XEM CLIP:
Ghi nhận của PV.VietNamNet ngày 10/1, tại các chợ như Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), chợ Bắc Mỹ An, Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn), chợ An Hải Đông (quận Sơn Trà), chợ Đống Đa (quận Hải Châu) dù đang là dịp cao điểm mua sắm Tết nhưng các quầy hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm,... gần như không có khách.
Tại chợ Hòa Khánh, các quầy, ki ốt bán giày dép, quần áo lác đác vài khách đi xem. Ế ẩm, tiểu thương ngồi lướt điện thoại, tám chuyện. Thậm chí, nhiều tiểu thương đành treo bảng sang lô, nghỉ bán.
Bà Thanh Nga, chủ 2 ki ốt mặt tiền khu A bán giày dép ở tầng 2 chợ Hòa Khánh, cho biết, 3 ngày qua bà chưa được khách nào mua mở hàng. Mọi năm vào thời điểm này, người mua tấp nập không có thời gian nghỉ. Bà nhận xét, chưa bao giờ việc bán hàng lại lâm cảnh bi đát như vậy.
"Dọn hàng ra từ sáng đến giờ vẫn chưa bán được món gì nên tôi đóng ki ốt nghỉ sớm. Cứ tình hình này thì bao nhiêu vốn cũng mất hết. Tôi đã treo biển sang bớt một lô nhưng chưa ai hỏi", bà Nga nói.
Cách đó không xa, chị Trần Thị Mộng Hiếu (37 tuổi) mở cửa từ sáng đến gần 11h mới bán được một đôi dép 50.000 đồng. Chị Hiếu vừa nhập hàng về bán Tết nên đang nợ hơn 300 triệu đồng tiền hàng, số này đến cuối năm phải thanh toán.
“Những năm trước thời điểm này một mình tôi bán không kịp, phải thuê thêm nhân viên. Song, năm nay khách vắng bóng. Hàng để lâu thì lỗi mốt, nhập hàng mới về lại ôm thêm nợ vì vốn liếng chôn theo hàng. Ế ẩm, không có khách, ngồi bán nóng cả ruột. Tôi lo đến cuối năm không biết lấy tiền đâu để trả nợ”, chị Hiếu thở dài.
Theo chị Hiếu, đa số tiểu thương tại chợ Hòa Khánh phải nợ tiền chủ hàng khi nhập hàng về bán Tết. Họ đều chung nỗi lo hàng không bán được, phải ôm nợ. Nhiều tiểu thương cầm cự không nổi, muốn sang nhượng lại ki ốt nhưng cũng không có người hỏi nên đành đóng cửa.
Cũng theo các tiểu thương, nguyên nhân ế ẩm không chỉ do kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, mà họ đang phải cạnh tranh khốc liệt với những người bán hàng online.
Theo Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, hoạt động bán buôn hàng hóa trên địa bàn TP tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá chưa được cải thiện.
Trong tháng 12/2023, tổng mức bán buôn hàng hóa ước đạt 12.622 tỷ đồng, tăng 7,5% so với tháng trước nhưng giảm đến 10,2% so với tháng cùng kỳ. Cộng dồn cả năm 2023, tổng mức bán buôn hàng hóa ước đạt 132.459 tỷ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ.