Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam, sau một thời gian phát thử nghiệm chương trình truyền hình tiếng dân tộc, ngày 10/2/2002, kênh VTV5 chính thức phát sóng chương trình đầu tiên.
Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên tại Việt Nam, đồng bào dân tộc thiểu số được xem các chương trình thiết kế riêng bằng chính ngôn ngữ của dân tộc mình trên sóng truyền hình quốc gia.
20 năm chương trình tiếng dân tộc đầu tiên lên sóng truyền hình Việt Nam |
Từ những bước đi ban đầu còn bỡ ngỡ, khó khăn, xây dựng một kênh sóng đặc thù riêng biệt, những người làm truyền hình tiếng dân tộc đã từng bước khẳng định được bản lĩnh, sức sáng tạo và niềm đam mê, tâm huyết trong việc sản xuất các chương trình phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, khán giả cả nước nói chung.
Buổi đầu thành lập, Ban Truyền hình Tiếng dân tộc chỉ có quân số vài chục người, phát sóng trên kênh VTV5 với thời lượng 6 giờ mỗi ngày bằng 14 thứ tiếng dân tộc. Đến nay, Ban Truyền hình Tiếng dân tộc có khoảng 180 nhân sự tại trụ sở chính (Hà Nội) và các văn phòng đại diện (Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên, TP.HCM, Cần Thơ), đảm nhận nhiệm vụ sản xuất, biên tập và phát sóng 24 giờ/ngày/kênh 3 kênh độc lập gồm: Kênh VTV5 quốc gia phát sóng toàn quốc; VTV5 Tây Nam Bộ phủ sóng khu vực Tây Nam Bộ (lên sóng ngày 1/1/2016) , VTV5 Tây Nguyên phủ sóng khu vực Tây Nguyên (lên sóng ngày 17/10/2016) .
Khán giả có thể theo dõi VTV5 với 26 thứ tiếng (bao gồm cả tiếng Kinh) trên các nền tảng khác nhau (truyền hình truyền thống, ứng dụng VTVgo, website VTV5, kênh Youtube, Fage VTV5 trên Facebook...).
Sau 6 năm chuyên biệt chỉ phát các chương trình tiếng dân tộc phục vụ đồng bào DTTS, từ năm 2008, Ban Truyền hình Tiếng dân tộc bắt đầu cho lên sóng chương trình tiếng phổ thông đầu tiên, đó là bản tin Thời sự…
Đây là bước đà cho những người làm truyền hình tiếng dân tộc tiếp tục làm đa dạng và phong phú kênh sóng thông qua việc mở rộng các mũ chương trình phát sóng như: Tin tức, chính luận, văn hóa - văn nghệ, phim tài liệu, phóng sự, ký sự, chương trình thiếu nhi, phim, tiểu phẩm, tiếp sóng trực tiếp các chương trình thể thao, phát sóng trực tiếp các sự kiện chính trị - văn hóa - xã hội quan trọng vùng đồng bào DTTS & miền núi….
Các chương trình tiếng phổ thông được bố trí đan xen cùng với các chương trình chuyên biệt tiếng DTTS trên sóng, đã giúp cho các kênh sóng ngày càng có sức hút lớn với khán giả.
Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh: VTV5 đã gắn bó sâu sắc với bà con các dân tộc thiểu số |
Đến nay, VTV5 đã ghi được nhiều dấu ấn nghề nghiệp thông qua các giải thưởng lớn ở các kỳ Liên hoan Truyền hình toàn quốc, các giải báo chí tầm cỡ quốc gia. Ngoài ra, đội ngũ PV, BTV của VTV5 cũng tích cực sáng tạo, đóng góp nhiều chương trình có chất lượng cao cho các kênh sóng của VTV, được đánh giá cao, như: Dân tộc & Phát triển, Sắc màu các dân tộc, Tết với đồng bào, Xuân về trong trái tim đồng bào, Phiên chợ mùa xuân, các series phim tài liệu, ký sự…
Bên cạnh hoạt động sản xuất chương trình và phát sóng, Ban truyền hình Tiếng dân tộc được giao thực hiện các dự án quan trọng: “Tăng cường năng lực sản xuất chương trình truyền hình tiếng dân tộc”, “Phủ sóng truyền hình vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”; “Nâng cao năng lực sản xuất chương trình truyền hình tiếng dân tộc”.
Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các thế hệ cán bộ, người lao động của VTV5 trong suốt 20 năm qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định: “VTV5 đã gắn bó sâu sắc với bà con các dân tộc thiểu số, cùng với các báo, đài địa phương truyền tải nhiều chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, các kiến thức, khoa học kỹ thuật… đến với bà con các dân tộc qua nhiều thời kỳ. Đây là một yếu tố hết sức quan trọng để góp phần cho bà con các dân tộc thiểu số tin tưởng theo Đảng và phấn đấu vươn lên xóa đói giảm nghèo để có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”.
PV
Độc đáo phiên chợ Cán Cấu ngày cuối năm
Cán Cấu là một trong những chợ phiên hiếm hoi còn giữ được nét hoang sơ vốn có của người dân tộc vùng cao, những ngày cuối năm phiên chợ này càng thêm nhộn nhịp.