Lời Toà soạn:

Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là hành lang vận tải quan trọng nhất trong kết cấu hạ tầng giao thông cả nước với chiều dài 2.063km đi qua 32 tỉnh, thành phố, nối liền từ Cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau.

Tháng 12/2004, đoạn tuyến cao tốc đầu tiên TP.HCM - Trung Lương được khởi công. Thế nhưng tới đầu năm 2023, dự án mới có 1.200km đường hoàn thành.

Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ, Bộ GTVT và các địa phương có dự án đường cao tốc đi qua đang dồn lực thi công với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam.

Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu đi qua tỉnh Thanh Hóa 6,5km và Nghệ An 43,5km. Ảnh: Hoàng Hà

Ngày 16/7, phát biểu tại lễ khởi công dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến đường bộ dài nhất miền Tây nằm trên trục cao tốc Bắc – Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ GTVT trong việc triển khai các dự án cao tốc.

Theo đó, các ban quản lý dự án, các nhà thầu đã quyết tâm, tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, "vượt nắng, thắng mưa, thắng đại dịch".

Thủ tướng tin tưởng rằng với việc huy động đủ nguồn lực như hiện nay sẽ hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam vào năm 2025 và mục tiêu này hoàn toàn khả thi.

Thủ tướng nhấn mạnh, cao tốc Bắc – Nam với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo sức lan tỏa, động lực và dư địa để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Việc đưa tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua tỉnh Bình Thuận dài 160km (gồm Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết) vào khai thác cuối tháng 4 vừa qua đã tạo điểm nhấn mạnh mẽ cho toàn tỉnh nói chung, ngành du lịch, vận tải nói riêng.

Kể từ khi cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đi vào hoạt động, lượng khách đến với TP. Phan Thiết vừa đi du lịch vừa để khám phá, thử nghiệm cảm giác với tuyến cao tốc mới tăng đáng kể.

Theo thống kê, lượng khách du lịch tới Bình Thuận trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 4,5 triệu lượt. Riêng trong tháng 6, đạt gần 830.000 lượt khách. Doanh thu từ hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm đạt hơn 11.300 tỷ đồng, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ.

Với tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, từ khi đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh miền Trung, giúp kết nối du lịch đến TP. Nha Trang (Khánh Hòa).

Có thể nói đây cơ hội rộng mở cho ngành “công nghiệp không khói” của Bình Thuận, nơi sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, đặc biệt có thế mạnh về du lịch biển đảo.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng nhấn mạnh, lợi thế nhờ 2 tuyến cao tốc giúp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào tỉnh, phát triển 3 trụ cột kinh tế: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.

“Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tổ chức thành công chuỗi các sự kiện giới thiệu hình ảnh, con người, du lịch giúp Bình Thuận cất cánh trong thời gian tới”, ông Đoàn Anh Dũng nhấn mạnh.

Cao tốc Mai Sơn- QL45 tạo đà phát triển KT- XH trong đó có hoạt động du lịch tại hai địa phương Ninh Bình, Thanh Hoá. Ảnh: Hoàng Hà

Đồng Nai là địa phương cửa ngõ phía Đông của TP.HCM, cũng là một trong những trung tâm kinh tế phía Nam, nối Nam Trung Bộ, Tây Nguyên với toàn bộ vùng Đông Nam Bộ.

Cao tốc Long Thành – Dầu Giây và Phan Thiết – Dầu Giây sau khi đưa vào khai thác đã mang lại hiệu quả rõ rệt về mặt kinh tế, những lợi ích to lớn về mặt xã hội, rút ngắn thời gian di chuyển.

Đồng thời, cũng tạo ra cú hích kết nối liên vùng, cùng với trục cao tốc Bắc - Nam mở ra nhiều cơ hội đầu tư vào du lịch, hạ tầng giúp phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Ngoài ra, 2 tuyến cao tốc này cũng góp phần giảm tải áp lực về giao thông trên tuyến Quốc lộ 1, tạo điều kiện thu hút đầu tư và góp phần khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh của địa phương…

Đây cũng là 2 tuyến giao thông thuộc cao tốc Bắc - Nam sẽ kết nối với “siêu” sân bay Long Thành. Khi dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành, đưa vào khai thác thì lúc đó vai trò của các tuyến cao tốc sẽ càng rõ ràng hơn. Hai tuyến cao tốc này không chỉ đóng vai trò kết nối giao thông đường bộ mà còn là cửa ngõ kết nối sân bay với khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Ngoài tuyến cao tốc Long Thành – Dầu Giây hiện hữu, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mới đưa vào vận hành hơn 2 tháng qua cũng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Đồng Nai cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bởi vì, tuyến cao tốc giúp rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm kinh tế, du lịch, mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực Nam Trung Bộ; giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như từ Bắc vào Nam. Đây là điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư và góp phần khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

Ông Cao Tiến Dũng khi làm Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, tỉnh có lợi thế nhất vùng Đông Nam Bộ nhờ 2 tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Long Thành – Dầu Giây. Đây là 2 cao tốc hiện đại, kết nối giao thông với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai nên sẽ tạo cơ hội phát triển lớn cho Đồng Nai.

.

Cao tốc qua tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Hoàng Anh

Anh Nguyễn Văn Vũ (ngụ xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ, người dân luôn mong muốn các tuyến đường kết nối tỉnh Đồng Tháp với các địa phương khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày được nhiều hơn, rộng rãi, thuận tiện hơn.

“Khi có những con đường mới, nông sản của nông dân Đồng Tháp và các tỉnh sẽ đi xa hơn, cơ hội để chúng tôi đi lại, trao đổi, buôn bán, giao lưu văn hóa trong vùng và với TP.HCM cũng lớn hơn. Các cao tốc liên tục được khởi công là niềm vui của người dân miền Tây”, anh Vũ nói.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhận định, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua tỉnh là dự án thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, mang tính chất liên vùng, có tác động lớn đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – ninh khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Dự án cũng góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.

Theo các chuyên gia, với các tuyến cao tốc đã, đang triển khai tại ĐBSCL sẽ kích hoạt các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển công nghiệp, logistics, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương. Từ đó, diện mạo toàn vùng sẽ thay đổi, tạo động lực để vùng phát huy tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội, trở thành trung tâm kinh tế năng động và hiệu quả trong cả nước.

Cao tốc Bắc - Nam sắp thành hình

Cao tốc Bắc - Nam sắp thành hình

Hơn 500 mũi thi công, gần 11.000 công nhân, kỹ sư, tư vấn giám sát với gần 5.000 máy móc, thiết bị đang dồn lực thi công tại tất cả các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành toàn tuyến.
Duy Khánh và nhóm PV, BTV