{keywords}

Tại sao Australia không nên tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI)? Những người phản đối việc Australia tham gia BRI của Trung Quốc đưa ra các lập luận sau đây:

Thứ nhất, BRI có phạm vi chưa từng có và câu hỏi thực sự đặt ra là tính khả thi của rất nhiều dự án khi hầu hết các quốc gia trong BRI đều có xếp hạng rủi ro thể chế thấp do đó tạo ra nhiều nguy cơ lớn với đầu tư.

Thứ hai, BRI sẽ ưu tiên cho các công ty Trung Quốc. Thứ ba, thiếu sự đối ứng của Trung Quốc trong việc tiếp cận đầu tư. Thứ tư, BRI thiếu luồng đối ứng thương mại hai chiều.

Thứ năm, BRI sẽ thúc đẩy ưu thế chiến lược và kinh tế của Trung Quốc với khu vực Âu-Á và xa hơn nữa. BRI sẽ làm suy yếu các thể chế tài chính Bretton Woods và xói mòn vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực bằng cách gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Thứ sáu, quyền sở hữu nước ngoài với hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu (cầu cảng, năng lượng, đường sá) là nguy cơ tiềm tàng đe dọa an ninh quốc gia và Trung Quốc sẽ sử dụng các dự án BRI làm đòn bẩy kinh tế để tác động tới việc hoạch định chính sách của Australia.

Thứ bảy, BRI tác động bất lợi đến quyền con người và môi trường ở các nước.

{keywords}

Trong nội bộ Australia xảy ra cuộc tranh luận về việc tham gia BRI dẫn tới những thách thức an ninh và địa chính trị từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những quan ngại dẫn đến sự chỉ trích với Bắc Kinh và “thêm dầu vào lửa” khi mối quan hệ song phương có chiều hướng xấu đi.

Như đã nêu phần trước, năm 2015, chính quyền Lãnh thổ Bắc Australia đã quyết định cho tập đoàn Landbridge của Trung Quốc thuê Darwin. Quyết định này đã làm dấy lên cuộc tranh cãi gay gắt về những ảnh hưởng an ninh với sự hiện diện của Trung Quốc tại một khu vực nhạy cảm – nơi các tàu chiến Hải quân Mỹ thường ghé thăm. Ở Australia, mọi người cho rằng các công ty tư nhân và nhà nước của Trung Quốc được sử dụng vào mục đích an ninh nước này ví dụ như tình báo.

Những quan ngại an ninh qua việc cho thuê cảng Darwin lập tức dẫn tới việc xem xét lại đầu tư nước ngoài vào hệ thống cơ sở hạ tầng trọng yếu. Uỷ ban đánh giá Đầu tư nước ngoài (FIRB) chỉ thị các bang và vùng lãnh thổ Australia giờ đây phải được sự chấp thuận của chính phủ trước khi bán cơ sở hạ tầng quan trọng cho người mua nước ngoài.

David Irvine, cựu lãnh đạo Tổ chức An ninh Tình báo Australia (ASIO), nguyên Đại sứ tại Trung Quốc, được bổ nhiệm là Chủ tịch FIRB để đảm bảo rằng các ảnh hưởng an ninh sẽ được cân nhắc trong lĩnh vực đầu tư và quyền sở hữu nước ngoài với hệ thống cơ sở hạ tầng trọng yếu như mạng lưới điện hay viễn thông.

Ngày 7/8/2018, trong một diễn biến dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc, nội các Australia tuyên bố cấm các công ty Trung Quốc tham gia Mạng lưới 5G của nước này. Bộ Quốc phòng cũng đưa ra lệnh cấm với ứng dụng WeChat và các điện thoại do Huawei sản xuất.

{keywords}

Tổ chức An ninh Tình báo Australia trong báo cáo thường niên 2016-2017 cho biết: “Chúng tôi đã xác định có những cường quốc nước ngoài đã tìm cách định hình ý kiến của các thành viên trong chính quyền, tổ chức truyền thông và cả người dân để thúc đẩy những mục tiêu chính trị của họ. Các cộng đồng dân tộc và tôn giáo tại Australia cũng là đối tượng hướng tới để giảm bớt sự chỉ trích của họ với các chính phủ nước ngoài”. Ở Australia, nhiều người cho rằng tuyên bố này nhắm vào Trung Quốc.

Tháng 5/2017, Dennis Richardson, cựu Bộ trưởng Quốc phòng nói rằng, Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động tình báo chống lại Australia và nỗ lực gây ảnh hưởng với truyền thông.

Năm 2017, thượng nghị sĩ Công đảng Sam Dastyari từ chức khỏi Quốc hội sau khi bị phát hiện đã nhận tiền quyên góp từ một doanh nhân người Trung Quốc để đổi lấy việc ủng hộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Vào tháng 6/2018, Quốc hội Australia ban hành luật áp dụng hình phạt nghiêm với hoạt động gián điệp nước ngoài và can thiệp nội bộ. Trung Quốc coi đạo luật này là cố tình nhằm vào các quan chức và công dân Trung Quốc. Đây vẫn là hòn đá tảng trong quan hệ song phương.

{keywords}

Tháng 11/2017, Chính phủ Australia công bố Sách Trắng Đối ngoại. Sách Trắng bày tỏ lo ngại rằng, Trung Quốc - nước đã ký Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) - lại theo đuổi một chính sách 3 không: không công nhận, không tham dự và không tuân thủ - phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Sách Trắng 2017 mô tả các tranh chấp ở Biển Đông là “đường đứt gãy lớn” trong khu vực và nhấn mạnh, Australia “đặc biệt lo ngại đến tốc độ và quy mô chưa từng có về các hành động của Trung Quốc và phản đối việc sử dụng những thực thể tranh chấp cũng như các cấu trúc nhân tạo ở Biển Đông cho mục tiêu quân sự”. Australia đặc biệt lo ngại khi các báo cáo tình báo năm 2018 xác nhận rằng, Trung Quốc lắp đặt hệ thống tên lửa chống hạm và đất đối không ở các đảo nhân tạo mà họ chiếm giữ trái phép.

Năm 2018, sự đầu tư và ảnh hưởng của người Trung Quốc lan rộng tại Papua New Guinea, quần đảo Solomon, Vanuatu và Fiji - trở thành tâm điểm tranh cãi giữa Australia và Trung Quốc, đặc biệt là với các báo cáo nói rằng Trung Quốc đang tìm cách tiếp cận những căn cứ hải quân. Điều đó khiến Australia và Pháp tính đến hợp tác chung ở Nam Thái Bình Dương để bảo vệ các lợi ích quốc gia của họ.

{keywords}

Tháng 8/2018, Scott Morrison thay thế Malcolm Turnbull làm Thủ tướng và sau đó đắc cử trong cuộc bầu cử quốc gia tháng 5/2019. Có một số lập luận trong giới phân tích cho rằng, việc thay đổi lãnh đạo của Australia sẽ dẫn đến khả năng tái lập quan hệ với Trung Quốc.

Nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán cuối năm 2019 lại khoét sâu thêm ngăn cách giữa Canberra và Bắc Kinh.

Tháng 2 năm nay, Australia khiến Bắc Kinh nổi đóa khi áp dụng lệnh cấm du lịch đối với du khách và sinh viên đến từ Trung Quốc. Sau đó, lời kêu gọi của Thủ Morrison thực hiện một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch Covid hồi tháng 5 khiến Bắc Kinh ‘đứng ngồi không yên’. Trung Quốc tung ra “các chiến lang” (chỉ các nhà ngoại giao Trung Quốc chuyên bênh vực cách xử lý đại dịch của Trung Quốc) để đối phó với Australia. Khi các bộ trưởng Australia tìm cách tiếp cận với những người đồng cấp Trung Quốc thì họ đều bị từ chối.

Trung Quốc đã liên tục đe dọa và cuối cùng là áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với Australia. Họ áp thuế cao với sản phẩm lúa mạch và cấm dần các nhà xuất khẩu thịt bò. Sau đó Bắc Kinh đưa ra khuyến cáo đi lại để ngăn cản du khách Trung Quốc tới Australia. Và trong một hành xử được coi là gây tổn thất kinh tế khá lớn, Bộ Giáo dục Trung Quốc khuyên sinh viên cân nhắc “mức độ rủi ro” và “thận trọng” khi tới Australia với viện dẫn là sự gia tăng của nạn phân biệt chủng tộc với người châu Á do đại dịch bùng phát.

Thủ tướng Morrison bác bỏ các cáo buộc của Trung Quốc và khẳng định rằng, Australia “không làm gì để phương hại đến mối quan hệ quốc gia với Trung Quốc”. Ông cũng nhấn mạnh rằng, Australia sẽ chọn tự chủ quốc gia thay vì lợi ích kinh tế.

Vào ngày 16/6, Ngoại trưởng Maris Payne trong bài phát biểu tại Trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc tiến hành một chiến dịch thông tin giả. Payne khẳng định tuyên bố của Trung Quốc về nạn phân biệt chủng tộc ở xứ chuột túi là không có thật và đó là một phần của chiến dịch thông tin giả đã nêu.

Quan hệ song phương Trung Quốc và Australia khó có thể cải thiện trong ngắn hạn ngay cả khi Tổ chức Y tế thế giới bắt đầu một cuộc điều tra công bằng về nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Đó là bởi Australia bấy lâu quan ngại về những tác động địa chính trị trong sự trỗi dậy của Trung Quốc, về sự can thiệp của Trung Quốc vào nội bộ Australia, việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và tiếp tục “lách” luật pháp quốc tế.

Carl Thayer - Chuyển ngữ: Thái An - Quỳnh Anh - Thiết kế: Phạm Luyện

Trung Quốc - Australia: Đối tác chiến lược thành đấu khẩu và đòn thù thương mại

Kỳ 1: Trung Quốc - Australia: Đối tác chiến lược thành đấu khẩu và đòn thù thương mại

Quan hệ song phương giữa Australia và Trung Quốc trở nên rất căng thẳng. Các bộ trưởng Trung Quốc từ chối nhận điện thoại từ những người đồng cấp Australia để giải quyết vấn đề.