học an toàn, thuận tiện hơn. Ngoài ra, những cây cầu như thế sẽ giúp bà con đi lại dễ dàng. Hàng hóa, nông sản của bà con cũng lưu thông tốt hơn từ đó góp phần phát triển kinh tế của địa phương”.
Song song với việc xây cầu, tặng nhà tình thương, Hữu duyên Sài Gòn cũng hỗ trợ các gia đình khó khăn con giống. Hoạt động này đem lại hiệu quả cao khi từ các con giống được tặng, nhiều hộ nghèo đã có thể gây đàn để có gia súc, gia cầm bán, tạo thu nhập.
Sau nhiều năm hoạt động thiện nguyện, Thư Hoàng thấy mình có nhiều niềm vui và tốt lên từng ngày. Niềm vui ấy đến từ những lần anh quay lại nơi mình đã hỗ trợ và thấy bà con có những thay đổi tích cực.
“Hoạt động thiện nguyện lấy đi của tôi nhiều thời gian. Nhưng đó là ước nguyện của tôi và tôi không bao giờ vì thế mà cảm thấy buồn hay hối tiếc. Hơn thế, mỗi khi thấy bà con có thể giải khó, thoát nghèo, tôi vui như chính bản thân và gia đình của mình đang đổi thay”, anh chia sẻ.
*Ảnh nhân vật cung cấp