Người bố đánh con thâm tím ở Phú Thọ nhận sai, hứa không tái phạm 

Vụ trẻ bị bố đánh thâm tím ở Phú Thọ: Mẹ muốn đòi lại quyền nuôi con 

Con bị bố đánh, xã nói vết thương ‘bình thường’, không phải hành hạ 

Bà mẹ ở Phú Thọ tố chồng cũ bạo hành con thâm tím, đen sì 2 chân

Xã yêu cầu giám định vết thương sau 2 tuần xảy ra vụ việc

Theo chia sẻ của chị Phan Thị Hương Giang – mẹ cháu H. và là người có đơn tố cáo bố đẻ cháu về hành vi đánh con, sáng ngày 13/4, Công an xã Ninh Dân (huyện Thanh Ba, Phú Thọ) đã đề nghị chị Giang và cháu H. lên làm việc một lần nữa để ký vào biên bản đồng ý đưa cháu H. đi giám định pháp y.

Chị Giang cho rằng việc này hiện không có nhiều ý nghĩa, vì sau 14 ngày, vết thương của cháu đã khỏi, các vết thâm tím gần như không còn nhìn thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên, chị vẫn đồng ý để cháu H. đi giám định thương tật tại Trung tâm Pháp y tỉnh Phú Thọ.

Mặc dù vậy tại buổi làm việc, cháu H. nói rằng cháu không muốn đi giám định vì hiện tại sức khoẻ của cháu hoàn toàn bình thường.

“Cháu không yêu cầu bố cháu là Trần Văn Cường phải bồi thường bất cứ chi phí gì về việc đánh cháu. Việc cháu từ chối giám định thương tật là hoàn toàn tự nguyện, không bị bất cứ người nào ép buộc” – cháu H. viết trong biên bản.

Vết thương ở chân của cháu H. do bị bố đánh

Trước tình huống này, chị Giang không đồng ý ký vào biên bản vì chị cho rằng đã có người hướng dẫn cháu viết đơn đề nghị từ chối giám định thương tật.

“Khi công an xã bảo cháu viết đơn đề nghị từ chối giám định pháp y thì cháu nói là ‘hôm qua cháu đã viết rồi mà’ nên tôi mới biết là hôm qua công an xã đã làm việc với cháu rồi. Tôi thắc mắc thì cán bộ công an nói là hôm qua đã xuống làm việc trước với cháu và bà nội vì tôi báo bận, không có mặt được, nay yêu cầu cháu viết lại trước sự chứng kiến của mẹ”.

Trước đó, chị Giang đã làm đơn gửi lên xã đề nghị 2 con được chuyển qua ở với mẹ tạm thời trong khi chờ đợi chị làm thủ tục lên toà án xin giành lại quyền nuôi con từ phía anh Cường. Chị cho rằng việc 2 con vẫn tiếp tục sống cùng bố và mẹ kế là không an toàn cho thể xác và tinh thần các con.

Trao đổi với PV VietNamNet về vụ việc này, bà Nguyễn Xuân Yên, Trưởng Phòng Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) huyện Thanh Ba cho hay, sau khi nhận được tin báo qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111) về vụ việc vào ngày 29/3, UBND huyện đã ngay lập tức chỉ đạo Phòng LĐTBXH phối hợp với UBND xã Ninh Dân và các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh thông tin.

Đến 14h ngày 29/3, Đoàn công tác của huyện do bà Nguyễn Xuân Yên, Trưởng Phòng LĐTBXH phối hợp với UBND xã, Công an xã và khu dân cư số 1, xã Ninh Dân đã đến trực tiếp nhà anh Trần Văn Cường để làm việc với gia đình.

Sau khi kiểm tra các vết thương trên cơ thể cháu H. và nhận thấy tâm lý cháu ổn định, đoàn công tác xã đã phân tích sự việc và yêu cầu anh Cường cùng chị Vi Thị Hiến (vợ anh Cường) và bà Phạm Thị Ngọc (mẹ đẻ anh Cường) cam kết không để sự việc tương tự xảy ra và nhất trí để 2 cháu H. và T. cho gia đình anh Cường tiếp tục nuôi dưỡng, chăm sóc.

UBND huyện đã chỉ đạo:

1. UBND xã Ninh Dân thực hiện đúng quy trình giải quyết đơn và đề nghị UBND huyện, các cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với anh Trần Văn Cường theo quy định của pháp luật. Nghiêm túc chấn chỉnh công tác Bảo vệ trẻ em trên địa bàn xã, cử cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình của trẻ đảm bảo an toàn cho trẻ. Khi cần thiết, sẽ kịp thời xử lý tránh để xảy ra tình huống xấu.

2. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời nắm thông tin, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật trên địa bàn huyện.

3. Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ trẻ em trên địa bàn huyện.

Bà Yên cho rằng, chưa từng có thông tin cháu H. đồng ý ở với mẹ, cháu H. khẳng định vẫn muốn sống cùng bố. Vị này cũng nói thêm, trước tình hình hiện tại, việc cháu H. tiếp tục sống với bố đẻ là “không có vấn đề gì”.

Mức phạt nào cho hành vi đánh đập con cái?

Chia sẻ ở góc độ pháp lý trong vụ việc này, luật sư Nguyễn Tiến Thi (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định rõ về các hành vi bạo lực gia đình bị nghiêm cấm, bao gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.

Luật sư Nguyễn Tiến Thi (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

“Như vậy, mọi hành vi đánh đập con cái của cha mẹ đều là những hành vi vi phạm pháp luật được quy định rõ trong văn bản pháp luật hiện hành” – luật sư Nguyễn Tiến Thi khẳng định.

Tùy vào mức độ, tính chất của hành vi đánh con, cha mẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu hành vi thuộc mức độ xử phạt hành chính, theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP, một người sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng nếu “cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em”.

Ngoài ra, khoản 1, điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP cũng có quy định sẽ phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi “đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình”.

Nếu hành vi ở mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự, cha mẹ đánh đập con cái có thể bị truy cứu về tội hành hạ người khác với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù giam; tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình với khung hình phạt cao nhất là 5 năm tù giam; tội cố ý gây thương tích với khung hình phạt cao nhất tại khoản 1 lên đến 3 năm tù.

Nguyễn Thảo – Thanh Bình