{keywords}

Là người Việt mấy ai không thuộc câu ca dao: "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba". Câu ca dao cho thấy ý nghĩa thiêng liêng và gần gũi của ngày giỗ Tổ Hùng Vương trong tâm thức của người Việt qua bao thế hệ.

Ngày 6/12/2012, kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra ở Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ đáp ứng được cả 5 tiêu chí của một di sản văn hóa phi vật thể thế giới quy định tại Công ước 2003 mà còn được các chuyên gia tư vấn văn hóa đánh giá rất cao về tính độc nhất của nó. UNESCO thậm chí còn khuyến khích các dân tộc khác hãy noi gương Việt Nam, biết nhớ tới cội nguồn và biết ơn tổ tiên của mình.

{keywords}

Nghị quyết của UNESCO đánh giá Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, bao gồm các nghi lễ, sản vật cung tiến, hành hương về nguồn và một loạt các hoạt động khác thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nâng cao lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng. Việc ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ góp phần công nhận tầm quan trọng của nghi lễ thờ cúng tổ tiên ở nhiều nước khác, qua đó khuyến khích cộng đồng thừa nhận sự tương đồng, đồng thời tạo điều kiện cho sự thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa.

Cùng với sự vinh danh của UNESCO, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt đã vượt ra khỏi ranh giới quốc gia để trở thành di sản văn hóa chung cần được bảo tồn và gìn giữ của cả nhân loại.

{keywords}

Trước đó, ngày 2/4/2007, Quốc Hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Không chỉ đơn thuần là một ngày nghỉ lễ, ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương chính là nhắc nhở con cháu nhớ về tổ tiên, nguồn cội, lối sống có trước có sau và cao hơn là nêu cao khối đại đoàn kết dân tộc. 

Trong thời đại 4.0, khi nhiều giá trị truyền thống có thể dần mai một đi, thậm chí biến mất vì sự lấn át của công nghệ nhưng giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là bất biến. Bởi nó là đại diện cho truyền thống uống nước nhớ nguồn đã hình thành trong tâm thức của bao thế hệ người Việt trải dài qua hàng ngàn năm lịch sử ở một quốc gia trải qua vô vàn cuộc đấu tranh gìn giữ chủ quyền.

Không chỉ nhớ ơn các vị vua Hùng, người Việt còn ghi ơn biết bao liệt sĩ đã ngã xuống vì tự do của đất nước. Truyền thống uống nước nhớ nguồn còn được tiếp nối bằng những hành động tri ân những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những gia đình có liệt sĩ đã vì độc lập dân tộc mà hy sinh xương máu. Hàng năm, ngày 27/7 chính là dịp để các thế hệ sau này ghi ơn công lao của những người đi trước.

{keywords}

Thực tế đã chứng minh ở những thời điểm đất nước đối mặt với khó khăn chính là khi tinh thần đoàn kết được nêu cao. Điều này có thể thấy ở bất cứ cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền nào của người Việt kéo dài suốt chiều dài lịch sử. Và nó đặc biệt phát huy tác dụng trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình Covid-19 suốt hơn 1 năm qua.

Trong những thời điểm đối mặt với khó khăn về cả tính mạng và kinh tế, người Việt khắp nơi, bất kể giàu nghèo, vị trí.... góp công, góp sức để chung tay giúp đỡ những đồng bào khó khăn hơn mình. Người có nhiều góp nhiều, có ít góp ít, không có của cải vật chất thì góp tinh thần để chia sẻ với dân mình. Có vô vàn những hành động đẹp như thế trong cuộc chiến chống Covid-19 gian nan vừa qua, tất cả đều bắt nguồn từ việc ai cũng ý thức mình có chung một dòng máu, một tổ tiên.

Truyền thống thờ Tổ tiên bắt nguồn từ việc biết ơn đối với cha mẹ, ông bà nên trong mỗi gia đình đều có bàn thờ gia tiên, đền thờ Tổ của dòng họ, thờ thành hoàng làng ở từng làng xã và đến cấp độ cao hơn là thờ chung một ông Tổ - Vua Hùng. Dân tộc nào trên thế giới cũng có nguồn cội của mình nhưng chỉ có người Việt Nam cùng thờ chung một ông Tổ - Vua Hùng.

Có thể nói, hiếm có nơi nào lại có được hình thức thờ Tổ độc đáo như vậy. Nó đã trở thành một hiện tượng xã hội mang bản sắc riêng của Việt Nam và góp phần tạo ra hệ giá trị tinh thần và bản lĩnh Việt Nam.

{keywords}

 

Có lẽ chính vì vậy mà người Việt luôn có được một sức mạnh đoàn kết phi thường để đương đầu với nghịch cảnh, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng tìm được cách vượt qua và vươn lên. 

Phát huy sức mạnh của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng là tập hợp được khối đại đoàn đoàn kết dân tộc. Đó cũng chính là thực hiện được lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào cả nước: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công".

Vũ Phong
Ảnh: Hoài Linh
Video: Hồng Khanh, Thu Hằng, Xuân Quý

07/12/2021 03:40