XEM VIDEO: 

Phát huy nguồn lực tôn giáo không chỉ là câu chuyện của Nhà nước hay các tổ chức tôn giáo, bởi khi người dân và cộng đồng xã hội ủng hộ, đồng tình thì các nguồn lực sẽ được phát huy một cách tốt nhất. 

Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo với 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Dù đức tin, sự thờ phụng của đồng bào theo các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau nhưng cùng có điểm tương đồng ở tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước và truyền thống văn hóa. 

Hiện nay, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau. Cả nước có hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm khoảng 27% dân số.

Nằm trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thời gian qua tín đồ các tôn giáo luôn có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Để tôn giáo luôn "đồng hành cùng dân tộc”, có nhiều đóng góp thiết thực hơn nữa thì việc phát huy hiệu quả nguồn lực tôn giáo trong đời sống xã hội và phát triển đất nước là rất quan trọng.

Để làm rõ những giá trị cụ thể của nguồn lực tôn giáo tại Việt Nam, Báo VietNamNet tổ chức tọa đàm "Phát huy nguồn lực tôn giáo trong đời sống xã hội” với sự tham gia của hai khách mời:

Tiến sĩ Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. 

Nhà báo Diệu Thúy: Thưa PGS.TS Chu Văn Tuấn, xin ông có thể làm rõ những khía cạnh và giá trị cụ thể của nguồn lực tôn giáo tại Việt Nam hiện nay? 

PGS.TS Chu Văn Tuấn: Về nguồn lực tôn giáo, đây là một chủ đề mà giới nghiên cứu lý luận cũng như nghiên cứu tôn giáo đã có sự quan tâm từ lâu. Tôi cho rằng, nguồn lực tôn giáo có ba khía cạnh: nguồn lực vật chất, nguồn lực tinh thần và nguồn lực con người.

Thế nào là nguồn lực vật chất của tôn giáo? Các tôn giáo không chỉ có tinh thần, niềm tin, đức tin hay các giáo lý, giáo luật mà còn là một thực thể xã hội. Những cơ sở vật chất, tài sản tôn giáo như đất đai, cơ sở thờ tự hay những nguồn lực về tài chính mà các tôn giáo đã thu hút được sự đóng góp của toàn xã hội thì từ góc độ nghiên cứu, chúng tôi cho rằng đấy là nguồn lực vật chất.

Nguồn lực tinh thần là tất cả những giá trị tôn giáo, tư tưởng, triết lý tôn giáo, giáo lý, giáo luật tôn giáo về đạo đức, về điều chỉnh hành vi của con người rồi những giá trị văn hóa, ví dụ như những di sản mà các tôn giáo để lại. 

{keywords}
PGS.TS Chu Văn Tuấn

Thứ ba là nguồn lực con người. Hiện nay, các tôn giáo ở Việt Nam có khoảng 26,5 triệu tín đồ. Đây là các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận. Nếu tính cả những loại hình tín ngưỡng thì con số còn lớn hơn. Nguồn lực con người là tất cả chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo, các tín đồ tôn giáo và kể cả những người có cảm tình với tôn giáo, sẵn sàng đóng góp cho hoạt động tôn giáo. 

Chức sắc, tín đồ, nhà tu hành là người được đào tạo, có niềm tin tôn giáo, có những kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống. Bản thân họ và các tín đồ còn là lực lượng có thể đóng góp rất tốt cho sự phát triển xã hội. Nếu chúng ta biết khai thác, phát huy được vai trò, sức mạnh, niềm tin của họ và cả các tín đồ thì đó là nguồn lực rất quan trọng cho sự phát triển đất nước.

Đánh giá khách quan để ứng xử phù hợp

Nhà báo Diệu Thúy: Xin hỏi TS Lê Thị Liên, tại sao chúng ta cần nhận thức đúng đắn về nguồn lực tôn giáo?

TS Lê Thị Liên: PGS.TS Chu Văn Tuấn vừa nói rất rõ về nguồn lực tôn giáo. Những nguồn lực này trong quá trình tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, trong quá trình tôn giáo phát triển biểu hiện ở hoạt động xã hội của tôn giáo và hoạt động tôn giáo nói chung.

Khi chúng ta đánh giá khách quan về hoạt động tôn giáo thì chúng ta sẽ ứng xử phù hợp. Khi ứng xử phù hợp, chúng ta sẽ có những cơ chế, chính sách phù hợp, từ đó khơi thông nguồn lực tôn giáo và phát huy được nguồn lực tôn giáo vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Đồng thời chúng ta cũng khẳng định giá trị của tôn giáo trong lòng xã hội. 

Đất nước ta là đa dạng tôn giáo. Để nhận thức đúng, chúng ta cần hiểu rõ từng tôn giáo và thế mạnh của tôn giáo ấy. Tôi muốn ví dụ như có những tôn giáo có nguồn lực bền vững, có tôn giáo nguồn lực ở mức độ vừa phải, có tôn giáo với nguồn lực đủ mạnh để tham gia vào hệ thống an sinh xã hội của đất nước, thậm chí với tư cách là chủ đầu tư, quản lý nhưng cũng có tôn giáo hoạt động ở mức độ từ thiện, nhân đạo…

Như vậy, cần đánh giá đúng để có lộ trình pháp lý trong công tác tham mưu ban hành chính sách. Từ đó khơi dậy, phát huy nguồn lực tôn giáo, đồng thời cũng hạn chế những hoạt động có thể lợi dụng tôn giáo.

Các nhận thức đúng và đánh giá khách quan nguồn lực tôn giáo là hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi Đảng, Nhà nước ta đã xem tôn giáo là nguồn lực. Dĩ nhiên không phải bây giờ chúng ta mới phát huy giá trị đạo đức của tôn giáo bởi những đóng góp của tôn giáo đối với đời sống xã hội đã có từ rất lâu. Tôi nghĩ rằng, việc nhận thức đúng đắn nguồn lực tôn giáo rất quan trọng cho cả phía khách thể và chủ thể. 

PGS.TS Chu Văn Tuấn: Chúng ta phải nhận thức đầy đủ từ cả hai góc độ để thấy được các giá trị, vai trò của nguồn lực tôn giáo với đời sống xã hội và sự phát triển đất nước. Đồng thời để biết được những hạn chế và có thể phát huy tốt hơn nguồn lực này.

Phát huy nguồn lực tôn giáo là chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên trong thực tế triển khai, có những nơi nhận thức tốt và phát huy tốt nguồn lực tôn giáo nhưng cũng có những nơi, những lúc chúng ta phát huy chưa tốt. Do vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để không bị lãng phí các nguồn lực xã hội nói chung, đặc biệt là nguồn lực tôn giáo. 

Nhà báo Diệu Thúy: Để đánh giá thực trạng nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, PGS.TS Chu Văn Tuấn có chia sẻ gì, thưa ông?

PGS.TS Chu Văn Tuấn: Không phải bây giờ khi chúng ta đặt ra câu chuyện nguồn lực tôn giáo thì các tôn giáo mới có sự đóng góp. Nhiệm vụ hay đúng hơn là bản thể vốn có của tôn giáo là luôn tham gia vào đời sống xã hội, giúp đỡ cho sự phát triển xã hội, cho cộng đồng và con người.

Mỗi tôn giáo đóng góp một vai trò khác nhau, có tôn giáo mạnh về lĩnh vực này, có tôn giáo mạnh về lĩnh vực khác. Ví dụ, có tôn giáo mạnh về giáo dục, lại có những tôn giáo mạnh về y tế. Có những tôn giáo rất tích cực trong xây dựng đời sống dân cư như xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu vực có nhiều người nghèo, nông thôn, miền núi... Các ví dụ để thấy, mỗi tôn giáo đều có thế mạnh riêng.

Chúng ta cần đánh giá đầy đủ, hệ thống và khoa học để hiểu rõ mỗi tôn giáo có thế mạnh gì và có thể tham gia đóng góp đến đâu, như thế nào vào những lĩnh vực của đời sống xã hội. Có những nghiên cứu bài bản thì chúng ta mới và phát huy tốt nhất được nguồn lực tôn giáo. 

Sức mạnh mềm của tôn giáo

Nhà báo Diệu Thúy: Thưa TS Lê Thị Liên, là một chuyên gia nghiên cứu kỳ cựu về chính sách tôn giáo và các hoạt động tôn giáo, bà có thể cho biết nguồn lực của các tôn giáo trong việc xây dựng nền tảng văn hóa, tinh thần của xã hội cũng như trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, từ thiện, nhân đạo, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường...? 

TS Lê Thị Liên: Chúng ta có nguồn lực tôn giáo biểu hiện bằng ba khía cạnh, như PGS.TS Chu Văn Tuấn đã nói từ đầu.

Về tinh thần, chính tinh thần của tôn giáo đã thể hiện rất rõ vai trò của tôn giáo đối với xây dựng, phát triển văn hóa. Tôn giáo là một phần của văn hóa. Nếu chúng ta chưa thể nói rằng tôn giáo là thành tố văn hóa thì chính giá trị đạo đức của tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước ngày càng ngày hội nhập quốc tế, tiến sâu hơn vào toàn cầu hóa.

Đất nước phát triển nhưng cùng với đó cũng có lệch chuẩn, sụt giảm hay mai một về giá trị văn hóa truyền thống. Những giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo rất gần và có nhiều điểm chung với văn hóa dân tộc. Khi tôn giáo phát huy được giá trị đó thì đã bồi bổ, làm phong phú thêm và góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc. 

Bản thân tôn giáo chính là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc. Có thể với đại chúng, chúng ta chưa nghiên cứu nhiều nhưng khi đến những vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ thấy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số lại được chính các tôn giáo lưu giữ rất nhiều. 

Bên cạnh đó, sinh hoạt tôn giáo chính là cách lưu truyền, giao lưu văn hóa và đạo đức dân tộc. Khi tôn giáo phát triển, cùng với các hoạt động tôn giáo, văn hóa dân tộc cũng được phát triển. Không chỉ các bộ, ban ngành mà chính các tổ chức tôn giáo cũng góp phần đưa văn hóa dân tộc đi khắp nơi, đến những vùng sâu, vùng xa, kể cả ở nước ngoài.

Đó là điều tuyệt vời của giá trị đạo đức tôn giáo và giá trị ấy rất bền vững trải qua các thời kỳ của đất nước, qua bao nhiêu thay đổi và ngày càng được khẳng định trong đời sống. Khi giá trị tôn giáo được khơi dậy, phát huy trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa mới, trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thì tôi nghĩ rằng giá trị đó rất tốt đẹp. Tôn giáo chính là sức mạnh mềm. 

Trong lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện, nhân đạo thì bản thân tôn giáo sinh ra đã có tính hướng thiện và giúp đỡ mọi người. Tuy nhiên, sự thể hiện của các tôn giáo khá khác nhau nhưng tựu trung lại có 2 lĩnh vực mà tôi muốn nhấn mạnh trong các hoạt động y tế, giáo dục của tôn giáo.

Thứ nhất là nguồn lực tôn giáo có thể phát huy hệ thống an sinh xã hội. Những tôn giáo có tiềm năng, tiềm lực, đông tín đồ và huy động nguồn lực xã hội để trở thành nguồn lực tôn giáo và lấy nguồn lực đó để đóng góp lại cho xã hội bằng hệ thống an sinh xã hội.

Thứ hai là hoạt động từ thiện. Hoạt động này có thể do bất cứ tôn giáo nào thực hiện, không hẳn là những tôn giáo được Nhà nước công nhận mà cả những tôn giáo chưa được công nhận hay những người có tình cảm tôn giáo… 

Ví dụ trong đại dịch Covid-19 vừa qua, sự đóng góp của các tổ chức tôn giáo thật sự không còn ranh giới giữa dân tộc hay tôn giáo, giữa người có tôn giáo hay không. Tất cả đều tham gia hoạt động thiện nguyện, đóng góp nguồn lực vật chất, kể cả sự hy sinh tính mạng con người. Các tu sĩ, những nhà tu hành rồi các tín đồ đều tự nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch cùng với các bộ, ban, ngành và thực tế nhiều người đã không trở về. Tất cả đều làm từ tâm và từ sự thôi thúc của chính giá trị tôn giáo, giá trị của dân tộc “Lá lành đùm lá rách’’.

Sự đồng lòng chung tay rất quan trọng nhưng nếu chúng ta nắm rõ để khơi thông, phát huy nguồn lực tôn giáo thì cần một cơ chế rõ ràng hơn để không bị lãng phí nguồn lực và nguồn lực đó đến đúng địa chỉ, đến đúng nơi cần đến cũng như các giá trị của tôn giáo ngày một lan tỏa hơn trong quá trình tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, phát triển đất nước. 

PGS.TS Chu Văn Tuấn: Có thể thấy, đối với việc xây dựng và bảo tồn nền văn hóa truyền thống thì các tôn giáo ở Việt Nam, đặc biệt là các tôn giáo có lịch sử du nhập lâu dài đều góp phần làm phong phú thêm những giá trị văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong quá trình tồn tại, phát triển tại Việt Nam, bản thân các tôn giáo với những thiết chế văn hóa của mình cũng tạo ra những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, những công trình tôn giáo và các di tích. Chính những tài sản tôn giáo, những bảo vật tôn giáo đều là những di sản văn hóa rất quý báu của dân tộc, lưu giữ đến nay và trở thành vô giá. 

Các tôn giáo còn góp phần xây dựng và điều chỉnh văn hóa, đạo đức xã hội. Các tôn giáo hiện nay không chỉ là tham dự vào hoạt động an sinh, từ thiện mà còn đóng góp rất quan trọng vào công tác bảo vệ môi trường.

Trong các tôn giáo có rất nhiều những giáo lý, giáo luật quy định phải sống thân thiện với môi trường, con người phải hài hòa và yêu thương thiên nhiên. Các tôn giáo khuyến khích tín đồ cũng như tất cả mọi người hãy bảo vệ môi trường hoặc bản thân các tôn giáo cũng tham gia vào chương trình bảo vệ môi trường của Nhà nước. 

Tôi còn nhớ tại Hội nghị toàn quốc do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ và rất nhiều cơ quan tổ chức năm 2014, tất cả các tôn giáo ở Việt Nam đã tham gia và ký kết một văn bản để đồng hành với Nhà nước, với xã hội trong việc bảo vệ môi trường. Câu chuyện về ứng phó biến đổi khí hậu cũng như vậy khi nhiều nguồn lực và hoạt động của tôn giáo đều tham gia. 

Tôi muốn đề cập thêm về vai trò của tôn giáo đối với việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Người bệnh, đặc biệt là những người mắc các bệnh phong, HIV, chất độc da cam… thường bị người đời xa lánh, kỳ thị. Họ mắc bệnh hiểm nghèo rất cần sự an ủi, chăm sóc không chỉ về vật chất mà còn cả tinh thần. Chính các tôn giáo với sự tận tâm chăm sóc đã góp phần xóa đi nỗi đau thể chất, nỗi đau tinh thần của họ. Đây là điều xã hội phải ghi nhận và đánh giá đúng vai trò của tôn giáo. 

TS Lê Thị Liên: Trong những năm gần đây, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động phòng trào và hiện có 63 tỉnh, thành phố ký kết chương trình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Các tôn giáo có những cách làm rất hay. Đó là họ tác động đến nhận thức trước, sau đó mới bắt đầu tác động thay đổi hành vi, từ hành vi cá nhân rồi tới gia đình, cộng đồng… tạo ra sự lan tỏa để chúng ta có môi trường sống bền vững. Ngoài ra, tôn giáo tham gia vào lĩnh vực bảo trợ xã hội và cũng đã mang lại hiệu quả rất cao. 

Nhà báo Diệu Thúy: Vậy có thể khái quát về vai trò của nguồn lực tôn giáo đối với sự phát triển bền vững ở Việt Nam trong hiện tại và tương lai như thế nào, thưa bà?

TS Lê Thị Liên: Bản thân tôn giáo và các giá trị tôn giáo đã là bền vững, tôi đánh giá tôn giáo có bốn vai trò với sự phát triển đất nước.

Thứ nhất là giá trị đạo đức tôn giáo góp phần vào xác lập các giá trị xã hội và ảnh hưởng trong tất cả lĩnh vực đời sống xã hội, kể cả trong hoạt động kinh tế.

Thứ hai là tôn giáo tham gia nâng đỡ, bồi bổ các giá trị đạo đức, văn hóa xã hội. Đặc biệt trong phát triển bền vững hiện nay thì phát triển văn hóa cực kỳ quan trọng. Tiếp đến là những đóng góp của tôn giáo về vật chất và nguồn nhân lực góp phần cùng với Nhà nước thúc đẩy hệ thống an sinh xã hội. 

{keywords}
TS Lê Thị Liên

Thứ ba là đoàn kết dân tộc. Tôn giáo nào cũng có mục tiêu hướng thiện, yêu chuộng hòa bình, tránh xa những điều ác. Ở đâu có tổ chức tôn giáo tốt thì vấn đề tự quản ở đó cũng rất tốt. Bản thân tôn giáo có giáo lý, giáo luật, những điều răn đã thấm sâu vào mỗi tín đồ tôn giáo. Như vậy, khi các giá trị đó được thực hiện tốt sẽ khiến vai trò của tôn giáo trong đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo cũng rất tốt, tạo dựng sự đồng thuận xã hội.

Cuối cùng là vai trò khẳng định chủ trương, chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam khi nguồn lực của tôn giáo được phát huy, khi tôn giáo được bày tỏ.

Bốn vai trò này là rất quan trọng với sự phát triển bền vững của đất nước ta hiện nay. 

Cần cơ chế khơi thông nguồn lực tôn giáo

Nhà báo Diệu Thúy: Theo PGS.TS Chu Văn Tuấn, chúng ta cần những điều kiện gì để phát huy mạnh mẽ và tương xứng với tiềm năng, với nguồn lực tôn giáo hiện có?

PGS.TS Chu Văn Tuấn: Chúng ta đã có nhận thức, đã có những chủ trương về phát huy nguồn lực tôn giáo nhưng vấn đề là làm thế nào để phát huy?

Đầu tiên, chúng ta phải có cơ chế chính sách để các tôn giáo tham gia vào nhiều lĩnh vực hơn và làm thế nào để gỡ được những nút thắt hạn chế sự phát huy nguồn lực tôn giáo. 

Theo tôi, cần phải xem cơ chế là yếu tố quan trọng đầu tiên. Dĩ nhiên còn nhiều yếu tố khác, ví dụ nhận thức của tất cả hệ thống chính trị, xã hội, các cơ quan làm công tác tôn giáo, quản lý nhà nước về tôn giáo... Tiếp đó là bản thân các tôn giáo cũng nhận thức đầy đủ hơn về nguồn lực của mình và vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự phát triển đất nước, từ đó phải chuẩn bị những điều kiện để có thể phát huy. 

Phát huy nguồn lực tôn giáo không chỉ là câu chuyện của Nhà nước, hay của các tổ chức tôn giáo mà còn của cả người dân, cộng đồng xã hội. Bởi lẽ, khi các tôn giáo và Nhà nước đã có chủ trương như vậy, nếu người dân ủng hộ, đồng tình thì nguồn lực tôn giáo sẽ được phát huy một cách tốt nhất. 

Nhà báo Diệu Thúy: Thưa TS Lê Thị Liên, bà có thể cho biết việc phát huy nguồn lực tôn giáo của nước ta hiện đang gặp những thách thức như thế nào? 

TS Lê Thị Liên: Thách thức lớn nhất của chúng ta, theo tôi có hai khía cạnh.

Thứ nhất là sự nhận diện đầy đủ về nguồn lực tôn giáo, mặc dù chúng ta đã có rất nhiều nghiên cứu và khảo sát. Do vậy, chúng ta cần có sự khảo sát đầy đủ, đánh giá rất khách quan về nguồn lực tôn giáo. Đôi lúc, nhận thức của chúng ta bị đập vào những con số nhưng thực chất khi đi vào tìm hiểu, nghiên cứu và khảo sát thật kỹ thì thấy rằng con số ấy không hẳn là như vậy.

Thứ hai là cơ chế chính sách. Có những người nhận thức về nguồn lực tôn giáo hạn hẹp, chỉ ở mức độ là tham gia từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội để phát triển tôn giáo. Hoặc cũng có nhận thức quá tô hồng khi nhìn những con số, về khả năng của tôn giáo và vô hình trung, chúng ta gây áp lực cho chính mình và áp lực cho các tổ chức tôn giáo. 

Một thách thức nữa là đa số hoạt động an sinh xã hội của các tổ chức tôn giáo đan xen với hoạt động tôn giáo, chưa có sự tách bạch. Do vậy, khi chúng ta khảo sát hay nhìn nhận, đánh giá sẽ vướng quy định này, điều luật kia. Đây là thách thức rất lớn trong phát huy nguồn lực tôn giáo hiện nay. 

{keywords}
Tọa đàm "Phát huy nguồn lực tôn giáo trong đời sống xã hội”

Nhà báo Diệu Thúy: Vậy chúng ta cần làm gì để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo, thưa bà? 

TS Lê Thị Liên: Về luật pháp liên quan đến tôn giáo và hoạt động tôn giáo, tôi nghĩ rằng chúng ta đã làm rất tốt. Trong giai đoạn tới cần làm tốt hơn hoặc có thể điều chỉnh, bổ sung quy định.

Về phía quản lý nhà nước về tôn giáo, theo tôi là đã đủ điều kiện để đảm bảo cho hoạt động tôn giáo cũng như thúc đẩy các hoạt tôn giáo đóng góp nguồn lực cho xã hội. Khi chúng ta đảm bảo được quyền tự do tín ngưỡng của các tổ chức tôn giáo và chủ động trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo thì sẽ tạo ra niềm tin của tổ chức và cá nhân tôn giáo đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đây là sự tương giao, mối tương quan trong quản lý và trong công tác hỗ trợ tôn giáo cũng như hoạt động tôn giáo. 

Làm tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo giáo chính là một động lực thúc đẩy hoạt động tôn giáo và cũng để hạn chế những bất cập. 

Nhà báo Diệu Thúy: Theo PGS.TS Chu Văn Tuấn, để phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh hiệu quả với các hoạt động lợi dụng tôn giáo, chúng ta cần phải làm gì?

PGS.TS Chu Văn Tuấn: Nếu chúng ta không có cơ chế, chính sách, nhất là những quy định không đầy đủ, rõ ràng thì sẽ có những câu chuyện lợi dụng việc phát huy nguồn lực tôn giáo nhằm trục lợi.

Để phát huy tốt nguồn lực tôn giáo thì ngoài công tác quản lý nhà nước, chúng ta cần hoàn thiện công tác tôn giáo nói chung của cả hệ thống chính trị bởi việc phát huy nguồn lực tôn giáo liên quan đến rất nhiều các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.

Chúng ta cũng phải có sự đồng bộ từ góc độ quản lý, từ công tác tôn giáo và từ nhận thức của mọi người. Nhằm khắc phục những hạn chế hay lợi dụng hoạt động tôn giáo để trục lợi, theo tôi phải có những quy định, nguyên tắc, chế tài, thậm chí là các văn bản quy định pháp luật chặt chẽ mới có thể là phòng ngừa, ngăn chặn. Đây cũng là thách thức chúng ta phải tính đến trong quá trình phát huy nguồn lực tôn giáo.

Diệu Thuý – Xuân Quý – Bạt Tuấn – Huy Phúc 

Tọa đàm: Tôn giáo đồng hành cùng dân tộc

Tọa đàm: Tôn giáo đồng hành cùng dân tộc

Báo VietNamNet tổ chức cuộc Tọa đàm trực tuyến với chủ đề Tôn giáo đồng hành cùng dân tộc với sự tham gia của hai khách mời: Tiến sĩ Lê Thị Liên và Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh.