{keywords}

Trong không gian thờ cúng ông bà, tổ tiên của nhiều gia đình, đều dành một phần trang trọng để treo hoành phi, câu đối, liễn thờ.

Đây là nét văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của mỗi người được minh chứng qua thời gian bằng các thủ tục thờ tự, cúng tế tổ tiên đã duy trì theo trật tự một cách lâu đời, để mỗi người khi đọc từng chữ trong liễn đối, hoành phi đều phải trầm ngâm suy nghĩ về ý tứ mà ông bà, tổ tiên mình răn dạy để tu thân giữ đạo cho mình.

 

{keywords}

Trang trí liễn đối, hoành phi trong thờ tự được xem là việc làm thiêng liêng bởi theo quan niệm của người xưa, mọi điều may rủi đều có ảnh hưởng đến thờ cúng và tế lễ.

Thông thường, bộ liễn thờ hay được treo cùng bộ hoành phi câu đối. Liễn thờ được treo cao hơn bàn thờ một chút, một cặp liễn gồm hai câu đối, chữ đối chữ, nghĩa đối nghĩa theo nghệ thuật chơi chữ trong thơ văn cổ và thường được treo ở hai vị trí đối xứng trong nhà, đền thờ hay cổng tam quan đình, chùa...

{keywords}

Việc sắm sửa đồ lễ, bàn thờ trang hoàng thôi cũng chưa đủ, cần phải có hệ thống liễn đối, hoành phi để vừa có tác dụng trang trí vừa biểu lộ tấm lòng của dân làng đối với thần thánh, của con cháu đối với ông bà tổ tiên nhằm để vinh danh, truyền bảo đạo lý và giữ đạo luân thường.

Những gia đình nghèo khó, thì người ta cũng viết những câu đối vào tờ hồng đơn, cất trong hộp và trang trọng để trên gian thờ nhà mình, đó cũng là cách để giáo dục con cháu trong gia đình mình. Tuy nhiên, liễn đối của những gia đình giàu có thường được làm bằng gỗ quý, mỗi vế đối là nửa cây gỗ đã được xẻ đôi, sơn son thếp vàng hay sơn đen khảm xà cừ từng chữ đối.

Ngoài việc dùng để trang trí trong gia đình thì liễn đối còn ghi lại những lời răn dạy con cháu những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc; ca ngợi công đức của ông bà, tổ tiên trong dòng họ hoặc cầu mong thái bình, thịnh vượng cho dân chúng. Số chữ trong câu liễn đối ít là năm chữ và nhiều là trên tám chữ.

{keywords}

Thường thì ở Gò Công các câu đối thờ trong gia đình có nội dung sau: Tổ tôn công đức thiên niên thịnh. Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương. Dịch nghĩa: Công đức tổ tông nghìn năm thịnh. Hiếu hiền con cháu vạn đời ngay. Hay: Bách thúy tùng thương hàm ca ngũ phúc. Xuân vinh huyên mậu đồng chúc bách linh. Dịch nghĩa: Bách biếc tùng xanh ngợi ca năm phúc. Xuân tươi huyên rậm cùng chúc trăm tròn. Tuy nhiên, đối với những nơi tôn nghiêm như đình, chùa thì có câu liễn mừng: Hoa triêu nhật ấm thanh loan vũ. Liễu nhứ phong hòa tử yến phi. Dịch nghĩa: Sớm hoa ngày ấm loan xanh múa. Liễu bông gió thuận én biếc bay.

Đình Kiểng Phước được lập vào thời vua Minh Mạng (1820 - 1840), tọa lạc ở khu ngã 3 trục lộ thuộc ấp Xóm Đình, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông. Hướng đình nhìn ra rạch Cần Lộc và xa xa là Biển Đông, theo quan niệm đây là địa thế “nhất cận lộ, nhì cận giang”.

Nhưng, có lẽ, giá trị đặc sắc của đình Kiểng Phước nằm ở nghệ thuật chạm khắc gỗ 6 cặp liễn đối và 6 bức hoành phi sơn son thếp vàng rực rỡ. Ý nghĩa của các liễn đối và hoành phi nói lên sự thông hiểu giữa con người và thần thánh.

Mặt tiền của tòa chánh điện là một cặp liễn đối bằng gỗ chạm chữ, nền gỗ sơn son, chữ viết chân phương vàng óng ánh, nội dung ca ngợi công đức của các bậc thánh nhân. Hai bên cửa chánh điện có một cặp liễn phụng cúng của một bậc túc Nho, sử dụng mỗi vế 4 từ láy để tôn cái ý lồng lộng của ngôi đình và ca tụng đức độ của vị thần hoàng bổn cảnh: "Như tá thần công hiển hiển hách hách vạn cổ giang sơn/Trọng tân miếu mạo nguy nguy nga nga trung thiên nhật nguyệt".

Tạm dịch: Công đức bậc thánh thần hiển hách luôn bảo vệ đất nước tồn tại mãi ngàn năm. Luôn giữ như mới đền miếu nguy nga giữa bầu trời sáng soi hai vầng nhật nguyệt.

Ngoài ra, đình còn có 6 bức hoành phi thờ tự, đều có 4 đại tự bao gồm: Chánh trực thông minh, các ty tạo hóa, đức phối càn khôn, thần quang phổ chiếu, thinh linh hích trạc, đạo hiệp thanh ninh. Tất cả đầu có dạng hình chữ nhật, kích cỡ khác nhau, được làm bằng gỗ mít, chạm khắc, sơn son thếp vàng.

Các bức hoành phi được các vị thân hào hay các chức việc trong ban hội tế phụng cúng vào những thời điểm đáng ghi nhớ nào đó, như đình vừa cất xong hay các dịp trùng tu sửa chữa. Đây là lúc người dân tin rằng “thần” đã bảo vệ dân làng.

{keywords}

Cũng ở Gò Công, tại Khu di tích văn hóa lịch sử quốc gia Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định tại ấp 2, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, trên trụ cổng vào có cặp liễn đối ngắn bằng chữ quốc ngữ của nhân dân Gò Công đề tặng công đức của ông Trương Định: Gò Công trương chánh khí. Gia Thuận định trung can.

{keywords}

Tại Đình Trung ở thị xã Gò Công (hay còn gọi là Đình làng Thành Phố) được trang trí rất nhiều cặp liễn đối và 02 bộ gồm 06 bức hoành phi ở mặt tiền đình, hậu đình, tòa võ quy và chánh điện... Riêng đối với khu lăng mộ và Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định ở thị xã Gò Công có rất nhiều cặp liễn đối, hoành phi ca ngợi công đức của ông. Hai trụ trước mộ khắc hai cặp liễn đối: Gò Công trương chánh khí. Gia Thuận định trung can. Bốn trụ thành mộ cũng khắc bốn cặp liễn đối. Trên tấm bia phong chẩm có khắc bài văn kể công trạng của ông bằng chữ Hán. Trên ba cửa trước mộ khắc ba bức hoành phi, cửa chính ghi chữ "Vạn cổ phương danh - Tiếng thơm muôn đời", cửa trái ghi "Đức duy hinh - Chỉ có đức là thơm mãi", cửa bên phải ghi "Minh dã viễn - Vầng sáng tỏa xa".

Quốc Huy
Ảnh-video: Duy Khánh, Trần Thủy, Bạt Tuấn

15/12/2021 04:38 (GMT+07:00)