“Vải thiều quả ngọc cây vàng/ Cụ trồng trước nhất ở làng quê ta/ Cội nguồn một gốc sinh ra/ Triệu cây trĩu quả mượt mà xanh non...”. Đây là những câu thơ mà Nguyễn Liểu viết năm 1992 về 3 hạt vải thiều của cụ Hoàng Văn Cơm đem về ươm trồng ở quê hương Thanh Hà. Đến nay, vải thiều vang danh thế giới, thành đặc sản gần chục nghìn tỷ.

Đứng trước cây vải thiều sai trĩu cành, quả chín đỏ, ông Hoàng Văn Lượm - cháu đích tôn đời thứ 5 của cụ Hoàng Văn Cơm, thôn Thuý Lâm (Thanh Sơn, Thanh Hà, Hải Dương) tự hào cho biết, vải thiều ở Hải Dương, Bắc Giang và các tỉnh thành khác đều có nguồn gốc từ cây vải tổ cụ Cơm trồng.

Ông kể, cách đây gần 200 năm, cụ Cơm qua vùng Hải Phòng giao lưu với các thương nhân người Hoa, được ăn trái vải thấy ngon, cụ nhặt 3 hạt đem về trồng. Cả 3 hạt đều nảy mầm lớn lên thành cây, nhưng trong quá trình chăm sóc chỉ có 1 cây còn sống. Lúc cây ra hoa đậu quả, ăn thấy ngon, cụ bắt đầu chiết cành nhân giống đem tặng cho người thân, bạn bè trồng trong vườn nhà.

Cứ mỗi năm cụ lại chiết cành nhân giống một ít. Người được tặng cũng chiết cành nhân thêm để trồng. Dần dần, cả triệu cây vải được nhân ra và huyện Thanh Hà hầu như nhà nào cũng có vài cây trong vườn. Thời đó, quả vải rất quý, giá vô cùng đắt đỏ. 

Cuối những năm 1980, đầu 1990, nhà ông Lượm trồng 300 cây vải. Vào mùa thu hoạch, ông thu cả 6 tấn. Vải đến mùa ­­­thu hoạch bán giá 20.000 đồng/kg. Tiền lúc đó rất có giá nên cứ hái quả của 1 cây vải đem bán đủ tiền mua 1 cây vàng. Đây cũng là lý do dân Thanh Hà hay có câu “cây vải cây vàng”.

Còn cây vải tổ thời đó mỗi năm vẫn cho 3 tạ quả, nhiều khi sấy khô bán với giá 500.000 đồng/kg. Nếu quy ra vàng thì 1kg vải giá bằng 2 chỉ vàng. Đến nay, vải tổ đã già, quả ít hơn, được chính quyền giữ lại để bảo tồn gen.

“Gia đình tôi duy trì nghề trồng vải thiều tới bây giờ. Năm nào cũng thu đều đặn 400-500 triệu đồng”, ông Lượm chia sẻ.

Bà Hoàng Thị Thuý Hà - Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, vải thời đó đắt đến mức có người phải mua chục quả, hoặc 50 quả chứ không bán theo cân, theo chùm. Bà nhớ lại chuyện bố mình làm ở Hà Nội, một người bạn gửi 4 triệu đồng để mua vải thiều đem đi Liên Xô với giá 180.000 đồng/kg, trong khi vàng 160.000 đồng/chỉ.

“Vải có giá quá đắt đỏ, cứ cây vải cây vàng nên con gái ở làng Thuý Lâm khi đó rất đắt chồng. Bởi, khi lấy chồng, bố mẹ thường hồi môn cho vài cây”, bà kể.

Đến cuối những năm 1990, thấy giá trị cây vải cao, người dân được khuyến khích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng vải. Do đó, chỉ vài năm, Thanh Hà trở thành rừng giữa đồng bằng.

Giống vải thiều còn theo người dân Thanh Hà đi xây dựng kinh tế mới ở vùng Lục Ngạn (Bắc Giang). Ban đầu chỉ là trồng trong vườn nhà, sau đó cây vải thiều được trồng mở rộng ra toàn huyện Lục Ngạn, rồi các huyện của tỉnh Bắc Giang và nhiều địa phương khác.

Song, từ thời điểm khuyến khích chuyển đổi, quả vải thiều ở Thanh Hà giá không còn đắt như vàng ròng mà bắt đầu hạ nhiệt. Đỉnh điểm là giai đoạn 2005-2007, giá rẻ như cho, chỉ còn 2.000 đồng/kg, dân hái đem đổ bỏ.

Ông Nguyễn Đức Nhân, xã Thanh Thuỷ thừa nhận, bản thân gia đình trồng vải thiều từ những năm 1981-1982, số lượng vài chục cây. Có mùa ông thu về 30-40 triệu đồng từ loại quả đặc sản này, quy ra được cả chục cây vàng. 

“Tiền lúc đó nhiều, đời sống sung túc, nuôi các con ăn học, xây nhà cửa khang trang”, ông nói. Thấy thu nhập cao, ông mở rộng diện tích lên 2 mẫu, vải cũng bắt đầu rớt giá dần. 

Năm 2005-2006, loại quả này mất giá trị, rơi vào khủng hoảng thừa. Trên thị trường, ngoài vải ở Thanh Hà còn có vải ở Bắc Giang. Thị trường tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, họ “ăn hàng” thì được giá và ngược lại. 

“Vườn vải nhà tôi thu tới 8 tấn mà không biết bán đi đâu, giá rẻ quá. Tôi bảo vợ đi chợ mua thức ăn, mình ở nhà tranh thủ chặt hạ hơn 4 sào vải thiều để chuyển sang trồng ổi, quất. Vợ tôi về thấy vải bị chặt ngổn ngang tiếc đứt ruột vì bao công sức chăm sóc”, ông nói.

Nhiều người trồng vải từ năm 1995 với hy vọng đến ngày thu hoạch, cuộc sống gia đình sẽ được cải thiện. Song đến ngày cây cho trái sai trĩu cành, điệp khúc được mùa rớt xảy ra. Cả một gánh vải thiều chỉ bán được 80.000 đồng, không mua nổi 1 yến thóc. Người dân chán cây vải, chặt bỏ hàng loạt.

Thống kê của huyện Thanh Hà từ năm 1997 đến 2003 cho thấy, giá vải thiều giảm từ 16.000 đồng/kg xuống còn 3.800 đồng/kg, sau đó là 2.000 đồng/kg. Diện tích vải thiều toàn huyện là 6.500ha. Cuối năm 2007, dù không có số liệu vải bị chặt hạ, nhưng toàn huyện diện tích giảm 200ha so năm 2006.

Tình trạng nông dân Thanh Hà chặt cây vải thiều là hệ quả tất yếu của việc trồng ồ ạt ở nhiều tỉnh. Thậm chí ngay chính Hải Dương cũng không theo quy hoạch. Vậy nên, vấn đề thị trường tiêu thụ không sớm được giải quyết, thu nhập từ cây vải không còn hấp dẫn, thì sẽ tiếp tục điệp khúc trồng chặt.

Năm 2007, vải thiều Thanh Hà được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận sản phẩm có bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Huyện cũng bắt đầu vận động người dân chuyển đổi phương thức sản xuất nhằm nâng cao chất lượng quả vải, đa dạng hoá thị trường.

Huyện từng bước quy hoạch các vùng sản xuất vải an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thực hiện cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường.

“Cơ quan chuyên môn khi đó giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, hướng dẫn người dân chăm sóc vải theo đúng kỹ thuật”, bà Thuý Hà nhớ lại. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với tỉnh quảng bá thương hiệu vải thiều, mời gọi doanh nghiệp về liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Ông Nguyễn Đức Nhân - Tổ trưởng tổ sản xuất vải thiều phải trực tiếp tới từng gia đình vận động chuyển đổi. Mới đầu khá khó khăn vì ai cũng sợ thất bại, nhất là kiểu làm ruộng mà phải ghi chép nhật ký chăm sóc.

“Ở tổ này tôi là người làm trước. Thấy năng suất, chất lượng hơn trước, vải được các công ty thu mua giá cao, các hộ đồng ý làm theo”, ông nói.

Bà Nguyễn Thị Lụa - hộ trồng vải thiều xuất khẩu cho biết, bà trồng vải thiều đến nay đã hơn 20 năm. Năm 2008, bà trồng vải VietGAP rồi trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản.

“Trước khi chuyển đổi, tôi rất lo lắng. Khi vải của mình được mua để xuất khẩu sang Mỹ và Nhật thì tôi vô cùng tự hào. Mình đã làm được quả vải chất lượng, vào được những thị trường khó tính”, bà nói.

Đến nay, ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống là Trung Quốc, vải thiều vào được thị trường có tiêu chuẩn vô cùng khắt khe như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Singapore… Đặc biệt, khi sang Nhật Bản, quả vải thiều đặc sản còn gây sốt, liên tục “cháy hàng” dù giá bán vô cùng đắt đỏ. 

Theo ông Trịnh Văn Thiện - Bí thư huyện uỷ Thanh Hà, năm 2015 đánh dấu bước chuyển mình thành công của cây vải thiều. Bởi sau khi chuyển đổi, áp dụng kỹ thuật, giá trị kinh tế của cây vải thiều được nâng lên rõ rệt. Sản lượng tăng gấp 10 lần so với thời điểm trước 2015, chất lượng quả vải ngày càng được nâng cao. Vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ. Đặc biệt, năm nay vải còn xuất khẩu sang Trung Đông.

Năm 2021, vải thiều Thanh Hà sản lượng đạt 40.000 tấn, doanh thu từ cây vải và dịch vụ phụ trợ đạt 1.000 tỷ đồng. Năm nay, cả tỉnh thu hơn 60.000 tấn, riêng huyện Thanh Hà 44.000 tấn, ước đạt 1.500 tỷ đồng tính cả dịch vụ phụ trợ - mức cao nhất từ trước tới nay.

“Cây vải giờ giúp người dân tăng thu nhập, có thể làm giàu. Chỉ trồng vải mà có những hộ dân thu từ 300-500 triệu đồng/năm”, ông Thiện tự hào.

Ông Vũ Việt Anh - Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, nguyên Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, sau khi đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của nhiều thị trường, Thanh Hà bắt đầu làm sản phẩm chinh phục thị trường cao cấp nội địa. Trái vải thiều được đóng hộp sang trọng, phục vụ nhu cầu mua làm quà biếu của người Việt. 

Thực tế, tại một số hệ thống cửa hàng trái cây cao cấp năm nay xuất hiện sản phẩm vải thiều đóng hộp. Loại vải này có nguồn gốc từ vườn được cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản.

Khi doanh nghiệp thu hái, quả vải được tuyển chọn kỹ theo các tiêu chí vỏ mỏng, căng mọng, không sâu đầu, ăn thơm, ngọt đậm. Vải được cắt bỏ cành cuống, đưa vào dây chuyền xông hơi khử trùng rồi đóng hộp nhỏ theo trọng lượng 350g. Một hộp vải thiều to gồm 3 hộp nhỏ có giá 500.000 đồng.

Lãnh đạo huyện cũng khẳng định, thời gian tới sẽ phân khúc thị trường cao cấp nội địa. Ngoài ra, huyện đẩy mạnh làm du lịch nông nghiệp để thu hút du khách tới thăm quan, trải nghiệm ở vườn vải, biến Thanh Hà thành xứ miệt vườn ở miền Bắc. Đây cũng là cách để quảng bá thương hiệu vải thiều tới người tiêu dùng một cách nhanh nhất.

Mô hình du lịch miệt vườn vải đã manh nha mấy năm gần đây, vụ vải này chính thức đi vào hoạt động có thu phí 30.000-50.000 đồng/khách tuỳ nhu cầu. Như vườn vải thuộc Tiểu khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn ở xã Thanh Khê, ngày cuối tuần thu hút khoảng 300-400 khách du lịch, riêng khách đến cây vải tổ lên tới 1.500 lượt/ngày cao điểm.

“Trước kia chúng tôi chỉ thu được tiền bán vải. Giờ làm du lịch thì thu được cả vé thăm quan nên thu nhập cao hơn”, nhà vườn trồng vải làm du lịch ở xã Thanh Khê chia sẻ.

Trước đó, khi thăm vườn vải thiều ở Thanh Hà - cội nguồn tạo ra đặc sản gần chục nghìn tỷ đồng vang danh thế giới, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan dẫn 2 câu thơ “Vải em là vải vườn nhà / Em là con gái Thanh Hà xứ Đông”. Ông khẳng định vải thiều Thanh Hà nói riêng và nông sản Hải Dương nói chung tạo được sự lan tỏa nhất định, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bộ trưởng đề nghị Hải Dương phát triển nông nghiệp theo hướng tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Tỉnh cần có giải pháp tích hợp đa giá trị trong xây dựng thương hiệu nông sản. Trong đó, quan tâm việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, ưu tiên những nông sản thế mạnh.

"Bộ NN&PTNT cũng có chương trình hành động, cùng với tỉnh Hải Dương, đưa Thanh Hà trở thành vùng trọng điểm về trái vải, thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu gắn với du lịch sinh thái", vị tư lệnh ngành nhấn mạnh. 

Tâm An

Ảnh và clip: Đức Yên

Thiết kế: Nguyễn Ngọc