icon icon

Tiến trình hợp tác tài chính ASEAN và ASEAN+3 được hình thành từ rất sớm, lần lượt vào năm 1995 và 1997. Đây là các kênh hợp tác về tài chính sâu rộng nhất của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung. 

Năm 2020, Việt Nam đồng thời đảm nhận vai trò Chủ tịch tiến trình Hợp tác tài chính ASEAN và Đồng Chủ tịch tiến trình Hợp tác tài chính ASEAN+3 cùng với Nhật Bản.

Việt Nam đã đề xuất 13 sáng kiến ưu tiên trong khuôn khổ Trụ cột Kinh tế ASEAN, tập trung vào các lĩnh vực như thương mại, tài chính, năng lượng, công nghệ thông tin, nông nghiệp, phát triển bền vững, thống kê, du lịch, đổi mới sáng tạo…

Nằm trong Trụ cột Kinh tế ASEAN, sáng kiến ưu tiên “Tài chính bền vững trong ASEAN” do Bộ Tài chính Việt Nam đề xuất đã nhận được sự hưởng ứng của tất cả các nước thành viên. Sáng kiến này được xây dựng nhằm khuyến khích các nước ASEAN tăng cường phát hành trái phiếu theo các tiêu chuẩn của ASEAN đối với trái phiếu xanh (GBS), trái phiếu xã hội (SBS) và trái phiếu bền vững (SUS).

Bên cạnh đó, trong vai trò Chủ trì tiến trình hợp tác, Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính các nước thành viên tiếp tục triển khai các sáng kiến trong các lĩnh vực hợp tác tài chính khu vực như: Mở rộng hợp tác thuế, hải quan, tự do hóa dịch vụ tài chính, tăng cường tài chính bền vững và tiếp tục thúc đẩy tài chính cơ sở hạ tầng.

Tất cả các hoạt động hợp tác tài chính này đều hướng tới việc thực hiện các mục tiêu đã được đề ra tại Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC Blueprint 2025).

công tác hợp tác quốc tế của Hải quan Việt Nam đã có sự chuyển hóa rõ rết, từ việc tham gia thực thi cam kết, nghĩa vụ thành viên sang việc chủ động tích cực tham gia vào việc định hình cơ chế, thể chế hợp tác và luật chơi trên các diễn đàn đa phương với vai trò và vị thế ngày càng được khẳng định.

Các nhiệm vụ đề ra tại các Kế hoạch hợp tác và hội nhập quốc tế của ngành Hải quan trong giai đoạn này trên các khuôn khổ hợp tác đa phương như: ASEAN, APEC, ASEM, GMS, WCO được thực hiện đầy đủ và hiệu quả.

Điển hình như, Hải quan Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công các cuộc họp, hội nghị quan trọng, như: Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 23 (năm 2014), các cuộc họp của Tiểu ban Thủ tục Hải quan APEC (trong năm APEC Việt Nam 2017) và Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM 2019 với sự tham gia của 53 cơ quan Hải quan thành viên từ các nước châu Á và châu Âu (đây là hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước tới nay mà Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức).

Cùng với đó, Hải quan Việt Nam tích cực tham gia các chiến dịch về chống buôn lậu toàn cầu cũng như trong khu vực của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) nhằm kiểm soát các luồng thương mại bất hợp pháp. Tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các chương trình xây dựng năng lực về an ninh và thuận lợi hóa thương mại của WCO tại khu vực...

Hải quan Việt Nam không ngừng hoàn thiện cơ sở pháp lý và hạ tầng kỹ thuật để mở rộng trao đổi các dữ liệu điện tử và kết nối đến các nước thành viên trong Cơ chế một cửa ASEAN góp phần hoàn thiện Cơ chế một cửa quốc gia. Hợp tác giữa Hải quan Việt Nam và hải quan các nước khu vực ASEAN cũng được thực hiện thông qua việc triển khai hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS) nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh đi qua các nước ASEAN, trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về Tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh, thảo luận trong ASEAN về cơ chế hợp tác công nhận doanh nghiệp ưu tiên…

Mặt khác, Tổng cục Hải quan đã tăng cường hợp tác với Hải quan các nước đối tác chiến lược như: Mỹ, Anh, Italia, Nga, Hà Lan, Australia, New Zealand, Hàn Quốc… thông qua các hoạt động trao đổi, thu thập thông tin, đào tạo nâng cao nghiệp vụ và việc trao đổi đàm phán ký kết các Hiệp định, Thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác hải quan song phương.

Tự do hóa dịch vụ tài chính có vai trò quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các nước trong khu vực. 

Định hướng và mục tiêu hội nhập dịch vụ tài chính đã được ASEAN thống nhất tại Kế hoạch Hành động Chiến lược về Hội nhập tài chính đến 2025, trong đó ASEAN đặt mục tiêu tiếp tục tự do hóa dịch vụ tài chính thông qua đàm phán các Gói cam kết thuộc Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), tự do hóa hoàn toàn cung cấp qua biên giới với bảo hiểm Hàng hải, Hàng không, và Quá cảnh quốc tế (MAT), tăng cường kết nối các thị trường vốn, tăng tính thanh khoản cho thị trường vốn… Kế hoạch nêu trên đang được các nước ASEAN thực hiện đúng tiến độ. 

Các nỗ lực hợp tác của ASEAN được dựa trên Kế hoạch Hành động Chiến lược về Hội nhập tài chính đến 2025 để thực hiện mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025. Trong đó, đối với hợp tác phát triển thị trường vốn, ASEAN đẩy mạnh thực hiện các hoạt động bao gồm: Hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thị trường vốn nhằm hài hòa hóa quy định quản lý và giám sát thị trường vốn và thu hẹp khoảng cách phát triển thị trường vốn giữa các nước. 

Bên cạnh đó, các nước cũng phối hợp với các nhóm công tác chuyên ngành khác để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thị trường vốn như: vấn đề thuế đối với thu nhập từ đầu tư gián tiếp. 

Mặt khác, các quốc gia đẩy mạnh triển khai các sáng kiến để thúc đẩy phát triển thị trường vốn các nước ASEAN như: Trái phiếu xanh ASEAN; Luân chuyển người hành nghề ASEAN; Quản trị công ty; Quỹ đầu tư tập thể... Các nội dung hợp tác này sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới phù hợp với lộ trình kế hoạch chiến lược. 

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển quan trọng, có tính quyết định với kỳ vọng phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022 và 2023, tạo sức bật mạnh mẽ cho cả giai đoạn 2021-2025.

Tại các phiên thảo luận tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và định hướng năm 2023, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, lành mạnh hóa thị trường tài chính là việc cấp thiết, quan trọng cần thực hiện hiệu quả trong thời gian tới. 

Về thị trường vốn, Việt Nam đang nhanh chóng hoàn thiện quy định sửa đổi về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, chào bán, giao dịch chứng khoán riêng lẻ (cổ phiếu, trái phiếu) tại thị trường trong nước, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chính đáng.

Về thị trường bất động sản, Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) theo Nghị quyết số 50/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022; tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang khẩn trương tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng và phân loại doanh nghiệp, dự án, công trình đầu tư và vốn, tài sản nhà nước để có giải pháp cơ cấu lại, xử lý phù hợp. Rà soát phát hiện và có biện pháp xử lý các doanh nghiệp, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả. Có các giải pháp phù hợp để lành mạnh hóa tình hình tài chính, xử lý dứt điểm tồn đọng tài chính, nợ không có khả năng thanh toán và các tài sản không sinh lời trong các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp thành viên.

Nhìn chung, trong 20 năm qua, kể từ khi trở thành thành viên của ASEAN, Việt Nam đã chủ động tích cực tham gia hội nhập tài chính khu vực và WTO. Việt Nam tham gia vào các sáng kiến như: Chương trình Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN, theo đó việc đánh giá tình hình quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam phù hợp thông lệ quốc tế; trao đổi quan điểm và đóng góp ý kiến vào các khung khổ, văn kiện, tài liệu thảo luận; nghiên cứu và xem xét khả năng áp dụng các sáng kiến của ASEAN vào thị trường vốn Việt Nam trên cơ sở thực tiễn và trình độ phát triển; tham khảo và hoàn thiện thể chế, quy định quản lý và giám sát thị trường vốn Việt Nam.

Thu Hằng HP, Hoàng Giang, Trần Hằng, Thanh Hùng, Ngọc Ánh, Đức Yên

Tin nổi bật