Đó là lúc mọi người, mọi nhà thu dọn thật sạch sẽ từ trong nhà ra ngoài ngõ, sơn sửa nhà cửa, lau chùi bàn ghế, sửa soạn thức ăn; vứt bỏ mọi thứ xui xẻo, tống tiễn những khó khăn vất vả năm cũ và dành chỗ cho những may mắn tốt đẹp sắp đến trong năm mới.

{keywords}
Tái hiện nghi lễ Tống cựu nghinh tân” tại Hoàng Thành Thăng Long.

Theo truyền thống, các nghi lễ truyền thống trong cung đình xưa, mở đầu cho chuỗi nghi lễ được nhà vua và triều đình thực hiện trong dịp Tết Nguyên Đán, diễn ra từ cuối tháng Chạp đến rằm Tháng Giêng bao gồm việc thực hiện lần lượt các tục lệ cổ, gồm có: Lễ ban sóc, phất thức; lễ cúng ông Công, ông Táo, thả cá chép và lễ dựng cây nêu. Đây là các nghi thức được nhiều đời vua tại Hoàng thành Thăng Long thực hiện mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Lễ ban sóc, phất thức:

Ban Sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm Âm lịch. Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, nên quyển lịch đối với đời sống con người có ý nghĩa rất đặc biệt: xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ, xem lịch để biết sự thay đổi tiết trời mà ứng phó, phòng tránh thiên tai. 

Lễ Ban Sóc được tổ chức quy mô vào đầu triều Minh Mạng. Hằng năm, sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức lễ Ban Sóc dưới sự điều hành của hai viên ở bộ Lễ và Khâm Thiên Giám. Lịch được tiến vào Hoàng cung để cho Hoàng gia dùng, lịch được phát cho các quan ở Kinh thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng. 

Lễ cúng ông Công, ông Táo, thả cá chép:

Theo phong tục của người Việt, vào 23 tháng Chạp hằng năm, ngoài mâm cỗ cúng ông Công ông Táo, các gia đình sẽ chuẩn bị cá chép để thả ra sông, hồ.

Người xưa quan niệm rằng, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân sẽ cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong năm qua.

Đêm Giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình. Bởi thế, cứ đến ngày Tết ông Công ông Táo, trong mâm cúng của người Việt không thể thiếu cá chép.

Về tục lệ này, Thượng tọa Thích Đức Thiện -  Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, cho biết:

‘Theo tín ngưỡng dân gian, sau khi cúng bái xong, cá chép được mang ra thả ở sông, hồ đưa các Táo lên Thiên đình báo cáo để Thiên đình định đoạt công tội cho tất cả loài người.

Tuy nhiên, theo giáo lý nhà Phật, hành động thả cá chép mang ý nghĩa phóng sinh. Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, mà còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam’.

Lễ dựng cây nêu: 

Theo tài liệu văn hóa dân gian, cây nêu ngày Tết mang triết lý âm dương, qua hai chữ Càn (Trời) và Khôn (Đất) nằm trong hình ảnh cái nón và cây gậy của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Nó bao hàm sự thống nhất và tương trợ giữa Âm và Dương hay sự không tách rời giữa Động và Tĩnh… cây nêu còn gắn với truyền thuyết dân gian ngăn ngừa không cho quỷ ở biển Đông vào đất liền, bén mảng tới nơi con người cư trú làm ăn, sinh sống. Theo thời gian, từng địa phương phong tục, tập quán ở mỗi dân tộc, ý nghĩa của trồng cây nêu ngày Tết trải rộng hơn, đa dạng hơn.

Thời gian dựng cây nêu cũng khác, người Kinh dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, để ngăn ngừa ma quỷ tới quấy rầy gia chủ trong những ngày ông Công - ông Táo lên chầu trời. Một số dân tộc khác như Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái lại trồng cây nêu vào chiều 30 tháng Chạp âm lịch. Người Mông dựng cây nêu trong lễ hội Gầu tào từ ngày 3 đến ngày 5 tháng Giêng âm lịch, ngày 7/1 âm lịch là ngày hạ nêu, đồng bào dân tộc Sán Dìu dựng cây nêu trong lễ Cầu mùa. Ngoài ra cây ném trong hội lồng tồng, cây pồn pông của người Mường, cây đâm trâu của người dân tộc ở Tây Nguyên đều là những hình thức biểu hiện của cây nêu.

Trong triều đại quân chủ ở Việt Nam, tục dựng cây nêu đã đưa vào Hoàng cung và sử dụng như một phong tục, điển chế của triều đình. Theo các tài liệu Châu bản triều Nguyễn về Tết Nguyên đán trong Hoàng cung triều Nguyễn, trong suốt 143 năm tồn tại, tục lệ dựng cây nêu được duy trì hằng năm. Theo đó, trong ngày 30 Tết, Hoàng cung diễn ra các nghi lễ thiêng liêng, với ý nghĩa tống tiễn điều xấu năm cũ, đón điều tốt đẹp của năm mới. Lễ xong triều đình làm lễ Thượng tiêu (dựng cây nêu), ngọn nêu treo ấn, tín, văn phòng tư bảo hình tượng việc phong ấn để triều đình nghỉ ngơi. Khi thấy trong Hoàng cung dựng cây nêu người dân cũng theo đó dựng nêu, đón Tết. Lễ Hạ tiêu diễn ra vào ngày mồng 7 tháng Giêng, khi tổ chức Thượng tiêu và Hạ tiêu có đại nhạc, tiểu nhạc và các nghi thức trang trọng khác.

Hồng Liên

Ảnh: Hoàng Hiệp