Vợ tôi có cái tên của một loài hoa dân dã: Lý. Loài hoa mà tôi rất thích ngửi cái ngan ngát dịu dàng vào mỗi sớm mai và thích được ăn trong những bữa trưa hè nắng nồng. Hoa thiên lý, với tôi, nấu kiểu gì cũng ngon: xào tỏi, nấu canh cua hay đơn giản là trần qua cùng mấy cọng rau rút xanh nõn chấm nước mắm tỏi ớt.

Sau khi cưới và có con, vợ chồng tôi sống ở Hà Nội. Một năm hai lần chịu cảnh vợ chồng Ngâu: chồng ở lại Hà Nội, vợ về Thái Bình. Đó là dịp con nghỉ hè và dịp nghỉ Tết.

Mẹ vợ tôi ngày đó có một gian bán hàng tạp hoá, còn gọi là hàng xén, trên chợ huyện. Vào dịp Tết, hàng bán chạy lắm, thu nhập nhiều khi bằng cả năm nên phải sang bớt hàng cho con cháu bán đỡ.

Dịp Tết năm nào vợ tôi cũng phải ôm con về trước cả chục ngày khiến vợ chồng xa cách. Ngày đó tuổi còn trẻ, sức đang hăng, tình còn nồng nên chỉ cách mặt một ngày đã ra nhớ vào mong.

Vợ chồng tác giả ngày trẻ

Ngày chen chúc ô tô để gặp lại vợ con vì thế bao giờ cũng là ngày hạnh phúc. Ngồi trên xe khách qua phố huyện thấy vợ đang nghiêng nón bán hàng là tim tôi đã đập xốn xang.

Lần đó tôi đi xe khách về thị xã nhưng bị nhỡ mất chuyến xe từ thị xã về huyện nên đành tìm đến người chú quen đằng vợ nhà ngay thị xã để nhờ vả.

Chú bảo: ”Trời tối hết xe rồi, thôi ngủ đây, sáng mai chú mua vé cho về chuyến sớm”. Tôi nghe mà buồn hết chỗ nói. Ở lại đây một đêm là xa vợ thêm một đêm. Thấy mặt tôi rầu rĩ chú bảo:”Hay lấy xe đạp của chú đạp về. Từ đây về đấy chỉ khoảng ba chục cây chứ mấy”.

Với thanh niên nông thôn chuyện đạp xe mấy chục cây trong đêm là chuyện thường. Nhưng với thằng con trai Thủ đô như tôi, đường sá không thuộc, lại can tội sợ ma thì đây là một thử thách lớn. Ngần ngừ một tý rồi tôi quyết định đạp xe về.

Trời tối và cái lạnh thấu da của đêm giáp Tết không làm tôi ngại nhưng một mình lùi lũi đạp xe trên con đường đá dăm lồi lõm, vượt qua những nghĩa địa lập loè đầy đom đóm, nghĩ lại, tôi vẫn sởn gai ốc. Đây có lẽ là chiến công duy nhất về lòng dũng cảm mà tôi đã được thể hiện ít nhất một lần trong đời.

Về đến nơi, cả nhà đều hân hoan nhất là cô vợ trẻ. Tôi vào bếp bê nồi nước lá mùi ra giếng rồi che cái nong, múc nước cho vợ tắm. Chềnh chàng cơm nước mãi rồi cũng đến lúc tôi được chui vào cái phòng nêm chật ních đồ hàng xén, ôm vợ trên chiếc giường đệm thơm mùi rơm nếp, hít hà hương lá mùi từ vợ. Đấy có lẽ là thời mặn nồng nhất của tình vợ chồng dẫu đấy là thời đầy gian khó.

Vợ chồng tác giả

Cặp vợ chồng trẻ ngày đó giờ đã thành những ông già, bà cả. Thời hương lửa mặn nồng đã qua từ lâu nhưng họ vẫn bên nhau dù ông nằm một phòng, bà ngủ một phòng.

Những hôm nghe tiếng bà kêu vì bị chuột rút ông lật đật dậy lấy đá chườm chân cho bà. Những lần nghe tiếng ông kêu ú ớ vì bị bóng đè bà lại tất tả chạy sang đập cho ông tỉnh dậy. Nhưng hễ cứ thức là lại chành chọe nhau như chó với mèo. Ông nói chưa xong, bà đã cãi xong. Nhiều khi cũng ngán ngẩm. Nhưng ở tuổi này, con cái phương trưởng ra ở riêng cả, chỉ hai thân già nhìn nhau không cũng buồn. Cãi nhau âu cũng là niềm vui.

Xét cho cùng, “hạnh phúc không phải là cả đời không cãi nhau mà là cãi nhau rồi vẫn có thể ở bên nhau cả đời”.

Hùng Lý (từ Berlin, Đức)

Mời độc giả gửi bài Chuyện Tết xưa - Tết nay về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn