Ngày 1/11/2022, nữ giáo sư Yến Ninh, 45 tuổi, bước lên bục Diễn đàn Tài năng Đổi mới Toàn cầu Thâm Quyến với một đôi giày trắng, áo đỏ và quần đen. Màn hình lớn phía sau ghi 4 chữ lớn: Đã quay trở lại.
Năm năm sau khi rời Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) để giảng dạy tại Đại học Princeton (Mỹ), nữ giáo sư nổi tiếng mạng xã hội đã trở về quê hương. Động thái này đã thu hút sự chú ý lớn tại Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia này đang nỗ lực thu hút nhiều nhân tài hàng đầu trên khắp thế giới trở về quê hương để tìm kiếm cơ hội và phát triển, theo Global Times.
Nữ giáo sư với cuộc đời 3 ước mơ
Tại diễn đàn Tài năng Đổi mới Toàn cầu Thâm Quyến 2022, giáo sư Yên Ninh đã chia sẻ 3 ước mơ cho sự nghiệp của mình.
Thứ nhất, đó trở thành giáo sư trẻ nhất Đại học Thanh Hoa. Trong lần phỏng vấn với UN News, Yên Ninh chia sẻ, bố mẹ đều là người thuộc tầng lớp lao động. Gia cảnh khó khăn và cô gái nhỏ nỗ lực học tập để đổi đời.
Năm 2000, Yến Ninh nhận bằng cử nhân của Khoa Khoa học Sinh học và Công nghệ sinh học tại Đại học Thanh Hoa. Năm 2007, chưa đầy 30 tuổi, nữ giáo viên được phong hàm và trở thành giáo sư trẻ nhất tại Trường Y thuộc Đại học Thanh Hoa vào thời điểm đó.
Ở tuổi 37, Yên Ninh hướng dẫn một nhóm nghiên cứu sinh tiến sĩ có độ tuổi trung bình dưới 30 tuổi và dành 6 tháng để giải một trong những bài toán khoa học nổi bật và có tính cạnh tranh quốc tế nhất trong lĩnh vực nghiên cứu protein màng.
Năm 2015, giáo sư Ninh đã giành được "Giải thưởng nhà khoa học trẻ" của Hiệp hội Protein quốc tế và giải thưởng vật lý sinh học quốc tế Sackler, theo Nhân dân Nhật báo.
“Ước mơ thứ hai là đợi đến khi tôi hơn 50 tuổi và đạt được những kết quả có tầm ảnh hưởng thế giới, khi đó có thể tôi sẽ được mời trở lại giảng dạy tại Đại học Princeton”. Trên thực tế, ước mơ này đã thành hiện thực trước thời hạn 10 năm.
Năm 2017, giáo sư Ninh rời Thanh Hoa sau 10 năm công tác và trở thành giáo sư giảng dạy tại Khoa Sinh học Phân tử tại Đại học Princeton. Năm 2019, bà được đặc cách bầu làm viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ và hai năm sau, được bầu làm viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ.
Tạo nền tảng hỗ trợ nhiều học giả xuất sắc hơn, ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe khác nhau nhân loại phải đối mặt, khám phá và thách thức các vấn đề y sinh, đồng thời tạo ra các tác phẩm độc đáo mang tính đột phá và cống hiến cho xã hội là ước mơ thứ ba của nữ giáo sư.
Để thực hiện điều này, bà đã tham gia thành lập tham gia thành lập Học viện Nghiên cứu và Dịch thuật Y khoa Thâm Quyến (SMART).
"Trong hai mươi năm qua, tôi rất may mắn được làm việc trong một môi trường phù hợp nhất cho nghiên cứu khoa học". Nữ giáo sư hy vọng rằng sẽ càng có nhiều người trẻ hơn nữa có thể gặp những vận may tương tự để khám phá những tiềm năng của mình.
“Tôi không nợ ai một lời giải thích nếu tôi không kết hôn"
Ngoài ra, giáo sư Yên Ninh cũng được bình chọn là nhà khoa học trẻ có sức ảnh hưởng nhất trên mạng xã hội Trung Quốc.
Không giống như nhiều nhà khoa học khác có phần kín tiếng, nữ giáo sư có hơn 1,42 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Weibo, tích cực chia sẻ kiến thức khoa học, ghi lại hoạt động trong phòng thí nghiệm và tương tác trực tuyến.
Giáo sư Ninh mô tả mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh giống như một gia đình lớn: "Các em không cần phải làm theo kỳ vọng của giáo viên mà phải đạt được định nghĩa hạnh phúc của riêng mình. Đừng nói học sinh không đủ năng lực, cũng đừng nói những lời tổn thương”.
Khi còn là giáo viên chủ nhiệm tại Đại học Thanh Hoa, Yên Ninh có một sinh viên thuộc tất cả các công thức trong sách nhưng lại không giỏi làm thí nghiệm. "Tôi sẽ nói với sinh viên này, nếu em giỏi tính toán hơn, em có thể tập trung nhiều hơn vào khía cạnh này".
Học vấn nổi trội, thành tích học tập hiệu quả và sức ảnh hưởng mạnh mẽ, vị nữ giáo sư này từng có câu nói “bá đạo” tạo cảm hứng nổi tiếng: "(Bởi vì tôi như vậy) nên tôi không nợ ai một lời giải thích nếu tôi không kết hôn".
Chủ đề “Yến Ninh tuyên bố rời Mỹ và trở về Trung Quốc” đã nhận được hơn 300 triệu lượt truy cập trên Sina Weibo, trong đó nhiều cư dân mạng hoan nghênh quyết định trở về quê hương của nữ giáo sư.
Hiện nay, xu hướng dịch chuyển các nhà khoa học gốc Trung Quốc rời Mỹ đang diễn ra mạnh mẽ. Theo một báo cáo chung năm 2022 của các học giả từ các cơ sở giáo dục hàng đầu của Mỹ như Harvard, Princeton và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ít nhất 1.400 nhà khoa học gốc Trung Quốc đã chuyển từ các cơ sở Mỹ về làm việc tại Trung Quốc trong năm 2021, tăng 22% so với năm trước đó.
Còn theo dữ liệu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố vào tháng 4/2023, Mỹ “đánh mất” 896 tác giả khoa học vào năm 2021, trong khi Trung Quốc tăng lên 3.108. Những phát hiện này hoàn toàn trái ngược với năm 2015, khi xu hướng ngược lại, với Mỹ tăng lên 2.920 nhà khoa học trong khi Trung Quốc “mất” 336 người.
Tử Huy