Ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã trao giấy chứng nhận cho Samsung mở rộng dự án thêm 920 triệu USD đặt tại Phổ Yên. Liệu đây có phải là “món quà” mừng Phổ Yên lên thành phố hay là một khởi đầu cho thấy sức hấp dẫn của một thành phố trẻ, thưa ông?

Đại hội Đảng bộ tỉnh đã xác định Phổ Yên là một cực kinh tế trọng điểm quan trọng, là động lực đầu tàu phía nam của tỉnh để tạo sức hút đầu tư, phát triển kinh tế, làm đầu tàu kéo các địa phương còn lại của tỉnh.

Không phải ngẫu nhiên mà Samsung, Saigontel và một số tập đoàn từ nước ngoài chọn Phổ Yên làm điểm đến để đầu tư. Để thu hút được các “đại bàng” đến lót ổ, trước hết là nhờ Phổ Yên có vị trí tiếp giáp với Hà Nội, Vĩnh phúc, Bắc Giang; kết nối giao thông khá thuận lợi cả đường bộ, đường thủy, đường không. Nhiều người vẫn hay ví von “sân bay Nội Bài gần như thuộc Phổ Yên” vì từ thành phố lên sân bay chỉ mất 20  - 25 phút.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh đang dồn 3.700 tỷ cùng với sự hỗ trợ 1.800 tỷ của Trung ương vào đường liên kết vùng, kết nối Bắc Giang – Thái Nguyên – Vĩnh Phúc. Trong 40km đoạn này có 33km chạy qua Phổ Yên đang giải phóng mặt bằng và dự kiến cuối tháng 4 này khởi công. Khi có con đường liên kết vùng này sẽ tạo cú hích phát triển rất mạnh, không chỉ cho Thái Nguyên mà tạo động lực cho liên khu vực và tỉnh lân cận.

Về tiềm năng và dư địa phát triển, Phổ Yên hiện có 3/6 khu công nghiệp của Thái Nguyên gồm: Yên Bình, Điềm Thụy và khu công nghiệp nam Phổ Yên. Vừa qua, Thủ tướng phê duyệt thêm khu Công nghệ cao rộng 546 ha với kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025 là 200 ha, trong đó Phổ Yên có 146 ha. Lãnh đạo tỉnh đã lựa chọn nhà đầu tư để biến khu này thành thành thung lũng silicon về công nghệ thông tin. Đây là dự án đang rất khả thi.

Tỉnh cũng đã chọn tập đoàn Saigontel làm cụm khu công nghiệp Tân Phú 1, Tân Phú 2 khoảng 154 ha và Phổ Yên đã giải phóng mặt bằng 100 ha, chỉ chờ chọn ngày khởi công.

Mới đây nhà một tập đoàn của Hàn Quốc đã đồng ý đầu tư vào dự án sân golf, khu nghỉ dưỡng vùng Hồ Suối Lạnh với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 387,55 tỷ đồng. Tập đoàn Saigontel và một số tập đoàn cũng đầu tư vào khu di tích Lý Nam Đế để phát triển thành quần thể di tích, du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, Phổ Yên được Thái Nguyên chọn là 1 trong 3 nơi xây dựng thành phố thông minh để tạo điều kiện, cơ hội đi tắt đón đầu. Hiện thành phố đã thành lập trung tâm Trung tâm Điều hành thông minh - IOC.

Với những điều kiện thuận lợi về địa chính trị, hạ tầng giao thông cũng như tiềm lực, tiềm năng hiện có của địa phương, nhất là khi lên thành phố thì Phổ Yên càng trở nên rất hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Tất nhiên chúng tôi quan tâm thu hút “đại bàng” nhưng cũng không quên “chim sẻ” như một số đại biểu Quốc hội đã phát biểu. Vì vậy, chúng tôi luôn thu hút đa dạng để làm sao các thành phần kinh tế đều được tiếp cận cơ hội, đóng góp vào sự phát triển chung của Phổ Yên.

Bên cạnh tiềm năng, lợi thế thì công tác chỉ đạo, điều hành cũng là một yếu tố rất quan trọng. Thậm chí có tiềm năng, lợi thế nhưng nếu điều hành không khéo lại cản trở sự phát triển?

Trong quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chúng tôi luôn xác định Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện. Phổ Yên vừa thực hiện nghiêm túc quan điểm đó, vừa vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương thức lãnh đạo của Đảng vào điều kiện thực tiễn nhưng không trái nguyên tắc của Đảng và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Nhờ đó, nhiệm kỳ này, công tác chỉ đạo điều hành có dấu ấn rất mạnh. Không phải tôi làm bí thư nên nói vậy nhưng thực tiễn có những thay đổi rất rõ.

Câu chuyện phát triển Phổ Yên nếu tiếp cận góc độ mờ nhạt chưa chắc năm 2022 đã được công nhận là thành phố. Phải nói là Bí thư Tỉnh ủy rất quan tâm, quyết liệt trong chuyện này và ngay sau khi có chủ trương của tỉnh, Phổ Yên đã tập trung vào phát huy nội lực của mình để biến tiềm năng trở thành cơ hội.

Những năm 2019, 2020, khi tôi mới mới lên làm Bí thư thu ngân sách chỉ 600 tỉ. Thế nhưng qua năm 2021 được lãnh đạo tỉnh ủng hộ, chúng tôi đã mạnh dạn linh hoạt, sáng tạo thì thay đổi hẳn, thu từ 600 tỷ lên 3.200 tỷ. Từ đó tạo nguồn đầu tư cho phát triển. Điều đó cho thấy, có làm được hay không cuối cùng vẫn là con người quyết định.

Trong quá trình điều hành, chỉ đạo tôi thấy nếu ban hành nghị quyết nhưng không triển khai, không kiểm tra, không giám sát thì đấy là nghị quyết suông, nghị quyết chết yểu.

Trong câu chuyện giải phóng mặt bằng ở Phổ Yên, tôi không để tồn tại tình trạng này. Tôi yêu cầu bí thư các cấp phải đứng ra triển khai theo các phương thức lãnh đạo của Đảng. Dùng công tác chính trị tư tưởng không được thì dùng công tác tổ chức; không được nữa thì làm công tác kiểm tra,…

Thế là bí thư các cấp ra tay làm, mọi việc ngon hết. Có những mặt bằng tồn tại 6, 7 năm cuối cùng các ông ra tay chỉ làm 3 tháng là xong. Tất nhiên các bí thư cũng phải bạc mặt ra chứ không phải dễ; phải lăn lộn ngày đêm, làm nhiệt huyết mới ra được chứ không phải nói một câu là xong.

Từ đó giữa 2020 – 2021 tình hình chuyển biến rất nhiều. Nếu giữ cách làm truyền thống thì Phổ Yên chưa chắc đã lên thành phố được vì quy trình rất nhiều.

Dường như tốc độ lên thành phố của Phổ Yên khá là nhanh so với nhiều đô thị khác trong cả nước?

Phải nhìn nhận là tốc độ đô thị hóa của Phổ Yên diễn ra nhanh nhưng theo chiều hướng tích cực. Năm 2014 Phổ Yên vẫn là huyện, 2015 lên thị xã loại 4, 2018 hoàn thành nông thôn mới trước 2 năm, 2019 lên đô thị loại 3 và từ 10/4/2022 chính thức lên thành phố, rút ngắn 3 năm so với kế hoạch của tỉnh.

Với tốc độ đô thị hóa này tôi cho rằng trong gần 700 đơn vị hành chính cấp huyện thì ít nơi nào nhanh như Phổ Yên.  Vấn đề là chúng tôi đi nhanh nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn. Bộ Nội vụ và Bộ Xây dựng 2 cơ quan tham mưu cho chính phủ về đô thị hóa cũng khẳng định điều này.

Đi cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh thì tốc độ phát triển của thành phố cũng phải tương ứng. Ông có lo ngại, việc phát triển nhanh như vậy có thể để lại nhiều hệ lụy về sau?

Phổ Yên luôn đặt ra các mục tiêu phát triển nhanh nhưng phải đảm bảo bền vững, có kiểm soát tốt. Mọi phát triển đều theo định hướng, quan điểm chứ không phát triển tùy tiện.

Chúng tôi vẫn quan tâm, phát triển nông nghiệp nhưng là theo hướng tiếp cận hiệu quả hơn. Cụ thể là tỉnh đã đầu tư rất nhiều tiền để quy hoạch và đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Phổ Yên với quy mô 154 ha và hiện tỉnh mới đầu tư thêm 100 tỷ nữa để đầu tư hạ tầng thu hút các nhà đầu tư tiềm năng vào đây.

Điều này cũng là theo định hướng của Đảng, nhà nước và nhân dân cũng mong muốn biến đồng đất này ra nhiều tiền của hơn.

Với tiềm năng, lợi thế chúng tôi đang có thì không thể phát triển toàn diện nông nghiệp được mà chỗ nào gam màu nông nghiệp thì bảo tồn, phát huy, đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào; chỗ nào không có tiềm năng thì chuyển sang thương mại, dịch vụ để tạo ra thu nhập lớn hơn cho người dân và thành phố.

Hơn nữa, trong quá trình phát triển, Phổ Yên đã lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch có tính ổn định và có tầm nhìn xa. Có một quy hoạch tốt thì sẽ khai thác tốt tiềm năng, lợi thế tốt.

Còn trong thu hút đầu tư, chúng tôi luôn xác định các doanh nghiệp về đây phát triển thì cũng chính là phát triển của thành phố và ngược lại khi thành phố phát triển thì cũng là mái nhà chung tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngày càng “đơm hoa kết trái”.

Nhưng quan điểm của Phổ Yên không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Điều này tôi có ý thức từ khi tôi đang làm phó chủ tịch năm 2015. Lúc đó có những nhà đầu tư đến đặt vấn đề làm nơi trung chuyển để làm thuốc trừ sâu ở Phổ Yên. Nếu chỉ thuận một chiều thu hút và thu hút bằng mọi giá, cho các ông này vào thì bây giờ ảnh hưởng đến môi trường, không xử lý được khổ lắm.

Đến bây giờ tôi vẫn giữ rõ quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc chứ không phải bằng mọi giá khiến cho môi trường tang hoang, xã hội bất bình.

Với khối lượng công việc và mục tiêu lớn như vậy nhưng phải thực hiện trong thời gian ngắn, ông cũng như lãnh đạo thành phố có gặp nhiều áp lực?

Tôi vẫn hay nói với anh em: “Những năm gần đây một trong những vất vả của chúng ta là dịch Covid-19; hai là khó khăn do Phổ Yên mong muốn. Đó là chúng ta muốn đi nhanh, đi mạnh và chúng ta muốn đi trước tải”.

Chúng tôi đã thống nhất rất cao là phải làm nhanh. Việc gì làm nhanh được, tốt cho người dân, tốt cho quê hương mà vẫn trong sức chịu được thì cố gắng làm không chờ lâu.

Cho nên khó khăn này là tự mình mang đến và mình mong muốn. Con đường này có vất vả nhưng chính anh em chúng tôi chọn và làm nổi chứ không phải là quá sức. Chúng ta gánh được 50kg có thể cố lên 55kg thì làm chứ đừng có gánh 5kg hay 10kg thì lãng phí lắm. Chính vì thế tôi đã thổi động lực vào anh em để cùng hăng say, cùng bắt tay vào làm.

Với sự quyết liệt như ông nói thì sự thay da đổi thịt của Phổ Yên cũng như đời sống của người dân trong những năm gần đây như thế nào và trong tương lai, bức tranh về thành phố Phổ Yên được đình hình như thế nào, thưa ông?

Nếu quan sát Phổ Yên một vài năm trở lại đây thì thấy bộ mặt thành phố có sự thay đổi rất nhiều thông qua phát triển kết cấu hạ tầng, từ đô thị đến nông thôn thay đổi rõ nét. Từ đó, người dân được thụ hưởng và thu hút được đầu tư, góp phần phát triển thành phố.

Nếu ai đã đến Phổ Yên trong những năm gần đây, thậm chí nhiều người nói đùa với nhau, đi xa Phổ Yên 2, 3 năm trở lại không còn nhận ra.

Điều này thể hiện rõ qua thu nhập của người dân hiện nay gấp khá nhiều lần so với mức bình quân chung. Hiện nay GDP bình quân đầu người của cả nước khoảng trên 3.000 USD, Thái Nguyên trên 4.000 USD nhưng Phổ Yên trên 10.000 USD.

Nếu trừ xuất khẩu, công nghiệp… thì thu nhập bình quân của người dân là 70 triệu đồng/người/năm.

Còn trong tương lai, theo Nghị quyết của tỉnh, thành phố hướng đến mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người là 130 triệu đồng/người. Những ngày này chúng tôi làm việc gần như quên ngày, quên đêm và không có ngày nghỉ để sớm định hình một thành phố Phổ Yên năng động, sáng tạo, hấp dẫn.

 Thu Hằng - Kiên Trung thực hiện - Thiết kế: Hồng Anh