Ngày 21/9, bác sĩ Nguyễn Thành Đô, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, cho biết trong 10 ngày trở lại đây, khoa đã tiếp nhận 13 trường hợp vào cấp cứu do bị rắn độc cắn, trong đó 3 ca bị rắn lục cắn, 10 ca do các loại rắn khác.
Một nữ bệnh nhân 56 tuổi vào viện vì bị rắn lục núi cắn vào cổ chân. Người phụ nữ này đi quanh trong nhà và dẫm phải rắn. Vị trí bị cắn sưng nề lan tỏa nhanh.
Tại bệnh viện, các bác sĩ đã cho bệnh nhân xét nghiệm máu, kết quả rối loạn đông máu tiến triển. Bệnh nhân được lau rửa vết thương, xử trí theo phác đồ rắn lục cắn và đang được điều trị, theo dõi.
Ngoài ra, 2 bệnh nhân khác cũng bị rắn lục núi cắn đều có triệu chứng sưng nề, rối loạn đông máu hết sức nguy hiểm.
Bác sĩ Đô lo lắng, nơi sinh sống là vùng địa phương chưa ghi nhận các trường hợp bị rắn lục núi cắn. Điều này chứng minh, vùng xuất hiện của các loại rắn đang có sự thay đổi.
Theo bác sĩ Đô, do vào mùa mưa bão, lượng nước dâng cao, các loài rắn thường di chuyển nhiều hơn để tìm kiếm nơi cư trú mới hoặc nguồn thức ăn như khu vườn, nhà ở, hoặc các vùng đất ngập lụt. Bên cạnh đó, những đợt mưa lớn cũng có thể tạo ra môi trường ẩm ướt, lý tưởng cho sự phát triển của các loài côn trùng - nguồn thức ăn ưa thích của rắn. Chính vì vậy, nguy cơ bị rắn cắn, đặc biệt là các loại rắn độc, đang tăng cao trong mùa mưa bão.
Để giảm nguy cơ bị rắn cắn, bác sĩ Đô khuyến cáo người dân:
- Dọn dẹp khu vực xung quanh nhà: Giữ cho khu vực xung quanh nhà ở sạch sẽ, gọn gàng. Cẩn trọng khi dọn dẹp các đống rác, cỏ dại, các vật liệu xây dựng có thể là nơi trú ẩn lý tưởng cho rắn.
- Khi di chuyển qua các khu vực có khả năng xuất hiện rắn, như vườn, cánh đồng, hoặc khu vực chưa được kiểm tra, hãy cẩn thận và sử dụng đèn pin vào ban đêm để phát hiện sớm sự hiện diện của rắn.
- Làm việc ngoài trời hoặc ở những khu vực có nguy cơ cao, hãy mặc quần áo bảo hộ như ủng cao su và quần dài để giảm khả năng bị cắn.