Ngày 10/8, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán phối hợp cùng Hội Toán học Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động Kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (1974 - 2024).
Sự kiện nhằm tổng kết, đánh giá các hoạt động, phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng tài năng Toán học trẻ trong thời gian qua và định hướng phát triển cho tương lai. Đây cũng là cơ hội gặp gỡ, hội ngộ của các thế hệ thầy trò, đồng nghiệp tham gia các kỳ thi IMO.
Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) được tổ chức từ năm 1959 tại Romania, Việt Nam bắt đầu tham gia từ năm 1974 và đã có 48 lần cử đội tham gia với 288 thí sinh dự thi (trong đó có 18 nữ).
Đến nay, Việt Nam đoạt 271 huy chương tại IMO (trong đó, 69 Huy chương Vàng, 117 Huy chương Bạc, 85 Huy chương Đồng), tỷ lệ học sinh được huy chương là 94%. Trong suốt lịch sử 50 năm đã có 10 học sinh xuất sắc đạt số điểm tuyệt đối, 10 học sinh được 2 Huy chương Vàng.
Xét theo thành tích đồng đội không chính thức, đội Việt Nam nằm trong top 10 thế giới trong phần lớn các năm dự thi.
GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, người đã tham gia dẫn đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi IMO trong 10 năm, cho hay, nếu tính từ năm 2013 đến năm 2024, Việt Nam xếp hạng từ 5 đến 15. Riêng năm 2017, Việt Nam có thành tích tốt nhất từ trước đến nay (đứng thứ ba thế giới), với 4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.
Theo thống kê của GS Vinh, nếu tính theo tổng sắp Huy chương Vàng của các đội tuyển tại IMO, Việt Nam đứng thứ 8 thế giới với 69 Huy chương Vàng. Với 48 lần tham dự, trung bình đoạt 1,44 Huy chương Vàng/năm. Tính riêng giai đoạn 2013-2024, Việt Nam xếp thứ 5 thế giới khi đạt trung bình 1,92 Huy chương Vàng/năm (tổng 23 Huy chương Vàng). Giai đoạn này có đến 5 trên tổng số 10 thí sinh trong lịch sử Việt Nam giành được 2 Huy chương Vàng.
“Đây là tỷ lệ rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận về sự phát triển của Toán học trong khu vực, 10 năm gần đây, Thái Lan cũng có 21 Huy chương Vàng và Singapore là 19. Với cách làm như hiện nay, các nước này sẽ không thua kém Việt Nam”, GS Vinh nhận định.
Theo GS Vinh, thành tích của Việt Nam đứng khoảng ở nhóm thứ hai thế giới (top từ 5 - 15). 4 nước top đầu là Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nga.
Muốn cạnh tranh với những đội top đầu, Việt Nam cần tham khảo quy trình chọn đội tuyển của họ. Các nước này, để chọn ra đội tuyển cuối cùng vô cùng phức tạp và mất thời gian tương đối dài; quy trình trải qua rất nhiều vòng, nhiều cấp. Trong khi quy trình chọn của Việt Nam đang rất đơn giản (vòng 1 cấp thành phố, vòng 2 thi toàn quốc và vòng 3 là chọn đội tuyển, mỗi vòng 2 bài).
“Chúng ta đạt thành công lớn là dựa vào hệ thống trường chuyên trải khắp các tỉnh, thành. Tuy nhiên, nếu so sánh với 4 nước top đầu sẽ có khoảng cách lớn trong việc tuyển chọn người. Nếu muốn cạnh tranh với top đầu, chúng ta cần suy nghĩ, cải tiến thêm”, GS Vinh nói.
GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, chia sẻ: “Tôi thấy rất vui về những thành quả đã đạt được, đặc biệt là sự đoàn kết, gắn bó giữa cộng đồng toán học Việt Nam trong và ngoài nước. Tôi cũng vui mừng về sự quan tâm của Chính phủ và Toán học vẫn là một trong những môn học được yêu thích của các bạn trẻ”.
Song, ông cũng còn những câu hỏi trăn trở như làm sao để phong trào học Toán được bền vững, sâu rộng hơn? Làm sao để môn Toán và các môn học cơ bản khác trở thành lựa chọn tự nguyện của người trẻ?.
“Chúng ta đang nói rất nhiều về đào tạo nhân lực cho trí tuệ nhân tạo, rồi bán dẫn - làm chủ được những công nghệ này. Nhưng làm sao có thể làm chủ được nếu như thời lượng các môn Toán và có lẽ nhiều môn học cơ bản khác bị cắt giảm, cả ở bậc phổ thông lẫn đại học? Trong thời đại bùng nổ thông tin, của trí tuệ nhân tạo, tôi cho rằng chúng ta cần tránh nhồi nhét thêm những kiến thức mới, mà cần trở về với những nền tảng cơ bản, với những nguyên tắc lập luận, tư duy cơ bản”, GS Châu nói.
GS Châu cho rằng, xã hội không nên chỉ nhìn việc học Toán ở những câu hỏi: "Học Toán nhiều để làm gì?"; "Tại sao dùng ngân sách để dành lợi ích cho một nhóm nhỏ học sinh" hay cho rằng "luyện gà chọi", mà cần nhìn nhận ở những giá trị lớn hơn.
Vị giáo sư đưa so sánh thi Olympic Toán học quốc tế cũng như câu chuyện bóng đá: "Ai cũng muốn đội tuyển bóng đá Việt Nam giành Huy chương Vàng, ví dụ ở cấp châu Á thôi, cả nước cũng đã vỡ òa. Rõ ràng kết quả đạt được đã mang đến những giá trị xã hội, sức mạnh của Việt Nam. Khi học sinh Việt Nam đạt giải thưởng ở cuộc thi Toán quốc tế tạo nên niềm vui, sự khích lệ.
Điều quan trọng là nếu mặt bằng chung người dân Việt Nam giỏi Toán hơn, diện mạo đất nước sẽ thay đổi. Mỗi người hàng ngày phải đứng trước rất nhiều quyết định, chỉ cần chúng ta biết loại "biến" nào là không quan trọng hay tính toán xác suất đã có thể đưa ra quyết định hợp lý hơn".
GS Châu cũng đề cập về ý kiến cho rằng: 'Tại sao phải dùng ngân sách để dành lợi ích cho một nhóm nhỏ học sinh?'. Ông nói: "Đúng là những em học sinh giỏi sẽ được chăm sóc tốt hơn. Nhưng một đất nước có khoảng 1.000 - 10.000 em rất giỏi Toán, tôi nghĩ tương lai khoa học và công nghệ của đất nước sẽ khác trong vòng 20 năm nữa. Đây là sự đầu tư xứng đáng cho tương lai của đất nước và không nên chỉ nghĩ đầu tư cho các em đi thi IMO", GS Châu chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh "muốn cây cao phải vun từ gốc" và cho hay Bộ ý thức rất rõ rằng muốn phát triển khoa học công nghệ, phải đi từ những ngành rất cơ bản gồm Toán, Vật lý, Hóa học từ bậc phổ thông đến đại học.
"Tuy nhiên, có một điều đáng buồn tỷ lệ học sinh các trường chuyên chọn các ngành liên quan STEM ở bậc đại học chỉ khoảng 25,6%, tức thấp hơn tỷ lệ trung bình toàn quốc (31% chọn học các ngành STEM). Đương nhiên các trường chuyên có cả các lớp về khoa học xã hội, nhưng tôi tin các khối liên quan đến STEM ở các trường chuyên phải lớn hơn nhiều. Như vậy đây là một điểm mà chúng ta cần suy nghĩ", ông Sơn nói.