Tôi tìm đến địa chỉ nhà ông một chiều cuối tuần ở phố Giảng Võ nhưng chủ nhà lại đi đâu đó. Anh xe ôm bảo: “Giờ này vào nhà không gặp được ông Khắc Huề đâu. Ông đang chơi bóng ngoài đình rồi”. Nói rồi, anh dẫn tôi vào tận nơi và đúng là ông đang chơi bóng bàn thật. 

- Từ đầu phố Giảng Võ, hỏi xe ôm ai cũng biết nhà “chỉ đạo nghệ thuật” Khắc Huề, còn biết giờ này ông đang làm gì, ở đâu. Nổi tiếng cũng có lợi và bất lợi, thưa ông?

Được nhiều người biết và quan tâm tôi cũng vui, nhưng có lúc rất buồn cười. Tôi hay đeo ba lô đề chữ Khắc Huề, ra đường, nhiều người chắc nghĩ “chỉ đạo nghệ thuật” Khắc Huề phải tầm cỡ đại gia, chứ không kiểu xuề xoà nên không tin, kéo lại hỏi. Nhiều lần tôi phải chìa chứng minh thư ra để chứng minh “mình chính là mình”. 

Lần khác, tôi vừa bước chân vào quán ăn, một thanh niên gọi chủ quán ra chỉ vào đĩa thịt chó khiếu nại: “Sao nhiều Khắc Huề thế?”. Hóa ra thịt chó có nhiều lông, chắc biết tôi là nghệ sĩ violin nên chơi chữ thế. Lúc đấy, tôi giận tím người, ai lại ví người nghệ sĩ chơi vĩ cầm như "lông chó", nhưng sau lại phì cười vì tên mình được công chúng nhớ đến.

Có lần, tôi kéo đoàn lên diễn ở khu Gang thép Thái Nguyên, đang bận bịu lo diễn, một khán giả đứng tuổi khẩn khoản muốn chụp ảnh cùng với lý do: Tôi có sai bảo các cháu nhà tôi làm gì, bọn chúng cũng nói "lại chỉ đạo nghệ thuật Khắc Huề", giờ tôi phải mang ảnh về cho chúng nó biết thế nào là Khắc Huề thật.


- Với công việc chỉ đạo nghệ thuật, ông có kỷ niệm gì đáng nhớ?

Có lần, tôi đến 51 Trần Hưng Đạo để chuẩn bị cho chương trình Khúc hát trữ tình, bất ngờ khi thấy mấy chục chiếc ghế hàng ngày đã xếp được dọn sạch. Hỏi ra mới biết, đoàn anh em thương binh ở Hà Đông nghe tiếng chương trình đã đi ô tô ra. Người khỏe đi trước dọn hàng ghế đầu, đưa xe đẩy của các đồng chí khuyết tật lên trên. Tôi ấn tượng bởi tình đồng đội, chiến sĩ trong thời bình.

Nắm bắt tâm lý của họ, tôi đổi kịch bản, các ca khúc cách mạng như Vết chân tròn trên cát, Bài ca hy vọng… được tấu lên để khơi gợi niềm tin, sự lạc quan. Nhiều tràng pháo tay vang lên cảm kích, có cả những giọt nước mắt xúc động. 

- Cuộc sống ở tuổi 80 của ông diễn ra như thế nào?

Nhớ hàng ngày uống bao nhiêu thuốc là tốt lắm rồi (cười)! Đùa vậy thôi, buổi sáng tôi vẫn tập kéo violin, sau đó chơi bóng bàn. Ở tuổi 80, chơi bóng bàn khiến cho lưng khoẻ, cứ cúi lên cúi xuống vài trăm lần một ngày phải dẻo dai chứ.

Tôi cũng dạy violin ở nhà. Tôi tâm niệm giáo dục các cháu trái tim nhạy cảm với giai điệu đẹp nên luôn tìm tòi những bản nhạc hay, trích những giai điệu đẹp nhất để dạy. Ngoài ra, tôi động viên các cháu chịu khó đọc sách, để cảm nhận được những điều đẹp đẽ trong từng con chữ.

Tóm lại, cuộc sống của tôi giản đơn nhưng không thiếu niềm vui. Nhà rộng chưa đầy 50m2 nhưng tôi dành 20m2 để làm sân vườn, là nơi gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp.

Từ khi chương trình Khúc hát trữ tình kéo dài gần 30 năm tạm dừng vì không còn chỗ biểu diễn, tôi luôn mở rộng cánh cửa chào đón những khán giả thích nghe nhạc một cách mộc mạc nhất.

Họ tới nhà vì yêu các bản tình ca, muốn đắm mình trong tiếng vĩ cầm sâu lắng, thích không gian không có phụ trợ của thiết bị âm thanh, ánh sáng. Chúng tôi cứ vui vẻ vậy thôi, khán giả lúc cầm ít hoa quả, có khi cầm chút cây nhà lá vườn, nghe nhạc xong ngồi quây quần bên nhau, và tiếp tục những câu chuyện âm nhạc. 

- Cứ hát hò ở nhà như thế, ông có khi nào sợ làm phiền vợ và hàng xóm?

Thuý Nga - vợ tôi, là ca sĩ, kém 17 tuổi. Ngày còn Khúc hát trữ tình, tôi đệm đàn cho cô ấy hát. Đến bây giờ, vẫn tôi đàn, cô ấy hát ở khoảng sân nhỏ trước nhà, chục khán giả ngồi nghe - đó là niềm vui vô giá của chúng tôi, phiền làm sao được. 

Tiền dạy học, tôi đổ cả vào làm Khúc hát trữ tình. May thì hoà vốn, còn lỗ là bình thường. Làm kinh doanh mà chả ra tiền, nhưng vợ cũng không phàn nàn, vì lỗ tôi cũng không mang đồng nào ở nhà đi. 

Hàng xóm quý mến tôi, trước kia, khi nhà cửa không san sát nhau, thường mang củi sang cho. Mỗi lần bạn bè đến, tôi mang củi ra đốt, chúng tôi tụ tập xung quanh bếp lửa, đàn hát. Mùi thơm từ khoai, sắn nướng nghi ngút khói như chất xúc tác, gắn kết chúng tôi lại nên câu chuyện cứ kéo dài mãi.

Ngửi "mùi tuổi thơ" dường như làm tiếng đàn của tôi có thêm men say. Bây giờ, tôi không đốt củi nữa, mỗi lần bạn bè tới, hàng xóm lại nhắc con/cháu tắt tivi đi để cho tôi chơi đàn, khiến tôi thấy ấm áp, tiếng đàn có sức lan tỏa kỳ lạ. 

- Hơn vợ 17 tuổi, gìn giữ được hạnh phúc cho tới tận bây giờ, bí quyết của ông là gì?

Chúng tôi đam mê âm nhạc, âm nhạc gắn kết cả thế giới nữa là lứa đôi. Cư xử với nhau đẹp đẽ, văn minh, hệt như những giai điệu chúng tôi cất lên thì sẽ mãi bền chặt thôi.  

- Một nghệ sĩ violin giỏi nghề, một “chỉ đạo nghệ thuật” nổi tiếng có tài xoay xở, hẳn ông rất giàu có?

Giàu về tâm hồn thì đúng hơn. Suốt từ bé đến giờ, tôi gắn bó với cây đàn, không làm gì khác ngoài việc kiếm tiền từ cây đàn này. Những người khác nói không thể mưu sinh với nghề, chẳng qua đòi hỏi ở cuộc sống quá cao sang, chứ tôi đơn giản lắm. Đến bây giờ, vợ chồng tôi vẫn đi chiếc xe máy cũ, ở căn nhà cũ, rất vui vẻ, an yên.

Tôi thèm cầm cây đàn đi lang thang giống như một người lãng du vậy, chứ giàu nghèo, địa vị với tôi không có nghĩa lý gì. Cũng có người hỏi tôi, đóng góp thế thì sao không là NSND mà vẫn là NSƯT. Tôi cười nói rằng, tôi mà lên NSND thì ai “chỉ đạo” dàn NSƯT. 

Được nuôi dưỡng trong nếp nhà ngập tràn giai điệu hạnh phúc, sự ấm êm cùng một triết lý sống chậm từ thơ bé, nên tôi trưởng thành và cả lúc tóc đã hoa râm, luôn bình bình một kiểu, ung dung nhàn tản, chả mấy khi lao theo tiếng gọi của danh vọng, tiền tài hay quyền lực.

Khắc Huề ca hát cùng vợ và những người bạn: