Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 quốc gia ghi nhận số ca nhiễm và tử vong bởi Covid-19 nhiều nhất thế giới. Trong đó, Mỹ có số ca nhiễm (83.037.512) và tử vong (1.020.673) đều cao gấp đôi Ấn Độ (43.075.864 ca nhiễm và 523.803 ca tử vong). Brazil dù có số ca nhiễm ít hơn Ấn Độ (30.433.042) nhưng lại có số ca tử vong nhiều hơn (663.484).

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19, hơn 191,9 triệu ca nhiễm và 1,81 triệu ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với 147,9 triệu ca nhiễm và 1,42 triệu ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ dù có số ca tử vong tương đương châu Á (1,45 triệu) nhưng số ca nhiễm lại ít hơn (98,2 triệu). Trong khi đó, số ca nhiễm và tử vong ở khu vực Nam Mỹ lần lượt là 56,7 triệu và 1,2 triệu, châu Phi là 11,8 triệu và hơn 253.000, còn châu Đại Dương là 7,1 triệu và trên 10.000.

Bắc Kinh siết chặt hạn chế dịp nghỉ lễ 

Giới chức Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 30/4 thông báo sẽ siết chặt các biện pháp phòng dịch Covid-19 trong bối cảnh cả nước bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động kéo dài 5 ngày.

Theo thông báo được đăng trên trang WeChat chính thức của chính quyền Bắc Kinh, kể từ ngày 5/5, tức sau kỳ nghỉ lễ, người dân thành phố bắt buộc phải có xét nghiệm âm tính với virus corona để có thể lên các phương tiện giao thông công cộng hay vào các tòa nhà văn phòng, địa điểm giải trí hoặc cơ sở thể thao.

Đối với các hoạt động khác như tham dự sự kiện thể thao, đi du lịch theo nhóm, người dân cần có xét nghiệm âm tính với virus corona trong vòng 48 giờ cùng với chứng nhận đã tiêm đủ liều tiêu chuẩn vắc xin Covid-19. Theo kế hoạch, Bắc Kinh sẽ tiến hành xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho toàn bộ cư dân, bắt đầu từ ngày 3/5 tới. 

Thông thường, đợt nghỉ lễ Quốc tế lao động ở Trung Quốc, kéo dài 5 ngày, là một trong những thời điểm ghi nhận lưu lượng di chuyển đông nhất trong năm. Tuy nhiên, kỳ nghỉ lễ năm nay của nước này có vẻ ảm đạm hơn do các biện pháp phong tỏa, hạn chế của chính phủ nhằm kiểm soát làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra.

Trung Quốc sẽ thử nghiệm vắc xin kháng Omicron tại UAE

Công ty sinh học Abogen có trụ sở tại Tô Châu (Trung Quốc) hôm 30/4 thông báo, ứng cử viên vắc xin Covid-19 sử dụng công nghệ RNA thông tin (mRNA) có khả năng kháng biến thể Omicron của công ty đã được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng ở Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE).

Với thông báo trên, Abogen đã chính thức gia nhập cuộc đua cùng Pfizer/BioNTech và Moderna trong việc thử nghiệm các loại vắc xin Covid-19 đặc hữu có khả năng kháng được biến thể Omicron. Bên cạnh UAE, công ty này cũng đã liên hệ với các cơ quan quản lý ở Trung Quốc và các nước khác để thử nghiệm ứng cử viên tiềm năng của mình.

Vắc xin mRNA của Abogen, đồng phát triển với Walvax Biotechnology và một tổ chức nghiên cứu do quân đội Trung Quốc hậu thuẫn, đang được thử nghiệm giai đoạn 3 ở Trung Quốc, Mexico và Indonesia. Trong khi đó, 2 ứng cử viên vắc xin kháng Omicron khác của Sinopharm và Sinovac, đều sử dụng công nghệ virus bất hoạt, đã được thử nghiệm lâm sàng ở Hong Kong và Trung Quốc đại lục. 

>>> Cập nhật tình hình dịch Covid-19 mới nhất

Việt Anh