Còn tại Hà Nội, nhiều ý kiến cũng đang băn khoăn về việc mở rộng áp dụng mô hình này. 
 
Mô hình căn hộ trị giá 100 triệu đồng được thực hiện tại tỉnh Bình Dương. Với diện tích sàn 20m2, cộng với gác lửng 10m2, hơn 5000  căn hộ như thế này đã và đang được bán cho các công nhân tại đây. Còn ở Hà Nội, theo các chủ đầu tư, đặc biệt là những đơn vị đã và đang thực hiện các dự án nhà ở xã hội, việc áp dụng mô hình của Bình Dương, trên lý thuyết là có thể thực hiện nếu có được quĩ đất sạch.
 
Ông Trần Đức Diễn, Giám đốc công ty bất động sản Max cho biết, nếu chỉ có giá trị xây dựng thì nó sẽ không cấu thành đủ giá trị sản phẩm mà còn cần phải có cả chi phí khác nữa như hạ tầng giao thông. Nếu như toàn bộ những cái chi phí đấy nó được cơ quan chức năng hỗ trợ thì hoàn toàn có thể xây dựng được tại Hà Nội.
 
Theo đánh giá, để hạ thấp được giá trị của sản phẩm bất động sản, vị trí xây dựng các dự án nhà ở xã hội cần phải nằm xa khu vực trung tâm, tuy nhiên thì việc kết nối từ các khu vực  này với nội đô đến thời điểm hiện tại là chưa hoàn thiện. Điều này đã dẫn tới thất bại của một số dự án nhà ở xã hội từng được triển khai thời gian trước.
 
Như vậy, việc lựa chọn vị trí xây dựng các căn hộ giá rẻ như trên là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần đảm bảo các dự án nhà giá rẻ vẫn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về hạ tầng để phục vụ nhu cầu của người dân.

Phát triển căn hộ 100 triệu tại Hà Nội: Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ

 
Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc điều hành công ty cổ phần Thanh Bình cho rằng, chúng ta nên quy hoạch những cái khu nhà đấy nó nằm trong các khu công nghiệp của Hà Nội. Những cái diện tích đấy mình để ở diện tích tối thiểu nhưng mà không được quá bé, đồng thời nó phải có cái tiện ích về hạ tầng. Đầu tiên nó giải quyết cái chỗ chui ra chui vào cho người dân là cái đáng quý. Nhưng về lâu dài khi mà không đáp ứng được cái hạ tầng như trường học hay là sân chơi rồi tiện ích thì nó sẽ xuống cấp rất nhanh.
 
Trên thực tế, kể từ thời điểm gói tín dụng 30 nghìn tỷ dừng triển khai, nguồn vốn dành cho người dân vay mua và thuê mua nhà xã hội gần như bị đóng băng. Chính vì vậy, bên cạnh việc lựa chọn phương án triển khai các căn hộ giá rẻ, việc khơi thông nguồn tín dụng hỗ trợ cho các dự án này cũng cần được triển khai ngay.
 
Khi mà cái gói tín dụng hỗ trợ của chính phủ kết thúc thì cái tiếp cận của người dân tới các dự án nhà ở xã hội gần như về bằng không, bởi vì những người mua nhà xã hội họ có thu nhập rất thấp và họ cần phải có cái hỗ trợ tín dụng một cách cố định trong thời gian dài thì mới có thể mua được nhà. Chúng tôi cũng rất mong nhà nước có một cái chính sách cụ thể về vấn đề này, bởi vì nó gần như là cái yếu tố quyết định đến việc người dân có mua được nhà hay không. Ông Đinh Thế Quỳnh, Phó tổng giám đốc công ty cổ phần bất động sản Hải Phát cho hay.
 
Theo Bộ Xây dựng, việc phát triển nhà ở xã hội đến thời điểm này là chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, khi mà trong năm 2016, cả nước chỉ phát triển thêm được khoảng 0,5 triệu m2 nhà ở xã hội khu vực đô thị, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội đạt khoảng 3,3 triệu m2.
 
Đầu năm 2017, thủ tướng chính phủ cũng vừa có chỉ thị số 03, trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển xây dựng nhà ở xã hội, đảm bảo đạt được mục tiêu đã đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
 
Với việc nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng thuộc diện chính sách là rất lớn, cùng với đó là những thành công đã được kiểm chứng ở Bình Dương, đây có thể xem là cơ sở để Hà Nội cũng như Tp Hồ Chí Minh nghiên cứu áp dụng mô hình căn hộ nhà xã hội giá rẻ trong tương lai.
 
Theo ANTV