Đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đang tập trung mọi nguồn lực, phát huy khối đại đoàn kết các tầng lớp người dân trên địa bàn để duy trì và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới, hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. 

Đến tháng 9 năm 2022, xã Võ Lao đã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Để đạt được điều này, ngoài sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền và sự đồng thuận của người dân còn có phần đóng góp không nhỏ của các đoàn thể, cấp hội, trong đó có Hội Nông dân xã Võ Lao.

Trường THCS Số 1 Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

Ông Hà Văn Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai cho hay, để thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới, Hội đã phối hợp với Ban Chỉ đạo xã tổ chức phát động thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới ", Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" được hội viên, nông dân đồng tình hưởng ứng.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã cũng đã phối hợp với Ban Chỉ đạo tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động và có giải pháp cụ thể để tối ưu nguồn lực xã hội hóa, đảm bảo nâng cao các tiêu chí do người dân thực hiện như tiêu chí nhà ở, thu nhập, môi trường, giáo dục... 

Bà Trần Anh Tân, Chủ tịch UBND xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai cho hay, sau khi sáp nhập 2 xã Võ Lao và Văn Sơn thành xã Võ Lao, xã đạt 14/18 tiêu chí nông thôn mới nâng cao (theo Bộ tiêu chí nông thôn mới cũ). 

Theo Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, xã còn 5 tiêu chí chưa đạt gồm: văn hóa, lao động, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế, môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đối với Tiêu chí y tế, Chủ tịch UBND xã Võ Lao chia sẻ: Sau khi về đích nông thôn mới, xã không còn là vùng II, bà con dân tộc thiểu số hoàn toàn không được hỗ trợ về bảo hiểm y tế thì tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế không thể lên tới 90% - 95% nên tiêu chí này không thể đạt.

Đối với Tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, việc xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn xã cũng gặp nhiều khó khăn, sản phẩm đặc sản, đặc hữu trên địa bàn hiện nay chưa có.

Bên cạnh đó, xã cũng đang gặp một số khó khăn như cơ sở hạ tầng còn thấp kém, đặc biệt hệ thống điện do người dân tự thực hiện qua thời gian dài sử dụng nay đã xuống cấp...

Để giải quyết những khó khăn đó, hiện xã đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn dựa trên ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp thông minh.

Xây dựng sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP. Tiếp tục xây dựng sản phẩm OCOP; tuyên truyền vận động các hội viên, người dân xây dựng các mô hình kinh tế trên địa bàn xã.

Thay đổi tư duy, nếp sống, thói quen sản xuất của người dân nông thôn, chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang làm kinh tế nông nghiệp, gắn sản xuất với thị trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Thanh Hải