Đây là những vấn đề đặt ra trong cuộc trò chuyện giữa VietNamNet với TS Phạm Thị Ly. TS Ly là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu (Viện Đào tạo Quốc tế - ĐHQG TP.HCM) và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục ĐH của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
"Bức xúc với giáo dục đã tới hạn"
Nhà báo Lê Hạnh: Quan sát và theo dõi biến động của giáo dục trong năm 2015, chị thấy nổi bật lên điều gì?
TS Phạm Thị Ly: Tôi thấy giáo dục đang chuyển động mạnh. Điều nổi bật đáng chú ý là sự tham gia ý kiến của công luận vào những chính sách mới trong giáo dục.
Có nhiều ví dụ cho việc này, như vấn đề tuyển sinh, môn Lịch sử, phong giáo sư ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng, sự kiện anh Doãn Minh Đăng, hayTrường ĐH Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội mở ngành y dược.
Những điều này có ý nghĩa gì? Chân lý không phải bao giờ cũng thuộc về đám đông, nhưng chắc chắn là mạng truyền thông xã hội đã khiến giới quản lý phải thận trọng hơn nhiều khi ban hành chính sách và ra quyết định.
Những ồn ào đó cũng đặt ra những vấn đề để các bên phải nhìn lại, trong đó có vấn đề tăng cường chất lượng của truyền thông giao tiếp.
Những bức xúc mạnh mẽ phản ánh một điều là, dường như sức chịu đựng của người dân với những bất cập trong giáo dục đã tới hạn, trong lúc niềm tin đối với sự nghiệp đổi mới chưa được hình thành.
Vì thế nhiều người đã phê phán như một quán tính, phê phán mà không dựa trên chứng cứ đáng tin cậy nào cả.
Tại hội thảo do Viện Nghiên cứu Giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP HCM) tổ chức đầu tháng 12 vừa rồi, các chuyên gia giáo dục đưa ra nhận xét: Điều kiện và hoạt động sư phạm, giáo dục hiện nay theo cơ chế “3 độc” (độc quyền, độc bản, độc đạo"). Có phải xóa bỏ những thứ "độc" này mới là "mấu chốt" của đổi mới giáo dục?
Xóa bỏ sự độc quyền là điều rất quan trọng nhưng chưa đủ.
Thị trường giáo dục chủ yếu là thị trường của lòng tin, vì vậy trên thị trường giáo dục hiện nay, người học là một thứ người mua rất dễ bị tổn thương nhưng nhà nước đang có rất ít cơ chế bảo vệ họ. Tuy vậy, nhà nước không thể bảo vệ tốt cho người học nếu chỉ dựa trên những quy định cấm đoán đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo sư phạm.
Nhà nước cần khích lệ “xã hội hóa” theo đúng ý nghĩa của từ này, tức không phải đơn thuần là trút gánh nặng tài chính lên vai người dân, mà là tạo điều kiện cho mọi thành phần xã hội đóng góp công sức, trí tuệ, ý tưởng, nguồn lực vào sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Chấp nhận một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là một ví dụ. Điều này nói lên rằng Bộ GD-ĐT đã sẵn sàng chấp nhận sự đa dạng, và đó là một điều cực kỳ quan trọng mà xã hội nên ghi nhận. Phải có sự đa dạng đó thì chúng ta mới có hy vọng giáo dục tiến tới gần hơn đòi hỏi của cuộc sống.
Tuy vậy, chúng ta kỳ vọng là cơ quan quản lý làm tốt hơn việc bào vệ người học bằng những thiết chế giúp bảo đảm chữ tín của các trường. Các trường có thể tuyên bố thứ gì tùy thích, miễn là họ có khả năng chứng minh những lời tuyên bố ấy là đúng sự thật.
Thách thức lớn nhất: Thay đổi cách tư duy
Giáo viên phổ thông phản ứng rất mạnh với đổi mới. Điều này làm cản trở hay giúp phản tỉnh quá trình đổi mới giáo dục?
Cả hai. Phản ứng đó cho thấy họ chưa sẵn sàng thay đổi cách nghĩ, cách làm, và nhất là chưa có động lực bước ra khỏi lối mòn xưa nay.
Điều này cũng dễ hiểu, vì chính bản thân họ đã được nuôi dạy trong cái lối mòn giáo dục nhồi nhét và áp đặt, họ đã quen với nó như chúng ta quen với bầu không khí ta đang thở mỗi ngày.
Khó nhất là thay đổi cách tư duy, thay đổi quan niệm. Nó chắc chắn là một thách thức to lớn cho quá trình đổi mới, nhưng nó cũng là dấu hiệu cho thấy cái mới mà chúng ta đang muốn thực hiện, thực sự là khác biệt so với những gì chúng ta đang làm và đang có.
Khác biệt thì có thể là xấu hơn hay tốt hơn cái hiện tại. Về nguyên tắc thì trả lời câu hỏi cái khác biệt mà chúng ta dự định áp dụng là tốt hơn hay xấu hơn cái hiện tại, không phải là khó. Khó hơn nhiều là việc áp dụng cái mới ấy vào thực tế. Chúng ta từng chứng kiến có những điều rất bình thường ở nơi khác, khi áp dụng vào thực tế Việt Nam thành ra khó khăn và có thể biến dạng như thế nào.
Vì vậy, không nên đánh giá thấp những cản ngại về mặt thay đổi tư duy của giáo viên.
Phản ứng mạnh của giới giáo viên là một hồi chuông cảnh tỉnh để các nhà quản lý, giới làm chính sách có những bước đi thận trọng và hợp lý, và đặc biệt là phải chú trọng công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận.
Cái quan trọng nhất của truyền thông là lời nói phải đi đôi với việc làm, nhất là trong bối cảnh lòng tin của mọi người đã bị xói mòn khá nhiều.
Lòng tin là một thứ tài sản hữu hạn, khi nó đã cạn thì làm cho nó đầy lại là rất khó.
Các chính sách giáo dục trong năm vừa qua cũng gây bất ngờ tới nhiều phụ huynh. Phải chăng, những thay đổi trong năm 2015 chưa được thực hiện trên những cơ sở khoa học vững chắc, có tầm nhìn, với phương thức triển khai khoa học, thận trọng và đứng trên quyền lợi số đông nên mới gây ra phản ứng như thế?
Khó mà kết luận về tất cả những hiện tượng ấy chỉ trong một nhận định. Phản ứng mạnh mẽ của công luận trước những thay đổi nói trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, mặc dù với một vài hiện tượng, thì có thể là như bạn nói.
Là những người ủng hộ đổi mới, chúng tôi đánh giá cao quyết tâm tạo ra thay đổi của Bộ GD-ĐT, đồng thời tin rằng chúng ta có thể làm tốt hơn rất nhiều, nếu cải thiện cách thức thực hiện.
Hai điểm quan trọng có thể cải thiện được ngay là xây dựng cơ chế tham vấn đối thoại và tổ chức truyền thông chuyên nghiệp
Một số chính sách được đưa ra thiếu tham vấn chuyên gia cho nên bộc lộ những thiếu sót bất cập đáng lẽ có thể tránh.
Chúng ta cần nhấn mạnh vai trò của các chuyên gia độc lập. Lý do là vì giáo dục động chạm tới hàng triệu gia đình và có liên quan tới nhiều bên khác nhau, trong đó có những nhóm lợi ích. Vai trò của các chuyên gia độc lập là đưa ra những nhận định khách quan.
Sẽ chẳng bao giờ có quyết định nào làm hài lòng tất cả các bên trong một vấn đề liên quan tới rất nhiều bên như vấn đề đổi mới giáo dục.
Vì vậy chúng ta phải chấp nhận ít nhiều rủi ro và va vấp bước đầu để có thể tạo ra thay đổi.
(còn tiếp)
Lê Hạnh (Thực hiện)
Clip: Đức Yên - Huy Phúc - Xuân Qúy