Các trại giam Phú Tường, Phú Hải ở Côn Đảo được ví như những "địa ngục trần gian. Đây là hệ thống nhà tù do thực dân Pháp bí mật xây dựng để giam giữ và tra tấn những người tù chính trị trong thời kỳ kháng chiến.
CHUỒNG CỌP PHÚ TƯỜNG
Trại giam Phú Tường được xây dựng vào năm 1940, thuộc hệ thống Trung tâm cải huấn - trại Phú Hải, nằm trên đường Tôn Đức Thắng, huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Nơi đây được mệnh danh là "chuồng cọp kiểu Pháp", một trong những hệ thống nhà tù thực dân Pháp bí mật xây dựng để giam giữ và tra tấn những người tù chính trị.
Khu biệt giam nổi tiếng của thực dân Pháp xây dựng tại Côn Đảo này nhằm khuất phục ý chí chiến đấu của những người tù. Hệ thống có hai lớp tường bao bọc dãy chuồng cọp bí mật ở giữa. Để không xác định được phương hướng, các tù nhân đều bị bịt mắt trước khi dẫn giải đến đây.
Chuồng cọp nằm giữa hai trại 7 và trại 8, so le nhau, chủ ý muốn giữ bí mật với bên ngoài. Khi đi từ trại 7 vào, tù nhân nghĩ đang ở trại 8, khi đi từ trại 8 lại tưởng đang ở trại 7.
Ngoài ra, ở đây còn có một vườn rau ngăn cách, nơi không dễ phát hiện đường vào chuồng cọp.
Toàn bộ chuồng cọp rộng 5.475m2, riêng diện tích phòng giam là 1.408m2, còn khoảng không gian trống hơn 2.100m².
Các phòng giam rộng 1,45m x 2,5m bao gồm hai mật khu, mỗi mật khu gồm 2 dãy nhà, mỗi dãy gồm 20 chuồng cọp, có cầu thang đi lên trên nóc.
Phía trên chuồng cọp có dãy song sắt và hành lang để gác ngục từ trên cao quan sát bên dưới. Những tên lính này thường tra tấn các tù nhân bằng cách dùng gậy có đầu bọc sắt chọc từ trên cao xuống, dội nước bẩn, ném vôi bột, không cho tắm, thùng vệ sinh thì từ 1 - 2 tháng chúng mới cho đi đổ một lần.
Các nữ tù chính trị kiên cường từng bị giam tại đây. Nổi bật trong đó có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Trong những ngày gian khổ, chị em tù nhân không chỉ chia sẻ cho nhau từ miếng cơm, ngụm nước mà còn chung nhau cả chỗ nằm, khe hở để thở.
Chỉ có một thứ họ tranh giành nhau đó là tranh giành xông ra phía trước để đỡ đòn cho đồng đội.
Vào lúc cao điểm, khu chuồng cọp giam giữ hàng nghìn tù nhân. Từ 5 - 12 người bị nhốt vào một buồng. Họ phải ăn, ngủ, đại, tiểu tiện ngay tại chỗ, không có khoảng trống để nằm, thậm chí chỉ được ngồi, ban đêm ngủ xếp chồng lên nhau, rất khổ cực.
Hơn thế nữa, chế độ ăn uống cho tù nhân rất tồi tệ, họ phải bắt côn trùng và chuột bọ để dùng bữa.
Tại chuồng cọp còn có 60 phòng giam riêng biệt không có mái che, được chia thành 4 dãy. Phòng không mái che này là nơi cai ngục tra tấn tù nhân bằng cách phơi nắng, phơi mưa hoặc đánh đập tra tấn.
ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN PHÚ HẢI
Trại Phú Hải trên đường Lê Văn Việt là nhà tù cổ và lớn nhất tại Côn Đảo. Nhà giam này thuộc hệ thống các trại tù khổ sai được ví là “địa ngục trần gian”.
Công trình do thực dân Pháp xây để bỏ tù các chiến sĩ cách mạng, các nhà yêu nước Việt Nam từ năm 1862 và nâng cấp hoàn chỉnh từ năm 1889 đến năm 1896. Trại giam này nằm trong hệ thống nhà tù Côn Đảo trực thuộc Trung tâm cải huấn Phú Hải.
Năm 1896, nhà tù xây dựng xong hai dãy nhà giam đối diện nhau, mỗi dãy 5 buồng giam (đánh số thứ tự từ trái sang phải 1 đến 10).
Phòng giam số 7, nơi chi bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam đầu tiên trong nhà tù Côn Đảo ra đời (cuối năm 1932), sau phát triển thành Đảng ủy Côn Đảo, lãnh đạo cuộc đấu tranh của tù nhân với sự đóng góp của Phạm Hùng, Tôn Đức Thắng, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Hoan, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh…
Để đánh lừa dư luận, thực dân Pháp cho xây dựng nhà nguyện, giảng đường, câu lạc bộ , nhà ăn, phòng cắt tóc….và cải tạo “hầm xay lúa” thành phòng chữa bệnh. Sân trại còn được trồng hoa cây cảnh như một công viên. Đây là một công trình vừa mang tính hình thức để đối phó với dư luận vừa dùng để mua chuộc dụ dỗ tù chính trị ly khai, tố cộng…
Cuối dãy nhà giam, phía bên trái còn có một phòng giam “tù đặc biệt” phía sau câu lạc bộ chuyên dành cho tù nhân cũng rất “đặc biệt”. Nơi đây giam giữ những cán bộ cấp cao như: Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Ngô Gia Tự...
Kế đó là “hầm xay lúa”, vừa là nơi khổ sai vừa là nơi đày ải tù nhân. Căn phòng này xây tường đá bao quanh, ở trên có lớp trần làm bằng vải đen, bao tời, chỉ có duy nhất một cửa ra vào. Bên trong có 5 cối xay được làm bằng vỏ thùng rượu vang cưa đôi nén đầy đất sét bên trong, mỗi cối từ 4 - 6 tù nhân mới đủ sức kéo. Ngoài ra, người tù ở đây còn phải chịu thêm cực hình nữa là bị xích chung một dây xích có lê theo một quả tạ nặng từ 3-7kg.
Cuối sân nhà tù, đường nối giữa hai dãy nhà giam có 20 xà lim.
Hầm cao 2m được xây bằng đã có hình vòm, mùa đông hơi đá toả ra lạnh thấu xương, mùa hè nắng nóng ngột ngạt.
Cửa xà lim bằng sắt dày, lúc đóng cửa tiếng “rầm” to như tra tấn, chỉ được hé vội một chút khi cai ngục mang cơm đến, hay dội cho một thùng nước vào buổi sáng cuối tuần.
Cai ngục sử dụng những xà lim này để giam biệt lập những tù nhân bị ghép vào thành phần nguy hiểm, chống đối... hay những người vượt ngục bị bắt lại.
Những tù nhân này bị cùm chân 24/24h. Trong 10 ngày đầu bị phạt ở xà lim người tù phải ăn cơm nhạt, uống nước lã (mặc dù thức ăn ở nhà tù Côn Đảo chỉ là khô, tương, mắm, để lâu ngày bị mục đắng, ôi chua).
Hàng ngày cai ngục đưa tù nhân đi làm các công việc khổ sai, chiều tối bắt tù nhân phải cởi hết quần áo cho cai ngục khám xét, trước khi vào phòng giam và trần truồng đi ngủ.
Các tù nhân phải làm những công việc khổ sai như xuống biển mò lấy san hô mang lên nung thành vôi bột, đến việc lên rừng khai thác đá, khéo gỗ, dọn tàu…
Ở góc cuối bên phải, quân Pháp dựng thêm một khu đất trống dùng để bắt tù nhân đập đá. Đây cũng là nơi dành cho những tù nhân bị ghép vào thành phần nguy hiểm. Bên trái cửa vào có đăng bài thơ của chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh với tác phẩm “Đập đá Côn Lôn”.
Khu vực bếp nấu ăn phía sau góc phải của nhà tù, khoảng giữa gần xà lim là khu vực ăn uống nhưng thực dân Pháp xây dựng lên chỉ để che mắt người ngoài. Hai trại giam Phú Tường và Phú Hải lâu nay đã trở thành điểm nghiên cứu lịch sử ý nghĩa đối với các đoàn khách du lịch khi đặt chân đến Côn Đảo.